Đáp ứng quyền lợi chính đáng để người khuyết tật phát huy năng lực

Việc huy động mọi nguồn lực xã hội đã giúp cho người khuyết tật tự tin, tự lập, có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt, vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế-xã hội.
Dù bị liệt hai tay và một chân, nhưng chị Huỳnh Thị Xậm (quê Hậu Giang) đã nỗ lực vượt lên chính mình, trở thành người có ích cho xã hội. (Ảnh minh họa: Thu Hoài/TTXVN)
Dù bị liệt hai tay và một chân, nhưng chị Huỳnh Thị Xậm (quê Hậu Giang) đã nỗ lực vượt lên chính mình, trở thành người có ích cho xã hội. (Ảnh minh họa: Thu Hoài/TTXVN)

Ngày 2/12, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia "Công tác xã hội đối với người khuyết tật," nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế người khuyết tật (3/12).

Phát biểu khai mạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết các cơ quan nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo cuộc sống của người khuyết tật, tạo cơ hội bình đẳng nhằm đáp ứng tốt hơn quyền lợi chính đáng, hợp pháp, động viên để người khuyết tật phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp cho xã hội.

Việc huy động mọi nguồn lực xã hội đã giúp cho người khuyết tật tự tin, tự lập cuộc sống; có rất nhiều tấm gương là người khuyết tật thành đạt, vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế-xã hội.

Mặc dù đã có những kết quả tốt trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng cơ sở xã hội thiếu thốn, chưa thể đáp ứng thỏa đáng các nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật.

Một bộ phận cán bộ và người dân nhận thức chưa đầy đủ, vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người khuyết tật.

[Việt Nam luôn dành sự chăm lo chu đáo cho người khuyết tật]

Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, khoảng 12 triệu gia đình sống chung với người khuyết tật trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, có 58% người khuyết tật là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo.

Ông Bradley Bessire, đại diện Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc chăm lo, hỗ trợ cho người khuyết tật những năm qua.

Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam là đối tác tin cậy của Việt Nam từ năm 1999 khi đóng góp hơn 125 triệu USD, giúp cho người khuyết tật Việt Nam cải thiện cuộc sống.

Khẳng định cuộc sống của người khuyết tật luôn gặp nhiều khó khăn, ông Bradley Bessire cho biết việc hợp tác mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ nhằm cung cấp những lợi ích trợ giúp cho hàng triệu người khuyết tật Việt Nam trong nhiều năm qua. Sự hợp tác đó đã đạt nhiều kết quả trong việc cải cách chính sách, chế độ liên quan đến Luật Người khuyết tật, từ đó loại bỏ sự kỳ thị đối với người khuyết tật...

Theo ông Bradley Bessire, để ban hành được Luật Người khuyết tật không hề đơn giản, ngay cả ở Hoa Kỳ, nhưng khi đi vào cuộc sống thì luật đã đem lại nhiều lợi ích cho người khuyết tật.

Trong tương lai, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ 56 triệu USD cho Việt Nam trong 5 năm tới, giúp cho cuộc sống của người khuyết tật tốt hơn.

Bà Sitara Syed, Phó Trưởng đại diện Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), cho rằng những khó khăn liên quan đến sự đói nghèo của người khuyết tật lớn hơn rất nhiều so với người nghèo bình thường. Người khuyết tật đang phải sống trong những rào cản rất lớn để có thể hòa nhập, tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội.

Bà Sitara Syed cho biết tại Liên hợp quốc các chương trình hỗ trợ người khuyết tật luôn được ưu tiên với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo bà Sitara Syed, công tác xã hội rất quan trọng để hỗ trợ cho người khuyết tật ổn định cuộc sống. Các tổ chức quốc tế và các cơ quan chức năng ở Việt Nam đều nhận ra tầm quan trọng của công tác xã hội, tuy nhiên, việc hoàn thiện hành lang pháp lý được coi là công cụ rất cần thiết để thúc đẩy hoạt động này, hướng về người khuyết tật.

UNDP đã hợp tác với nhiều cơ quan chức năng của Việt Nam trong việc rà roát lại chính sách, liên quan đến Luật Người khuyết tật sau 10 năm ban hành, đánh giá những tác động đến cuộc sống của người khuyết tật.

Bên cạnh đó, UNDP thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn những nội dung liên quan đến Công ước quốc tế về quyền người khuyết tật và trẻ em nhằm nâng cao nhận thức của người dân về người khuyết tật.

"Người khuyết tật phải được tạo mọi cơ hội để có thể tham gia những quyết định liên quan đến cuộc sống của họ. Đó là nguyên tắc quốc tế về quyền người khuyết tật," bà Sitara Syed nhấn mạnh.

Các đại biểu đã tập trung trao đổi, đánh giá toàn diện thực trạng để kiến nghị giải pháp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng; chia sẻ những mô hình công tác xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội, tạo việc làm và khởi nghiệp sáng tạo cho người khuyết tật; kiến nghị các giải pháp đột phá nhằm đổi mới tư duy, nhận thức, chủ động thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách đối với người khuyết tật.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục