“Gia đình Malaysia” là cụm từ Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob nhắc tới nhiều trong bài phát biểu đầu tiên trước công chúng sau khi tuyên thệ nhậm chức hồi cuối tháng Tám.
Đánh giá về 100 ngày cầm quyền đầu tiên, Thủ tướng Ismail cho rằng nội các đã thực hiện được khoảng 90% mục tiêu đề ra và thành quả này sẽ được tiếp tục với kế hoạch trung và dài hạn từ sáu tháng đến một năm.
Ông nhấn mạnh thành công trong 100 ngày đầu tiên sẽ truyền cảm hứng để chính phủ tiếp tục phục vụ nhân dân trên tinh thần vì "gia đình Malaysia" với cam kết cao hơn, thay vì trở nên chủ quan, hài lòng với kết quả hiện tại.
Trước đó, trên trang Facebook cá nhân, nhà lãnh đạo này cũng chia sẻ quan điểm, đánh giá về các bộ và cơ quan ngang bộ cũng như cá nhân bộ trưởng dựa trên 3 tiêu chí: việc thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của bộ (50%), hiệu quả hoạt động của bộ trưởng (25%) và nhận thức của người dân về bộ trưởng và bộ (25%).
Theo Thủ tướng Ismail, thành công của Chương trình Tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 đã cho phép nền kinh tế mở cửa trở lại hoàn toàn.
Đây chính là yếu tố quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế vi mô của đất nước và giúp đỡ người dân, tạo cơ sở mạnh mẽ cho sự phục hồi của đất nước khi bước sang quý cuối cùng của năm 2021.
Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 4,3% trong tháng 10 vừa qua so với mức cao nhất là 5,3% ghi nhận hồi tháng 5/2020.
Bên cạnh đó, Malaysia cũng chứng kiến mức tăng 56% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 8,2 tỷ ringgit trong quý 2 lên 12,8 tỷ ringgit trong quý 3/2021.
Điều này đã khiến tổng vốn FDI trong 9 tháng đầu năm tăng hơn 30 tỷ ringgit, tăng khoảng 300% so với cùng kỳ năm ngoái.
[Thúc đẩy vị thế của thương hiệu “Made in Malaysia” trên toàn cầu]
Bộ Thương mại và Công nghiệp quốc tế đã thành công trong việc tăng FDI cho lĩnh vực sản xuất bằng cách phê duyệt các dự án trị giá 109,1 tỷ ringgit trong 100 ngày đầu cầm quyền.
Hướng tới mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, chính phủ đã triển khai việc phân bổ 3,3 tỷ ringgit cho Chương trình Trợ cấp tiền lương.
Chương trình đã mang lại lợi ích cho hơn 189.000 người sử dụng lao động và 1,9 triệu công nhân.
Ngoài ra, trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến nhiều người mất việc làm, nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ bị phá sản, chính phủ đã phân bổ 8,2 tỷ ringgit để giúp đỡ khoảng 9,6 triệu người.
Tính đến ngày 30/11 vừa qua, khoảng 156,18 tỷ ringgit trong tổng số 225 tỷ ringgit đã được giải ngân qua 4 gói kích thích kinh tế.
Các nhà phân tích chính trị tại Malaysia cho rằng đến thời điểm hiện tại, chính phủ của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đã đạt được 90% mục tiêu chính và hiện là thời điểm thích hợp để đặt ra mục tiêu mới.
Chủ tịch Hội đồng Giáo sư quốc gia, Giáo sư Shamsul Amri Baharuddin đánh giá dù chính phủ đạt được 90% mục tiêu, song vẫn còn nhiều việc cần phải làm để giải quyết những vấn đề tồn đọng.
Ông nhấn mạnh sau thời điểm 100 ngày đầu tiên, cần đánh giá sự thể hiện vai trò của các thành viên nội các trong một năm vì mục tiêu dài hạn rất quan trọng.
Theo ông, trong thời gian dịch bệnh hoành hành, các bộ Y tế, Đoàn kết quốc gia, Khoa học-Công nghệ và Đổi mới và Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm đã thể hiện được vai trò của mình.
Cùng quan điểm với Giáo sư Shamsul, Giáo sư trường Đại học Sains Malaysia, ông Sivamurugan Pandian cho rằng mọi sự chú ý sẽ dồn vào Bộ Giáo dục trong thời gian tới sau một năm học trực tuyến khiến nhiều học sinh không theo kịp chương trình.
Bên cạnh đó, vấn đề tăng giá hàng hóa đang ảnh hưởng lớn đến người dân. Tuy nhiên, đây là vấn đề quá lớn để có thể giải quyết trong một thời gian ngắn.
Trên thực tế, Thủ tướng Ismail đang tiếp tục triển khai Kế hoạch Phục hồi quốc gia (NRP) do chính phủ tiền nhiệm đề ra.
Đây được đánh giá là bước đi đúng đắn vì đội ngũ nội các và công chức có thể tiếp tục đà phát triển đã bắt đầu từ năm 2020.
Theo Giáo sư Shamsul, 90% là một mức đánh giá phù hợp thực tế. Chính phủ của Thủ tướng Ismail không bắt đầu từ con số không và hiện đang có một nền tảng vững chắc để làm việc và thúc đẩy các mục tiêu đề ra.
Giáo sư Sivamurugan cho biết các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn do Thủ tướng Ismai đặt ra, cùng với biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết giữa chính phủ và phe đối lập đã giúp chính phủ “ghi điểm.” MOU đã hỗ trợ rất nhiều vì các bộ trưởng không phải lo lắng về chính trị và có nhiều thời gian hơn để làm việc.
Để khơi dậy tinh thần đoàn kết trong đảng trên cương vị là Phó Chủ tịch đảng Tổ chức Mã Lai thống nhất (UMNO), Thủ tướng Ismail cũng bày tỏ hy vọng nhận được sự ủng hộ trên cương vị Thủ tướng để giúp ông tập trung giải quyết các vấn đề kinh tế và chăm sóc y tế mà người dân đang phải đối mặt.
Theo ông, mặc dù số ca mắc mới COVID-19 đã giảm và nền kinh tế đất nước cũng đang được phục hồi, nhưng nhiệm vụ vẫn chưa hoàn thành.
Ông nhấn mạnh: “Tôi cần sự ủng hộ của toàn đảng để có sức mạnh chiến đấu. Vấn đề lớn nhất là vấn đề của người dân chứ không phải là vấn đề chính trị kéo dài."
Lên nắm quyền vào thời điểm khó khăn khi mà tranh chấp đảng phái đang ở giai đoạn cao trào và dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, có thể nói thách thức của Thủ tướng Malaysia Ismai không hề nhỏ.
Việc Malaysia nằm trong nhóm 20 nước có tỷ lệ dân số hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới (80%) là kết quả đáng ghi nhận. Malaysia cũng bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường cho những người đã hoàn thành tiêm chủng.
Những dấu ấn trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên sẽ tạo động lực để chính quyền tiếp tục nỗ lực thực hiện các dự án nhằm tiếp tục hỗ trợ cũng như bảo vệ lợi ích và phúc lợi xã hội của người dân, theo tinh thần của Thủ tướng Ismail là “gia đình Malaysia.”./.