Đặt trọng tâm nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo cách mạng

Trong nhiệm kỳ mới, Hội Nhà báo Việt Nam tập trung xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng vững về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp.
Đặt trọng tâm nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo cách mạng ảnh 1Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam khóa 10, nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ diễn ra từ ngày 7-9/8 với sự tham dự của 501 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 22.000 hội viên.

Trước thềm Đại hội, phóng viên TTXVN đã có cuộc trò chuyện với Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hà Minh Huệ về những nội dung quan trọng của Đại hội.

Ông Hà Minh Huệ khẳng định trong nhiệm kỳ mới, Hội tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Hội, xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng vững về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Bên cạnh đó, Hội cũng quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên...


Đổi mới theo hướng chất lượng và hiệu quả

- Nhiệm kỳ 2010-2015 của Hội Nhà báo Việt Nam đã đạt được những kết quả nào nổi bật đáng chú ý thưa ông?

Phó Chủ tịch thường trực Hà Minh Huệ: Có thể nói rằng trong 5 năm qua, báo chí cả nước nói chung, Hội Nhà báo Việt Nam nói riêng đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, phát huy truyền thống vẻ vang của 90 năm báo chí cách mạng, tiếp tục có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Báo chí nước ta phát triển mạnh mẽ về quy mô, loại hình, công nghệ và có những bước tiến quan trọng về chất lượng nội dung, hình thức vả hiệu qủa thông tin; tạo dựng mô hình hoạt động đa phương tiện, có cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại.

Báo chí đi đầu trong tuyên truyền chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Những người làm báo đã tăng cường đấu tranh phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu của các thế lực thù địch, củng cố lòng tin cùa nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới.

Báo chí cũng là là một trong những lực lượng đi đầu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã được các cơ quan báo chí góp phần đưa ra ánh sáng.

Báo chí có những đóng góp quan trọng trong công tác thông tin đối ngoại, nêu bật những thành tựu xây dựng, phát triển đất nước, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Báo chí phản ánh kịp thời, sinh động và hấp dẫn các sự kiện, vấn đề quốc tế, các thành tựu văn hóa, khoa học, kỹ thuật của thế giới, góp phần tăng cường tình hữu nghị và hiểu biết giữa các dân tộc.

Nhiều cơ quan báo chí tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, xóa đói giảm nghèo, vận động đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiên lai, giúp đỡ địa phương và gia đình có hoàn cành khó khăn, cán bộ, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo.

Các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương có ý thức đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập hợp, đoàn kết đội ngũ người làm báo, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ do Đại hội 9 đề ra, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước, phát triển nền báo chí cách mạng.

Công tác xây dựng Hội và phát triển hội viên của Hội Nhà báo Việt Nam đã được đổi mới theo hướng tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả. Điều đáng mừng là số lượng hội viên tự nguyện gia nhập Hội tăng nhanh. Từ cuối năm 2010 cho đến nay, số lượng hội viên đã tăng 5.000 người, trung bình mỗi năm tăng thêm 1.000 người. Chính vì thế, số lượng Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa 10 đã được đề xuất tăng từ 49 ủy viên như hiện nay lên 57 ủy viên. Việc này sẽ do Đại hội khóa 10 quyết định.

Cùng với việc việc phát triển tổ chức Hội và hội viên, Hội Nhà báo Việt Nam cũng tiến hành rà soát, chấn chỉnh, xử lý vi phạm, giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả, xóa tên những tổ chức Hội, hội viên vi phạm quy định Điều lệ Hội. Năm 2014, Trung ương Hội đã quyết định giải thể 27 Chi hội, xóa tên 371 hội viên.

- Như ông đã trao đổi, vấn đề trọng tâm của Hội nhiệm kỳ mới sẽ là nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm báo cách mạng. Vậy ông có thể nói rõ hơn về nhiệm vụ này?


Phó Chủ tịch thường trực Hà Minh Huệ:
Tại Đại hội, trong số các báo cáo trình bày sẽ có một báo cáo của Ban Chấp hành khóa 9 với chủ đề "Nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn; xây dựng tổ chức Hội, đội ngũ những người làm báo đáp ứng yêu cầu của thời kì mới." Trong báo cáo này sẽ đề cập rõ những nỗ lực, thành tựu và đóng góp quan trọng của báo chí cả nước, của Hội Nhà báo Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; thẳng thắn chỉ rõ hạn chế, yếu kém trong hoạt động báo chí, hoạt động của các cấp hội.

Trong nhiệm kỳ tới, Hội Nhà báo Việt Nam cũng xác định mục tiêu trọng tâm là tập trung xây dựng, củng cố tổ chức Hội, xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng vững về tư tưởng chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, gương mẫu về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân, xứng đáng là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Bên cạnh đó, Hội cũng quan tâm hơn nữa việc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên.

Làm tốt mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ người làm báo cách mạng sẽ góp phần giải quyết, hạn chế những yếu kém, bất cập còn tồn tại trong lĩnh vực báo chí Việt Nam. Đó là một số cơ quan báo chí chưa thực hiện tốt tôn chỉ, mục đích; còn thiếu nhạy bén chính trị, chưa coi trọng đúng mức việc phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt.

Trên các báo vẫn còn tình trạng đưa thông tin thiếu chính xác, sa đà vào chuyện giật gân, câu khách, đưa nhiều tin về tiêu cực, mặt trái của xã hội, có thông tin tiết lộ bí mật quốc gia. Một số cơ quan báo chí mở thêm ấn phẩm phụ, kênh sóng, chương trình theo hướng xã hội hóa, nhưng chưa quản lý chặt chẽ nội dung, còn để xảy ra sai phạm.

Một số cán bộ, phóng viên, hội viên, nhân viên ở một số cơ quan báo chí thiếu rèn luyện, tu dưỡng, vi phạm đạo đức nghê nghiệp, thậm chí vi phạm pháp luật đã bị xử lý. Hội Nhà báo Việt Nam cũng có trách nhiệm về những yếu kém đó. Đây là thách thức không nhỏ, thời gian tới cần có những giải pháp quyết liệt để khắc phục.


Quan tâm bảo vệ quyền lợi của hội viên

- Vừa qua cũng xảy ra tình trạng các nhà báo bị cản trở, thậm chí bị hành hung khi tác nghiệp. Hội Nhà báo Việt Nam có những hoạt động nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp?

Phó Chủ tịch thường trực Hà Minh Huệ: Trước hết, phải khẳng định rằng luật pháp, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền của nhà báo.

Báo chí nước ta là công cụ, phương tiện tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước cho nên báo chí luôn được tạo điều kiện để hoạt động phục vụ mục tiêu xây dựng và bảo vệ nhà nước. Luật Báo chí cũng ghi rõ nhà báo có quyền tác nghiệp trên quy mô toàn quốc, không ai có quyền được ngăn cản.

Chính phủ cũng đã có những chỉ thị, chỉ đạo về cung cấp thông tin cho báo chí. Vì vậy những hành vi ngăn cản, hành hung, đe dọa các nhà báo tác nghiệp là vi phạm pháp luật; cần phải lên án và các cơ quan chức năng phải đảm bảo cho nhà báo hoạt động, thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, thông tin.

Trong nhiệm kỳ qua, có những sự việc cản trở, đe dọa nhà báo tác nghiệp xảy ra, thậm chí có trường hợp tấn công, hành hung nhà báo. Hội Nhà báo đều hết sức quan tâm, nắm vững thông tin, hành động để bảo vệ phóng viên, nhà báo; đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ; đồng thời, yêu cầu cơ quan báo chí, phóng viên đó báo cáo lại thực sự vụ việc để có những giải pháp cụ thể.

Tuy nhiên cũng phải thắng thắn thừa nhận rằng có một vài trường hợp nhà báo khi tác nghiệp chưa làm đúng lắm với tinh thần trách nhiệm với xã hội, nghĩa vụ công dân với đất nước cũng như quy định đạo đức của người làm báo. Ở đây ta phải nói đến hai mặt của vấn đề: Một mặt, nhà báo chưa quan tâm nhiều, chưa hiểu rõ những quy định của pháp luật khi tác nghiệp; có trường hợp chạy theo thông tin giật gân chứ chưa tính đến trách nhiệm xã hội của người làm báo. Thứ 2 là trong thời kì xã hội chịu ảnh hưởng của cơ chế thị trường, những người, đơn vị sai phạm thường không thích nhà báo và sẽ có hành động cản trở tác nghiệp. Do đó, khi tác nghiệp các nhà báo cần làm đúng quy định, đúng pháp luật, hiểu rõ trách nhiệm với xã hội, những vấn đề có lợi cho xã hội cần làm hết sức, những việc có hại cần hết sức tránh.

Hội Nhà báo cũng mong muốn các phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp cần phải thận trọng hơn và có những phương pháp thu thập thông tin thích hợp hơn để đảm bảo vừa có thông tin tốt, vừa đảm bảo được an toàn khi tác nghiệp.

Trong nhiệm kỳ tới, Hội coi trọng công tác giáo dục, đào tạo bồi dưỡng cho hội viên, người làm báo bề bản lĩnh chính trị cũng như đạo đức, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của công dân. Đồng thời, Hội cũng sẽ đi sâu nghiên cứu, học tập kinh nghiệm để sửa đổi chín điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam dành cho hội viên nhằm...


- Trân trọng cám ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục