Thông tin từ Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ngày 15/1 cho biết đợt phim chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng Xuân Bính Thân 2016 sẽ diễn ra từ ngày 18/1 đến ngày 5/2 trên toàn quốc.
Tại Hà Nội, lễ khai mạc diễn ra tối 18/1 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia. Tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, lễ khai mạc diễn ra tối 19/1 tại Rạp Chiếu phim 19/4.
Hai bộ phim của Điện ảnh Việt Nam được công chiếu ngày khai mạc đợt phim này gồm phim tài liệu “Đất nước đổi mới” (Công ty trách nhiệm hữu hạn Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất) và phim truyện “Trên đỉnh bình yên” (Công ty cổ phần phim truyện 1 sản xuất).
Bộ phim tài liệu “Đất nước đổi mới” (dài 30 phút, kịch bản và đạo diễn Đào Thanh Tùng) khái quát chặng đường phát triển, thành tựu nổi bật của đất nước đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Đây là bộ phim được Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội XII của Đảng giao nhiệm vụ cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Điện ảnh) chỉ đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương thực hiện và hoàn thành để chào mừng Đại hội Đảng lần thứ XII. Theo kế hoạch, bộ phim được phát sóng trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam lúc 20 giờ tối 20/1.
Bộ phim truyện điện ảnh “Trên đỉnh bình yên” vừa hoàn thành năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, Công ty cổ phần phim truyện 1 thực hiện. Phim do đạo diễn, nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Hữu Mười thực hiện, biên kịch Đoàn Minh Tuấn. Phim phản ánh đời sống sinh hoạt và lao động giản dị nơi làng nghề làm gốm truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm ở Nam Trung Bộ và sự chuyển đổi từng bước trong cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây để xây dựng và phát triển kinh tế gia đình.
Những nghệ nhân, những người con trai, con gái làng Chăm trải qua nhiều thăng trầm đã nhận ra rằng không thể sống mãi trong cảnh nghèo, họ cần vượt qua hủ tục và định kiến, đổi mới cách nghĩ cách làm để phù hợp với quy luật phát triển của cuộc sống, đồng thời vẫn giữ gìn, trân trọng và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trong đợt phim này, Cục Điện ảnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng, Trường Quân sự và Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh Bình Thuận tổ chức chiếu phim cho cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang tỉnh, sinh viên Trường cao đẳng cộng đồng. Đồng thời, các cán bộ, nghệ sỹ của đoàn phim “Trên đỉnh bình yên” sẽ đến thăm, giao lưu với cán bộ, chiến sỹ và sinh viên... Cục Điện ảnh cũng cung cấp nguồn phim (bản HD) đến tất cả các Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng địa phương để đồng loạt công chiếu bộ phim “Trên đỉnh bình yên” trên toàn quốc.
Trong khuôn khổ đợt phim, Ban tổ chức in nhân bản bộ phim truyện (video) “Nước mắt người cha” (Trung tâm sản xuất phim Dân tộc, Miền núi và Biển đảo sản xuất); hai bộ phim tài liệu “Đất nước đổi mới,” “Lời ru từ lòng đất” (Công ty trách nhiệm hữu hạn Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương sản xuất) và chương trình (video, 155 phút) dành cho đồng bào dân tộc, miền núi vùng sâu, vùng xa, số Chuyên đề “Tổng kết năm 2015, chào mừng Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII” gửi đến các đội chiếu bóng lưu động chiếu phục vụ nhân dân cả nước từ nay đến trước, trong và sau Xuân Bính Thân.
Cũng trong đợt này, các bộ phim Nhà nước đặt hàng, do Cục Điện ảnh cung cấp, tiếp tục được các Công ty Điện ảnh, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng các tỉnh, thành phố chiếu phục vụ nhân dân tại các địa phương trong cả nước, gồm “Nhà tiên tri,” “Thầu Chín ở Xiêm,” “Đường xuyên rừng,” “Những đứa con của làng,” “Nhìn ra biển cả,” “Giải phóng Sài Gòn,” “Những người viết huyền thoại,” “Sống cùng lịch sử,” “Hà Nội mùa đông năm 46,” “Mùi cỏ cháy,” “Đường thư,” “Đừng đốt,” “Nga ba Đồng Lộc,” “Vào Nam ra Bắc;” phim tài liệu “Đỉnh cao chiến thắng,” “70 năm đất nước niềm tin và ánh sáng,” “Vài hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch,” “Bác Hồ với nông dân,” “Đường tới độc lập, tự do,” “Ngày cuối cùng của chiến tranh,” “Điện Biên Phủ,” “Địa chấn ở Điện Biên Phủ,” “Hồi ức Điện Biên”./.