Đào tạo và sát hạch lái xe: Nỗi lo ''đội'' học phí, giảm học viên

Với việc bổ sung thêm một phần thi xử lý tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng và lái xe trên cabin tập lái, học phí đào tạo sát hạch lái xe trong thời gian tới dự kiến sẽ tăng.
Học viên đang học sa hình tại một trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Công tác đào tạo, sát hạch lái xe sẽ có nhiều thay đổi trong thời gian tới khi việc lắp đặt thiết bị giám sát học viên đi vào thực thi, giảm tiêu cực “bao đậu”.

Tuy nhiên, chi phí đầu tư sẽ là gánh nặng đối với các trung tâm đào tạo lái xe đồng thời số lượng học viên có thể giảm và học phí dự báo tăng.

Gánh nặng đầu tư khiến "đội" học phí

Sau khi Thông tư số 38/2019 của Bộ Giao thông Vận tải ban hành và có hiệu lực, đại diện các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe đã hoàn thiện việc lắp đặt và kết nối hệ thống camera giám sát tại phòng sát hạch lý thuyết và trên sân sát hạch về Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo “hạn chót” ấn định trước ngày 25/12.

Ghi nhận tại Trung tâm Đào tạo nghề, Công ty cổ phần vận tải ôtô số 2 (thành phố Hà Nội) và Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô (tỉnh Bắc Ninh) cho thấy các đơn vị đã lắp camera giám sát phòng thi lý thuyết từ cách đây vài năm. Học viên trong khi chờ đến lượt thi của mình có thể giám sát ngay trên màn hình phòng chờ được truyền trực tiếp từ phòng thi ra phía bên ngoài để đảm bảo công khai, minh bạch, tránh can thiệp hay nhắc bài từ giám khảo.

“Riêng camera giám sát sân sát hạch, phía trung tâm đã thực hiện xong ngay từ tháng 10/2019 và đã truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ,” ông Lê Văn Đại-Giám đốc Trung tâm Đào tạo nghề, Công ty cổ phần vận tải ôtô số 2 cho hay.

[Các trung tâm đào tạo lái xe phải lắp camera giám sát trước ngày 25/12]

Nhấn mạnh Thông tư 38 là “tấm khiên” chống gian lận khi học viên học bằng lái xe sẽ có tài khoản và bị giám sát trực tuyến cả về việc học lẫn thi nhằm đảo bảo đầu ra, lãnh đạo các Trung tâm sát hạch trên thừa nhận vẫn còn nhiều bất cập về thời gian học và việc đầu tư cabin điện tử mô phỏng xử lý các tình huống giao thông được thực hiện từ 1/1/2021 và sát hạch từ 1/5/2021 sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp khi chi phí thiết bị này có thể lên tới hàng chục tỷ đồng.

Theo ông Đại, mô hình cabin điện tử hiện nay có tới hơn 10 đơn vị trong và ngoài nước cung cấp thiết bị với giá dao động từ 100-500 triệu/thiết bị, vì thế phía Bộ Giao thông Vận tải phải sớm ban hành thiết bị đảm bảo quy chuẩn để các nhà cung cấp chào giá cạnh tranh.

Ông cũng thừa nhận điều này sẽ tạo ra khó khăn cho cơ sở đào tạo đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất thực hiện theo Thông tư 38 sẽ phải đầu tư 200 bộ thiết bị camera giám sát và tài khoản duy trì (hệ thống máy chủ để quản lý và truyền dữ liệu); cabin điện tử mức đầu tư tương đối lớn, thêm phòng học về thiết bị mô phỏng máy phải có cấu hình cao (giá khoảng 30 triệu/máy).

“Học viên phải đóng thêm tiền học do bổ sung một phần thi xử lý tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng và lái xe trên cabin tập lái. Người học phải gánh học phí đào tạo lái xe và dự báo mức phí có thể sẽ tăng,” ông Đại đánh giá.

Tuy nhiên, ông Đại cũng cho rằng mức gia tăng bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào mức độ đầu tư của từng Trung tâm nhưng chắc chắn sẽ “nhìn nhau” bởi có sự cạnh tranh về giá giữa các cơ sở đào tạo lái xe.

Tiết lộ mô hình cabin tập lái đã đưa vào áp dụng thực hiện từ năm 1995 nhưng thời gian sau đó lại bỏ, ông Nguyễn Thành Huân, Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô cho hay việc ngồi học trên cabin tập lái không khác gì ngồi trên mô hình một số trò chơi điện tử.

“Thay vì học trên đó tại sao không cho học trên thực tế sân sa hình nhiều hơn. Trong khi đầu tư cabin tập ‘ngốn’ khoảng chục tỷ đồng, chưa kể còn liên quan tới người quản lý, phòng đặt cabin gây bất cập cho các cơ sở đào tạo,” ông Huân than thở.

Từ đó, lãnh đạo các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe kiến nghị Tổng cục Đường bộ nên thử nghiệm tại Trung tâm đào tạo lái xe công lập Nhà nước để đánh giá hiệu quả, sau đó mới nhân rộng xã hội hóa ra các cơ sở đào tạo khác.

Sẽ cấp bằng sau 2 giờ thi

Theo quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, học viên muốn có bằng ôtô hạng B2 phải trải qua thời gian học lý thuyết là 168 giờ và thời gian đào tạo thực hành là 84 giờ hay 1.000km. Tuy nhiên, lãnh đạo các cơ sở đào tạo sát hạch lái xe thừa nhận Việt Nam là một trong những nước có số giờ đào tạo cao trên thế giới.

“Ở Đức giờ đào tạo thực hành chỉ 34 giờ, Trung quốc là 60 giờ. Đa số các nước, phần đào tạo ‘thả nổi’ tự do nhưng họ làm rất chặt chẽ công tác sát hạch. Học viên không học nghiêm túc sẽ khó có thể cầm bằng lái,” ông Đại cho hay.

Ông cho rằng, với tổng thời gian lý thuyết và thực hành quá dài sẽ dẫn tới một số lượng không nhỏ nếu không có điều kiện sẽ khó học lái xe bởi đa số học viên đều tranh thủ học ngoài giờ hành chính (thứ Bảy, Chủ nhật hoặc là chiều tối tan giờ làm).

“Lớp học lý thuyết dạy tập trung phải đủ người mới mở lớp (bình quân 60 hoặc 100 học viên chứ 5-7 người không thể ‘nuôi’ được chi phí cho thầy giáo dạy. Hơn nữa, để học đủ số ki-lô-mét và số giờ thì cũng rất mất thời gian, vậy có khống chế thời gian bao lâu học xong? trên máy liệu lưu trữ được thời gian không?,” ông Đại đưa ra thắc mắc.

[Siết chặt đào tạo và sát hạch bằng lái xe: 'Tấm khiên' chống gian lận?]

Phản bác thời gian qua các vụ tai nạn giao thông thường đổ lỗi công tác đào tạo lái xe, đại diện các cơ sở đào tạo lái xe trên cho rằng việc kiểm soát đầu ra như thi lý thuyết, sát hạch sa hình, đường trường đều có giám sát kỹ càng, trong khi đó tỷ lệ người mới ra trường rất ít gây tai nạn mà chủ yếu rơi vào tài xế lâu năm.

“Vấn đề hạ tầng giao thông kém, ý thức người tham gia giao thông chưa tốt là nguyên nhân chính chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho đào tạo lái xe,” lãnh đạo các trung tâm đào tạo sát hạch lái xe đánh giá.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện Tổng cục đang triển khai với các sở Giao thông và các trung tâm đào tạo việc cấp bằng sau 2 giờ thi, mặt khác sẽ tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân đỡ phải đi lại nhiều lần, không mất thêm thời gian và tiền bạc…

Cho rằng ở một số trên thế giới đã triển khai việc này, theo ông Huyện, điểm vướng mắc chủ yếu là về thủ tục hành chính khi cấp giấy phép lái xe phải do lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải ký quyết định mới được cấp bằng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục