Doanh nghiệp Việt đang có nhiều cơ hội mở rộng thị trường và đẩy mạnh việc liên kết với các đối tác nước ngoài khi nhiều nhà cung ứng lớn trên thế giới đang chuẩn bị tham gia vào chương trình “Kết nối chuỗi cung ứng quốc tế 2023” do Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 9 tới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khuôn khổ sự kiện này, ngoài hoạt động trưng bày hàng hóa, kết nối giao thương quốc tế, các hội nghị về cung cấp thông tin thị trường thì việc kết nối giữa các đối tác, bên mua với nhà cung ứng sẽ mở ra thêm cơ hội để giúp hàng Việt tiến sâu hơn vào hệ thống phân phối nước ngoài.
Hàng hóa Việt ngày càng có tính cạnh tranh
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn toàn cầu với khả năng cung ứng cho thị trường thế giới. Nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú về chủng loại, cạnh tranh về giá cả và với chất lượng ngày càng được cải thiện.
[Cơ hội giúp doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng]
Ông Christian Merizalde Aguilar, Phụ trách chiến lược kinh doanh, Công ty Grupo Merica Foods cho biết doanh nghiệp đang dịch chuyển kinh doanh từ Thái Lan sang Việt Nam, theo đó nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Grupo Merica Foods khoảng 110 container hàng hóa từ Việt Nam trong năm 2023, tăng so với năm 2022 (77 container hàng hoá).
“Chất lượng hàng hoá Việt Nam ngày càng cải thiện và có tính cạnh tranh cao, vì thế tới đây, Grupo Merica Foods mong muốn làm việc trực tiếp với các nhà sản xuất của Việt Nam để cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường quốc tế,” ông Christian Merizalde Aguilar cho hay.
Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam liên tục gia tăng. Đặc biệt, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn đã góp phần tăng vị thế của hàng Việt trên trường quốc tế. Không những vậy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài cũng mong muốn tìm kiếm thêm các nhà cung cấp Việt Nam và kỳ vọng sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhiều hơn trong tương lai.
Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng phòng cấp cao Phát triển nhà cung ứng khu vực châu Á (Tập đoàn Walmart) thông tin, Walmart đã xác định Việt Nam sẽ trở thành điểm sản xuất thuê bên ngoài (outsourcing) chính ở Đông Nam Á và châu Á của tập đoàn.
“Đến năm 2027, dự kiến thị phần thu mua tại Việt Nam sẽ tăng lên rất nhiều không chỉ với các mặt hàng quần áo giày dép mà còn nhiều sản phẩm khác,” ông Trọng cho hay.
Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết sắp tới sẽ có một đoàn khoảng 50 doanh nhân do Thủ hiến vùng Flanders và Phó Chủ tịch Thứ nhất Thượng viện Bỉ dẫn đầu sang tìm kiếm đối tác tại Việt Nam và tham gia Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-EU và Kết nối các nhà cung ứng trong khuôn khổ Chương trình Viet Nam International Sourcing 2023 tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9/2023.
Đoàn doanh nghiệp vùng Flanders có cơ cấu rất đa dạng, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực từ nông sản, máy móc, vật liệu xây dựng cho đến bất động sản, dịch vụ logistics, xây dựng công trình…
Đặc biệt, một số doanh nghiệp trong Đoàn đã bày tỏ mong muốn được kết nối sâu hơn với doanh nghiệp Việt Nam thông qua chuỗi sự kiện Vietnam International Sourcing 2023, cụ thể với các ngành như sản xuất bánh kẹo, socola và sản phẩm có socola; trái cây; màng phim cách nhiệt, sản phẩm ngoài trời…
“Ngay từ đầu năm nay, rất nhiều doanh nghiệp lớn như John Cockerill, IPEI, DEME… đã tới Việt Nam để khảo sát khả năng đầu tư nhằm triển khai kết quả chuyến thăm Bỉ vào cuối năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Tiếp đó, cả hai vùng của Bỉ là Flanders và Wallonie đều lên kế hoạch tổ chức đoàn doanh nghiệp thăm Việt Nam trong 4 tháng cuối năm 2023,” đại diện Vụ thị trường châu Âu-châu Mỹ cho hay.
Thích ứng các tiêu chuẩn cao
Hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác về thương mại lớn nhất của Việt Nam. Trong 7 tháng vừa qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đạt gần 33,6 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang EU hơn 25 tỷ USD, còn nhập khẩu từ thị trường này 8,56 tỷ USD.
Tiềm năng tại EU là rất lớn, song để tận dụng hết cơ hội từ hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam-EU (có hiệu lực từ 1/8/2020), các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn và quy chuẩn của nhà nhập khẩu.
Ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho rằng việc đưa ra quy định khắt khe hơn với mặt hàng dệt may của EU sẽ gây sức ép rất lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, như buộc phải chuẩn bị quy trình sản xuất tuần hoàn, giảm rác thải từ dệt may; sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, có thể tái chế.
“Nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn thì đây sẽ là cơ hội để hàng hoá Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại thị trường châu Âu,” ông Trần Ngọc Quân cho hay.
Không chỉ EU, hiện nay các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều yêu cầu những tiêu chuẩn rất cao đối với hàng hóa nhập khẩu, điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải thích nghi và nỗ lực hơn nữa.
Theo đại diện Tập đoàn Fast Retailing (chủ sở hữu thương hiệu Uniqlo), Việt Nam là một trong các cơ sở sản xuất chủ yếu và Tập đoàn mong muốn tiếp tục nỗ lực để phát triển hơn nữa, nhằm đảm bảo Việt Nam trở thành một cơ sở vững chắc, then chốt trong sản xuất các sản phẩm dệt may, nâng cao chuỗi cung ứng [end-to-end].
Đơn cử, để sản xuất mặt hàng may mặc, việc chỉ chú trọng vào sản xuất sau cùng đã không còn thích hợp, Tập đoàn cần có sự hợp tác giữa yếu tố đầu vào và đầu ra, để có thêm nhiều nhà máy nguyên liệu, phụ trợ nội địa.
Nếu nền tảng đầu vào trong quá trình sản xuất vững chắc hơn, Tập đoàn có thể phát triển nhiều cải tiến cho chuỗi cung ứng tại Việt Nam, qua đó, Fast Retailing có thể tăng cường sự hiện diện hơn nữa tại Việt Nam thông qua hợp tác với các nhà máy đối tác.
Cũng theo đại diện Fast Retailing, Tập đoàn lựa chọn đối tác dựa trên các tiêu chuẩn và đảm bảo chất lượng thông qua việc giám sát thường xuyên và kiểm toán hệ thống để đảm bảo chất lượng trong quy trình sản xuất và tại nơi làm việc.
“Đối với quá trình thẩm tra nhà máy đối tác mới, Fast Retailing tiến hành hoạt động này trước khi hợp tác kinh doanh. Quy trình này đảm bảo các đối tác tiềm năng tuân thủ với Bộ Quy Tắc về Đối Tác Sản Xuất. Tập đoàn chỉ tiến hành hoạt động kinh doanh với các đối tác được xác nhận đã đáp ứng các tiêu chuẩn,” đại diện Fast Retailing chia sẻ.
Trong khi đó, ông Radek Sorcik, Giám đốc cấp cao Mua hàng, Quản lý chất lượng và Môi trường xã hội và Quản trị của Công ty Takko chia sẻ trong thời gian qua, Takko có một số nhóm sản phẩm có tiềm năng và quan trọng trong chiến lược phát triển là quần áo thể thao, quần áo ngoài trời, áo thun, quần tây. Trong khi đó, những mặt hàng này của Việt Nam đã và đang chịu cạnh tranh nhiều với Bangladesh và Trung Quốc.
“Nếu muốn mở rộng xuất khẩu các mặt hàng này, doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung đầu tư mạnh vào các nhà máy sản xuất, nguồn gốc chất lượng vải, giá thành và tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp,” ông Radek Sorcik khuyến nghị./.