Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế: Đổi mới giáo dục phổ thông

Công tác giáo dục đào tạo từ bậc phổ thông đến đại học đổi mới theo định hướng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế được Thành phố Hồ Chí Minh xác định là nhiệm vụ trọng tâm.
Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế: Đổi mới giáo dục phổ thông ảnh 1Hướng dẫn học sinh ôn thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung rất nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề, cùng hệ thống hơn 1.000 trường phổ thông với đội ngũ giảng viên, giáo viên, chuyên gia, sinh viên đông đảo.

Việc phát huy nguồn lực này đang được thành phố tập trung với nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, công tác giáo dục đào tạo từ bậc phổ thông đến đại học đổi mới theo định hướng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế được Thành phố xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

TTXVN giới thiệu chùm 3 bài viết về định hướng đào tạo nhân lực trình độ quốc tế của Thành phố để làm rõ hơn việc triển khai nhiệm vụ trọng tâm này.

Bài 1: Đổi mới giáo dục phổ thông

Giáo dục phổ thông là nơi cung cấp người học và tác động trực tiếp đến giáo dục của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học - nơi đào tạo nhân lực chất lượng cho đất nước. Vì thế, việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phải được chú trọng từ việc dạy và học tại các trường phổ thông.

Với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thời gian qua ngành giáo dục và đào tạo Thành phố đã nỗ lực trong việc đảm bảo chỗ học cũng như tích cực triển khai nhiều mô hình, mang lại hiệu quả cao trong công tác dạy và học.

Nỗ lực đảm bảo chỗ học

Công tác giáo dục và đào tạo của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, nâng cao dân trí, góp phần vào những thành tựu phát triển chung của Thành phố.

Mạng lưới trường lớp ở các ngành học, bậc học đã phủ khắp 100% xã, phường, thị trấn của 24 quận, huyện, với quy mô ngày càng tăng; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học được đầu tư đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Tuy nhiên, trong điều kiện dân số cơ học tăng cao, việc đáp ứng chỗ học cho học sinh là một bài toán không dễ giải quyết. Thực tế, mỗi năm thành phố đều đưa vào sử dụng hơn 1.000 phòng học mới nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu, nhất là quận, huyện có dân nhập cư đông như Quận 12, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Bình Chánh.

[Năm học 2019-2020: Thời điểm bản lề đổi mới giáo dục phổ thông]

Để giải quyết chỗ học cho học sinh, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố phải gia tăng sĩ số lớp học, vượt cao so với chuẩn, có nơi lên đến 50 học sinh/lớp (bậc tiểu học), số học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm. Sân chơi, bãi tập dành cho học sinh cũng thiếu. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục của Thành phố, đặc biệt là bậc tiểu học khi bắt đầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cụ thể, toàn Thành phố hiện có 70% học sinh học tiểu học được học 2 buổi/ngày, nhưng một số quận, huyện, con số này chỉ đạt 20%. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.

Trước đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đặt chỉ tiêu đến năm 2020, Thành phố có 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.

Theo đó, ngành giáo dục và đào tạo thành phố đã rà soát 24 quận, huyện về kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 để thực hiện 832 dự án, quy mô 15.940 phòng học. Tuy nhiên, do vướng trong công tác giải phóng mặt bằng, quỹ đất dành cho xây dựng trường, lớp chưa đáp ứng… nên chỉ tiêu này đến nay chưa đạt, hiện chỉ mới đạt 288 phòng học/10.000 dân.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cho biết, khắc phục những khó khăn, vướng mắc từ thực tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Sở nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục đặt mục tiêu đến 2025 thực hiện đạt 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học.

Từ đó, mỗi quận, huyện sẽ có 80% trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; 60% trường trung học cơ sở và 80% trường trung học phổ thông dạy học 2 buổi/ngày.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, rà soát, điều chỉnh và có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp.

Cùng với tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách, thành phố tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố sẽ tham mưu sửa đổi, bổ sung cơ chế đầu tư, ưu đãi về đất đai, vốn hỗ trợ các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập; cơ chế cho thuê cơ sở vật chất để phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ngoài công lập.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức khẳng định, dù còn khó khăn về điều kiện trường lớp, nhưng quan điểm của Thành phố là đảm bảo tất cả các em đến tuổi đi học phải được đến trường.

Khi thực hiện cuốn chiếu chương trình giáo dục phổ thông mới, dự báo tình hình cho thấy áp lực về trường lớp sẽ tiếp tục tăng cao, vì thế các quận, huyện cần rà soát lại các dự án đầu tư công xây dựng trường học để đảm bảo tiến độ.

Luật Giáo dục yêu cầu phải tạo điều kiện ngày càng tốt hơn cho các em học sinh, do đó với tình hình gia tăng dân số cơ học nhanh, tốc độ phát triển trường lớp, cơ sở vật chất của Thành phố phải nhanh hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Theo quy hoạch hiện nay, tỷ lệ đất dành cho giáo dục chưa đủ theo quy định, Sở Quy hoạch-Kiến trúc thành phố cần rà soát lại, cân nhắc xem xét điều chỉnh, tham mưu Ủy ban Nhân dân quy hoạch đất cho giáo dục; cùng với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố nghiên cứu, có dự báo đầy đủ tình hình mới để có kế hoạch.

Đổi mới phương pháp dạy và học

Cùng với chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, nhiều năm qua các trường phổ thông thành phố luôn chủ động trong đổi mới phương pháp dạy học cũng như kiểm tra đánh giá, phát huy năng lực người học, thay vì chủ yếu trang bị kiến thức như trước đây.

Mới đây, học sinh Trường Trung học cơ sở Nguyễn Chí Thanh (Quận 12) đã cùng tham gia buổi học trải nghiệm tại khu STEAMZONE, Công viên phần mềm Quang Trung với nhiều hoạt động như tìm hiểu quy trình trồng rau thủy canh, sản xuất điện năng lượng mặt trời, lập trình.

Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế: Đổi mới giáo dục phổ thông ảnh 2Thí sinh hoàn thành thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Sau khi tham quan, trải nghiệm hệ thống trồng rau thủy canh, em Phương Giao chia sẻ, đây là một trong nhiều tiết học nhà trường thực hiện thời gian qua. Hoạt động trải nghiệm giúp em hiểu rõ hơn về quy trình trồng rau thủy canh, từ ứng dụng khoa học công nghệ trong chăm sóc, thu hoạch, bảo quản…

Bài học với em trở nên nhẹ nhàng, dễ hiểu hơn. Đây là hoạt động nằm trong định hướng giáo dục STEM - chương trình giảng dạy theo hướng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng về các lĩnh vực như Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học theo cách tiếp cận liên môn, mà trường Trung học cơ Nguyễn Chí Thanh thực hiện trong nhiều năm qua.

Cô Lại Thị Bạch Hường, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, để thực hiện mô hình này, nhà trường lập một nhóm giáo viên dạy STEM và tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp dạy học mới.

Các chủ đề dạy học STEM được giáo viên thiết kế bám sát chương trình môn học. Việc dạy học có thể thực hiện thông qua hoạt động của câu lạc bộ, tích hợp liên môn, trong nhà trường hoặc tại các địa điểm ngoài nhà trường.

Các hoạt động dạy học theo STEM giúp học sinh hứng thú hơn trong việc học, qua hoạt động trải nghiệm học sinh khám phá để ứng dụng khoa học công nghệ kỹ thuật vào thực tiễn đời sống. Mặt khác, học sinh cũng được rèn luyện các kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.

Tại Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn (Quận 3), hoạt động giáo dục STEM được triển khai từ năm học 2017-2018 và ngày càng được đẩy mạnh hơn qua các năm học. Cùng với đầu tư trang thiết bị, xây dựng phòng thực hành STEM, nhà trường xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố nòng cốt để thực hiện hiệu quả mô hình này.

Do vậy, trường thành lập Tiểu ban giáo dục STEM gồm có Tổ trưởng tổ Khoa học công nghệ, Tổ Toán-Tin, Nhóm Lý, Hóa. Tiểu ban này sẽ cùng lãnh đạo nhà trường xây dựng định hướng, kế hoạch, chủ đề dạy học STEM trong mỗi năm học và tập huấn cho đội ngũ giáo viên để thực hiện giáo dục STEM hiệu quả.

Ngoài bám sát với chương trình môn học, nội dung chủ đề dạy học STEM được nhà trường xây dựng gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội, khoa học, công nghệ; có thể tích hợp nội môn hay tích hợp liên môn.

Tiêu chí đặt ra của mỗi buổi học là học sinh tạo được 1 sản phẩm và hiểu nguyên lý làm việc. Hiện trường đã xây dựng được 14 nhóm thực hành với đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị để học sinh thực hành trong các tiết học STEM.

Theo cô Cao Phan Hà Vy, giáo viên Trường Trung học cơ sở Lê Quý Đôn, giáo dục STEM không chỉ giúp học sinh hứng thú hơn với việc học các môn khoa học, mà còn tạo động lực để đội ngũ giáo viên cũng hào hứng và chủ động hơn trong việc đổi mới phương pháp dạy học.

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở việc đổi mới phương pháp dạy và học, phương thức kiểm tra đánh giá cũng cần được đổi mới cho phù hợp với giáo dục STEM. Nhiều năm qua, trường đã xây dựng và thực hiện theo khung chấm điểm cho sản phẩm STEM của học sinh một cách rõ ràng theo chuẩn kiến thức, thái độ, kỹ năng.

Trong đó, cho điểm hệ số 1 hoặc hệ số 2 tùy vào độ khó và công sức, thời gian thực hiện của học sinh của một trong các bộ môn khoa học tự nhiên trong học kỳ.

Cùng với giáo dục STEM, nhiều mô hình dạy học tích cực đang được các trường chủ động thực hiện, mang lại hiệu quả trong dạy và học. Luôn nỗ lực thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, ngành Giáo dục-Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh đổi mới phương dạy và học, gắn giáo dục trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống, lồng ghép giáo dục kiến thức với giáo dục nhân cách, kỹ năng cho học sinh, chuyển từ trang bị kiến thức sang rèn luyện phát triển tư duy./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục