Đào tạo xiếc Việt: Trải lòng của 'người lái đò' trên dây đu văng

Ở ngôi trường có tính đặc thù cao như Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, công việc "lái đò" là hành trình đào tạo đầy yêu thương nhưng không kém phần vất vả của các thầy cô giáo.

Đam mê và tận tuỵ. Đó có thể là những từ ngữ chính xác khi nói về những người mang “nghiệp gõ đầu trẻ”. Tuy nhiên, ở một ngôi trường có tính đặc thù cao như Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, công việc “lái đò” còn là hành trình đong đầy yêu thương, nhiệt huyết và không ít nhọc nhằn.

ThS Ngô Lê Thắng - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết, đối tượng tuyển sinh của trường xiếc là học sinh từ 11 - 18 tuổi, bởi vậy nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển sinh. Từ con số hàng nghìn học sinh sơ tuyển, số cháu trúng tuyển đến khi nhập học chỉ còn tính bằng hàng chục và đến ngày ra trường, có những khóa chỉ đếm trên đầu ngón tay số học sinh thi tốt nghiệp.

[Khẳng định vị thế và hình ảnh của xiếc Việt Nam trên trường quốc tế]

Xiếc là ngành nghề đặc thù hiếm, khó tuyển sinh. Học sinh học tại Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Chính vì được học tập và rèn luyện trong một môi trường chuyên nghiệp như vậy, nên phương pháp đào tạo, cách thức quản lý các bạn học sinh đều rất khác biệt so với những trường khác.

Cô Nguyễn Thị Huyền My - Giáo viên khoa Xiếc cho biết, trong 2 năm đầu, các em đều được đào tạo bốn môn cơ bản gồm: Nhào lộn, tung hứng, thăng bằng và thể thao. Sau đó thì các em sẽ chuyển sang giai đoạn hai là được đào tạo về chuyên ngành xiếc với những tiết mục cụ thể cho từng đối tượng học sinh biểu diễn. Vì vậy nhà trường luôn phải đảm bảo đủ giáo viên để chỉ dạy từng em, đồng thời phát hiện sớm và định hướng phát triển cho từng người sao cho phù hợp với năng khiếu và thể trạng học sinh.

Vì các học sinh đều học nội trú nên công việc của các thầy cô giáo không đơn thuần là chỉ dạy các động tác kỹ thuật mạo hiểm như người ta vẫn hình dung về các nghệ sĩ trên sân khấu mà ở trường xiếc, giáo viên còn đóng vai trò như những người cha, người mẹ thứ hai của các em, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, chỉ bảo các kỹ năng sinh hoạt trong cuộc sống.

Theo thầy Nguyễn Minh Chính - Giáo viên khoa Xiếc, các thầy cô phải thường xuyên chia sẻ, nắm rõ được tâm tư, tình cảm này của các em, nhất là lứa tuổi dậy thì vốn nhạy cảm. Ngay cả việc sinh hoạt, các em cũng được chỉ dạy từ những việc nhỏ nhất khi xa nhà tự lập. Bởi vậy, giáo viên ở trường xiếc cũng phải mang trong mình một trọng trách khá lớn khi luôn phải làm gương và hoàn thiện mình để học sinh nhìn vào và học tập. Bởi lẽ những đứa trẻ lớn lên ở trường xiếc có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ giáo viên nhiều hơn gia đình.

"Trường cũng luôn đặt ra mục tiêu hàng đầu là phải dạy các con thành "người", hình thành nhân cách, hình thành nền tảng về kiến thức, về văn hóa nói chung trước và sau đó mới dạy các con về các kỹ thuật chuyên ngành xiếc hoặc tạp kỹ" - ThS Ngô Lê Thắng nhấn mạnh.

Với sự gắn bó chung tay của thầy và trò, trong suốt 61 năm thành lập và phát triển (21/11/21961 - 21/11/2022), Trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam là cái nôi đào tạo các nghệ sĩ trong nước và nước bạn như Lào, Campuchia chinh chiến các cuộc thi trong và ngoài nước. Nhà trường đã đạt được nhiều thành tích, được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương trong nước cũng như nước ngoài.

Mặc cho bao cung bậc thăng trầm, đến nay nghệ thuật xiếc Việt Nam đã trải qua 100 năm lớn mạnh. Điều đó cho thấy xiếc Việt đã, đang và tiếp tục khẳng định vị thế của mình trên bản đồ nghệ thuật sân khấu. Cùng với những người nghệ sĩ luôn hết mình vì đam mê, những người "lái đò" với hành trình trên những vòng đu, cầu bật hay dây lụa trên không sẽ vẫn tiếp tục tận hiến để "truyền lửa" cho các thế hệ sau tiếp nối./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục