Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 6/6, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi).
Tờ trình dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày nêu rõ đánh giá thực tiễn thi hành Luật Chứng khoán cho thấy, quy mô thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Thị trường chứng khoán đã hỗ trợ cho việc thực hiện công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước được thuận lợi hơn và ngày càng công khai, minh bạch, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Quy mô, hiệu quả hoạt động, chất lượng quản trị của các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán được nâng cao rõ rệt.
Bên cạnh những kết quả tích cực, thực tiễn sau hơn 10 năm thi hành cho thấy Luật Chứng khoán đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nội dung một số điều khoản của luật còn chưa rõ ràng, cụ thể, dẫn đến cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong áp dụng; một số điều khoản của luật không còn hợp lý hoặc không còn phù hợp với thực tiễn; luật chưa quy định một số vấn đề mà thực tiễn đòi hỏi cần phải thể chế hóa bằng luật; một số điều khoản chưa tương thích với thông lệ quốc tế tốt, chưa phù hợp với yêu cầu và cam kết hội nhập kinh tế quốc tế...
Chính phủ thấy rằng, việc sửa đổi Luật Chứng khoán ở thời điểm hiện nay là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 10 năm thi hành Luật Chứng khoán, đáp ứng yêu cầu phát triển tất yếu của thị trường chứng khoán nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
[Tăng tính minh bạch để hạn chế thao túng giá chứng khoán]
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) bao gồm 10 chương, 136 điều. So với Luật Chứng khoán hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi 97 điều, bổ sung 31 điều, bãi bỏ 31 điều và giữ nguyên 08 điều.
Một trong những nội dung quan trọng cần sửa đổi trong dự thảo luật là mô hình tổ chức của Sở Giao dịch chứng khoán (Điều 43 và Điều 44 của dự thảo).
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc tổ chức Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam theo mô hình công ty mẹ-công ty con vừa phát sinh thêm đầu mối trung gian là Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, vừa gây bất cập, chồng chéo đối với công tác quản lý, giám sát 2 Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh của cơ quan nhà nước do phải chỉ đạo thông qua công ty mẹ là Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Điều này không bảo đảm việc chỉ đạo giám sát kịp thời đối với hoạt động của thị trường chứng khoán, đặc biệt trong các trường hợp xảy ra các biến động cần có sự can thiệp ngay để bảo đảm an toàn của thị trường.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang triển khai mạnh mẽ trong lĩnh vực chứng khoán, việc tổ chức thị trường chứng khoán phân định theo khu vực địa lý không còn phù hợp với xu thế phát triển.
Vì vậy, việc luật hóa quy định về thành lập thống nhất một đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán (chỉ có duy nhất Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, đặt tại trung tâm tài chính quốc gia) là cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, tiết kiệm chi phí quản lý, tăng hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán.
Thảo luận tại tổ về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) đồng tình cao với việc nâng điều kiện vốn điều lệ tối thiểu đã góp đối với công ty đại chúng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng.
Đại biểu phân tích, việc nâng vốn điều lệ cũng là tăng yêu cầu tiêu chuẩn đối với những doanh nghiệp đủ điều kiện lên sàn, đảm bảo cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ, điều này cũng phù hợp với tình hình phát triển quy mô của nền kinh tế thời gian qua.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị bổ sung thêm trong Báo cáo thẩm tra quy định thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm đối với chứng khoán của tổ chức lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam quy định tài khoản 2 Điều 55 và khoản 3 Điều 63 của dự thảo luật.
Theo đại biểu, trong Điều 9 của Nghị định 102/2017 của Chính phủ về đăng ký giao dịch bảo đảm thì tổ chức tổ chức lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam không phải cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm.
Trong khi đó khoản 4, Điều 9 Nghị định 102 đã quy định đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản (trong đó có cả chứng khoán) thuộc thẩm quyền của trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm thuộc Bộ Tư pháp quản lý.
Đại biểu thành phố Hà Nội cho rằng, hệ thống cơ quan này đang hoạt động ổn định trong 17 năm qua và hiện nay là một trong những đơn vị thực hiện dịch vụ công trực tuyến của ngành tư pháp cấp độ 4 có hệ cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất do Bộ Tư pháp quản lý không phát sinh vướng mắc, vì vậy nếu thay đổi sẽ gây xáo trộn cho các cơ quan đang thực hiện.
Đa số đại biểu cho rằng, dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Quốc hội với nhiều nội dung mới đã được bổ sung, sửa đổi mang tính đột phá và kỳ vọng khi được ban hành sẽ tạo ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tương lai; bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư; tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Qua đó, giúp thị trường chứng khoán ngày càng công khai và minh bạch, đặc biệt là sẽ nâng cao được năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý./.