Ngày 24/7, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội thảo khoa học góp ý kiến vào nội dung dự thảo Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội thảo.
Tham dự có các nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đại tướng Phạm Văn Trà, Đại tướng Phùng Quang Thanh; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Thượng tướng Phạm Thanh Ngân; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Cùng dự hội thảo có đại biểu chỉ huy các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Hội thảo nhằm xin ý kiến các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, cán bộ lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, nhà khoa học trong Quân đội và cán bộ chủ chốt một số cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đóng góp vào nội dung dự thảo Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của Chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia là chiến lược chuyên ngành quốc gia, cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, nhất là chiến lược bảo vệ Tổ quốc thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), trực tiếp là Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược An ninh quốc gia, Chiến lược Đối ngoại; là sự kế thừa kinh nghiệm dựng nước, giữ nước, bảo vệ biên cương bờ cõi của dân tộc; đồng thời tiếp thu có chọn lọc nghệ thuật, phương sách bảo vệ biên giới của các quốc gia trên thế giới.
[Nhân dân biên giới Việt-Trung cùng vệ sinh môi trường dọc tuyến sông]
Nội dung Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia thể hiện những vấn đề cơ bản về đặc điểm tình hình, đối tượng, tình huống chiến lược, xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm, phương thức tiến hành và những chủ trương, giải pháp để tổ chức thực hiện thành công Chiến lược.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho rằng với vị trí, vai trò là một chiến lược chuyên ngành, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia có đối tượng tác động, phạm vi điều chỉnh cơ bản phù hợp với lĩnh vực quốc phòng và chức năng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng.
Tuy nhiên, chủ quyền biên giới, lãnh thổ luôn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đòi hỏi tư duy trí tuệ, tầm nhìn sâu rộng, dài hạn, tính khái quát cao trong cả lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Các đại biểu dự hội thảo đã nêu ý kiến, nhấn mạnh, làm rõ những nguyên tắc, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, theo đó, cần tập trung vào những giải pháp như: giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ biên giới quốc gia.
Các đại biểu cho rằng cần tập trung củng cố cơ sở chính trị, địa phương vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới; đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Đồng thời, các đại biểu cũng thống nhất với các giải pháp: xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới toàn dân rộng khắp, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là chuyên trách; tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng trong bảo vệ biên giới quốc gia; nghiên cứu, hoàn thiện phương thức, phương án tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia…
Đại tướng Ngô Xuân Lịch ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu dự hội thảo; trên cơ sở kết quả hội thảo, giao Ban soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trình Bộ Chính trị trong thời gian tới./.