Tốc độ già hóa dân số nhanh khiến lực lượng lao động ngày càng thu hẹp. Nguy cơ thiếu hụt lao động trong tương laiđang đòi hỏi cần phải tính đến xây dựng chính sách nâng cao tay nghề, năng suất và điều kiện cho người lao động để từ đó chuẩn bị tốt nguồn lực kinh tế, có tích lũy về già.
Chưa giàu đã già
Tổng Cục Thống kê dự báo tốc độ tăng dân số trong vòng 10 năm tới sẽ thấp hơn 1%/năm. Với thực trạng về mức sinh hiện nay, cơ cấu dân số trong lai sẽ có sự thay đổi theo hướng dân số già và thiếu hụt nam giới ở một số nhóm tuổi. Điều này sẽ tác động lớn đến nguồn lực lao động cũng như các vấn đề xã hội mới nảy sinh.
Theo Tổng Cục Thống kê, dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039. Dự báo đây là thời điểm chấm dứt thời kỳ cơ cấu dân số vàng đã xuất hiện và tồn tại ở Việt Nam từ năm 2007. Năm 2026, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già. Dự báo, thời kỳ dân số già sẽ kéo dài trong 28 năm (giai đoạn 2026-2054), tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 10,2%-19,9%. Sau đó là thời kỳ cơ cấu dân số rất già (giai đoạn 2055-2069) tương ứng với tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 20% đến dưới 29,9%.
Việt Nam được xem là quốc gia có thời gian chuyển từ già hóa dân số sang dân số già vào nhóm nhanh trên thế giới. Việt Nam chỉ mất khoảng gần 20 năm chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, trong khi các nước có nền kinh tế phát triển mất nhiều thập kỷ, thậm chí hơn một thế kỷ. Ví dụ, Nhật Bản và Trung Quốc là 26 năm, Anh và Tây Ban Nha 45 năm, Pháp mất 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Mỹ 69 năm, để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, đối với một số nước kinh tế phát triển thì có xu hương "giàu rồi mới già hóa" nhưng ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn "chưa giàu đã già”. Điều này đặt ra thách thức rất lớn với Việt Nam về tạo việc làm, an sinh xã hội, dịch vụ y tế… trong thời kỳ tốc độ già hóa dân số rất nhanh.
[Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh nhất thế giới]
Tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết cách đây 5 năm, mỗi năm thị trường lao động Việt Nam được bổ sung một triệu lao động, đến nay chỉ còn khoảng 400.000 lao động. Nên là mục tiêu lớn không còn là để giải quyết chỉ tiêu việc làm mà quan trọng là chất lượng nguồn nhân lực phải tăng lên.
“Trước đây có những lúc chúng ta đã phải kêu gọi đầu tư nước ngoài để tạo việc làm, những cũng việc này sử dụng nhiều lao động chưa qua đào tạo nghề. Đến giai đoạn này, Việt Nam không kêu gọi đầu tư bằng mọi giá mà phải lựa chọn các ngành nghề đòi hỏi lao động chất lượng cao vì Việt Nam bắt đầu bước vào quá trình giảm dần thời kỳ ‘dân số vàng’, chuyển sang già hóa dân số, dẫn tới có thể làm thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao,” tiến sỹ Bùi Sỹ Lợi nói.
Nâng cao kỹ năng lao động
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, lợi thế dân số vàng chưa được khai thác và phát huy hiệu quả. Lực lượng lao động g giảm dần tạo áp lực lớn, đòi hỏi vừa phải tạo ra nhiều việc làm tốt hơn, vừa phải nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động để tận dụng giai đoạn dân số vàng.
Theo báo cáo “Việc làm thỏa đáng và các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam” của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam đang sở hữu dân số đặc biệt năng động, với tỷ lệ tham gia thị trường lao động ở mức hơn 70% đối với phụ nữ (so với mức trung bình 48% trên thế giới), và 81% với nam giới. Việc làm trong ngành sản xuất đã và đang tăng với tốc độ rất cao tại Việt Nam, kể từ năm 2014 luôn ở mức cao hơn mức chung của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Việc làm dễ bị tổn thương đang trên đà giảm dần nhờ vào xu hướng công nghiệp hóa và tăng số lượng việc làm trong ngành sản xuất. Nhưng vào năm 2018, vẫn có tới 54% người lao động đang làm những công việc dễ bị tổn thương.
Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của ILO Việt Nam cho rằng nhóm việc làm dễ bị tổn thương đặc thù là thường không có sự bảo vệ và thu nhập thường rất thấp. Cải thiện chất lượng việc làm trong nhóm việc làm này của thị trường lao động cần phải trở thành một ưu tiên của Chính phủ Việt Nam, nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu hiện đại hóa kinh tế xã hội.
“Việt Nam không cần thêm nhiều việc làm, nhưng cần thêm việc làm tốt hơn. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức rất thấp. Tuy nhiên, chất lượng việc làm lại đang là một thách thức,” Valentina Barcucci nhận định
Thống kê phân bổ việc làm theo mức kỹ năng của Việt Nam cho thấy hơn một nửa (53%) số việc làm trên cả nước là việc làm cần kỹ năng trung bình, và 12% đòi hỏi kỹ năng cao. Số còn lại (36%) là việc làm kỹ năng thấp.
So sánh cơ cấu này với các quốc gia có thu nhập trung bình cao, nhóm Việt Nam mong muốn được gia nhập vào năm 2030 cho thấy những điểm khá thú vị. Tính trung bình, các nước thu nhập trung bình cao có tỷ trọng việc làm kỹ năng thấp tương đồng với Việt Nam (32%), tỷ trọng việc làm kỹ năng trung bình lớn hơn (48%), và tỷ trọng việc làm kỹ năng cao lớn hơn rất nhiều (ở mức 20%, cao gần gấp đôi Việt Nam).
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình cho biết cơ cấu "dân số vàng" với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm tỷ trọng cao dự báo sẽ kết thúc sau gần ba thập niên tới. Muốn tận dụng cơ hội của giai đoạn "dân số vàng" cần trang bị cho người lao động trẻ thêm kỹ năng nghề nghiệp và kinh nghiệm làm việc, cải thiện năng suất lao động.
"Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đã cao hơn so với giai đoạn trước. So với giai đoạn trước, người lao động đã được trang bị thêm kỹ năng nhưng năng suất lao động của chúng ta đang thấp hơn nhiều so với Singapore, Thái Lan...", ông Tú nói./.