Gà Đông Tảo hay còn gọi là gà Đông Cảo là giống gà quý hiếm của Việt Nam được các hộ dân xã Đông Tảo (Khoái Châu - Hưng Yên) nuôi và phát triển từ nhiều năm nay, hiện có khoảng hơn 2000 hộ nuôi loại gà này. Thế nhưng, hiện nay gà Đông Tảo đang dần mất đi những đặc tính vốn có từ xa xưa của nó. Nhiều người yêu gà, say mê gà đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo tồn và gìn giữ nguồn gen đặc biệt quý hiếm này trước những diễn biến khôn lường của dịch bệnh. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, cán bộ xã Đông Tảo cho biết: “Đợt dịch vừa qua nhiều gia đình mất trắng, sạt nghiệp vì gà. Cả xã Đông Tảo nuôi gà, nhưng người nuôi theo mô hình trang trại đáp ứng nhu cầu của thị trường thì chỉ đếm trên đầu ngón tay vào khoảng 6 đến 7 nhà. Mặc dù giá gà rất cao, gà con mới nở có giá 50 đến 70 nghìn đồng, đấy là những con gà lai, những con đẹp có giá từ 400 đến 500 nghìn đồng nhưng người dân Đông Tảo rất ít hộ sống được và giàu lên bằng nghề nuôi gà”. Hiện nay, người nuôi gà Đông Tảo đa số vẫn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, kỹ thuật chăm sóc gà vẫn dựa vào những kinh nghiệm truyền thống, chưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi. Văcxin tiêm cho gà tuy có nhưng giá từ 700.000 đến 1.000.000 đồng/lọ dùng cho 1.000 con, nhưng nhiều hộ không có điều kiện mua vì giá thành cao so với khả năng và số lượng gà chỉ có vài chục con sẽ gây lãng phí nên mong muốn có loại văcxin dành cho những hộ chăn nuôi nhỏ. Gà Đông Tảo được cho là đạt chuẩn phải hội đủ các yếu tố như: Đầu gộc tre, mình cốc (thân giống con cốc), cánh vỏ trai (cánh giống vỏ trai úp vào thân), đuôi nơm (giống cái nơm úp cá), mào mâm xôi, chân gà to, tròn, các ngón chân thẳng, múp, vảy thịt có da đỏ chứ không phải vảy xương và không bao giờ mọc thành hàng, không có cựa, bàn chân dày, cân nặng từ 4 đến 5 kg thậm chí có con đến 7kg. Hiện nay, gà có vảy thịt được cho là hiếm nhất phải mất 30 đến 40 năm mới đúc kết được một con, cả xã chỉ còn có 5 con gà trống như vậy. Đến Đông Tảo bây giờ để mua được con gà thuần chủng là rất khó vì số người nuôi không có nhiều, mặc dù giá rất cao nhưng giống này chậm lớn hơn gà lai, đẻ ít, ăn rất khỏe, chi phí tốn kém. Chính vì vậy, một số hộ nuôi gà theo mục đích kinh doanh đã lai giữa giống gà ri và gà Đông Tảo cho giống khỏe hơn, đẻ nhiều hơn và kháng bệnh cũng tốt hơn.
Đàn gà Đông Tảo lai an toàn sinh học của gia đình ông Nguyễn Văn Tặng, ở xã Quảng Châu ( thành phố Hưng Yên ). Ảnh: Đình Huệ-TTXVN
Tuy vậy, ở xã Đông Tảo vẫn có người thực sự yêu qúy gà, coi gà như vật báu, dù khách trả giá cao đến cỡ nào cũng không bán, bởi mỗi gia đình cũng chỉ có từ một đến 2 cặp gà đạt chuẩn. Đa số người dân vẫn nuôi gà theo phương thức truyền thống, họ nuôi gà vì say mê và muốn gìn giữ nguồn gen quý hiếm cho con cháu sau này.
Chính vì vậy, người dân địa phương mong các ngành chức năng cần có những biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn nữa về kiến thức, thuốc men nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, giúp người nuôi gà làm giàu và bảo tồn được giống gà quý hiếm này./.
Chính vì vậy, người dân địa phương mong các ngành chức năng cần có những biện pháp hỗ trợ cụ thể hơn nữa về kiến thức, thuốc men nhằm nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh, giúp người nuôi gà làm giàu và bảo tồn được giống gà quý hiếm này./.
Văn Giáp (TTXVN)