Đào tạo lao động chất lượng cao ở 'thủ phủ' công nghiệp Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai xác định các ngành nghề ưu tiên đào tạo phù hợp với định hướng phát triển tại địa phương, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo.
Đường vào Khu công nghiệp Biên Hòa 2. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đạt chất lượng cao thể hiện qua trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng là một trong những “bí quyết” để trong những năm gần đây tỉnh Đồng Nai luôn nằm trong nhóm các địa phương đứng đầu về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp trong cả nước.

Tỉnh xác định các ngành nghề ưu tiên đào tạo phù hợp với định hướng phát triển tại địa phương, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục, gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo cả ở hệ đại học cũng như cao đẳng, trung cấp nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong phát triển nguồn nhân lực.

Phát huy thế mạnh nguồn lao động

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai có ngành công nghiệp phát triển mạnh với 32 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với trên 1.500 dự án do hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư. Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn là rất lớn.

Thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm việc nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thị trường lao động ngay tại địa phương và từng bước vươn tới thị trường lao động quốc tế.

[Người dân địa phương học nghề nhằm 'đón đầu' Dự án sân bay Long Thành]

Ông Phạm Văn Cộng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, cho biết Đồng Nai có lợi thế lớn về lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Số người trong độ tuổi lao động là trên 1,9 triệu người, chiếm trên 65% tổng dân số của tỉnh.

Để công tác đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn đạt hiệu quả cao, Đồng Nai đã kiên trì thực hiện nhiều giải pháp phù hợp.

Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn theo hướng hoàn thiện, hoạt động có chất lượng, gắn với nhu cầu thực tế, đảm bảo xu thế hội nhập quốc tế.

Sinh viên Trường Đại học Lạc Hồng thực hành tại Phòng thí nghiệm (PLC Lab). (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có trên 60 trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và một số cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với quy mô tuyển sinh, đào tạo nghề trên 75.000 người/năm.

Hai trường cao đẳng đóng tại Đồng Nai là Trường Cao đẳng quốc tế Lilama 2 và Trường Cao đẳng Cơ giới và Thủy lợi đã được Chính phủ Đức chọn đầu tư thành trung tâm đào tạo chất lượng cao chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, tại Đồng Nai còn có 6 trường đại học với quy mô tuyển sinh khoảng 69.500 người/năm.

Theo lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và xã hội tỉnh Đồng Nai, trong công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, xuất phát từ định hướng Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, các cơ sở giáo dục ưu tiên tuyển sinh và đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật như cơ khí, điện-điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ hàng không...

Trên cơ sở xác định lĩnh vực nghề trọng điểm, thế mạnh, Đồng Nai quan tâm bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng thực hành nghề, khả năng sử dụng ngoại ngữ trước hết cho chính đội ngũ giáo viên để có thể tiếp cận nhanh nhất với các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Trong 5 năm gần đây, tỉnh đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho các giáo viên dạy nghề điện công nghiệp và cắt gọt kim loại đạt cấp độ quốc tế, trong đó có thời gian được đi cử đi học tại Đức; tiếp tục tổ chức đánh giá kỹ năng thực hành nghề cho giáo viên theo quy định của Thông tư 08/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quy định chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho một số giáo viên về phương pháp Sư phạm quốc tế tại Học viện Chisholm-Australia...

Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn ban hành nhiều chính sách khuyến khích việc học nghề để đáp ứng yêu cầu tuyển dụng nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp và phát huy cao nhất lợi thế nguồn lao động dồi dào của tỉnh.

Đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng

Với nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, kỹ năng thực hành nghề nghiệp của học sinh, sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày càng được nâng lên.

Lao động qua đào tạo nghề đã tham gia hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và đã đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây còn do chuyên gia nước ngoài thực hiện.

Sinh viên Khoa cơ, điện, điện tử nghiên cứu mô hình động cơ xe ôtô hiện đại. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, Phạm Văn Cộng cho biết hiện nay, ở Đồng Nai sau đào tạo, có khoảng 85% số lao động có việc làm với thu nhập ổn định.

Đặc biệt, với nguồn nhân lực ở một số nghề như cơ khí, sửa chữa, điện, điện công nghiệp hoặc nghề hàn có tới 95-100% lao động sau khi được đào tạo đều có việc làm.

Tỉnh Đồng Nai xác định từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh cơ bản sẽ là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được mục tiêu này, lực lượng công nhân lành nghề, được đào tạo có chất lượng cao sẽ đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng, góp phần cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực với các địa phương khác trong cả nước cũng như trên thị trường lao động quốc tế.

Ông Phạm Văn Cộng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, khẳng định hiện nay, thị trường lao động rất quan tâm, chú trọng đến lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật, nhất là lao động có tay nghề cao. Tại 32 khu công nghiệp của Đồng Nai, các doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp.

Từ góc độ của người sử dụng lao động, ông Phạm Nhật Duy - Giám đốc nhà máy của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại dịch vụ Huỳnh Đức tại Biên Hòa - một doanh nghiệp chuyên sản xuất, gia công các thiết bị hỗ trợ sản xuất, cơ khí chính xác, lắp ráp thiết bị tự động hóa, thiết kế, gia công chế tạo máy và khuôn mẫu, cho biết mỗi năm, nhà máy đều tiếp nhận các lao động là học sinh, sinh viên tốt nghiệp từ các trường như Cao đẳng Công nghệ Lilama 2, Cao đẳng kỹ thuật Đồng Nai, Đại học Lạc Hồng...

Hầu hết lao động được tuyển dụng đã bắt nhịp nhanh với quy trình sản xuất, vận hành các loại móc hiện đại được tự động hóa cao như máy cắt laser, máy tiện, máy phay CNC, máy mài, máy bắn điện, máy cắt dây.

Chú trọng kỹ năng thực hành, sáng tạo

Trường Đại học Lạc Hồng đóng trên địa bàn thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) là một trong những cơ sở giáo dục nhiều năm qua đã đặc biệt chú trọng giảng dạy, cập nhật cho sinh viên những kỹ năng mang tính thực hành, ứng dụng, sáng tạo, cung ứng nhân lực chất lượng cao cho nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Nam cũng như ngay tại tỉnh công nghiệp Đồng Nai.

Tiến sỹ Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng, cho biết đến nay, trường đã có khoảng 40.000 sinh viên tốt nghiệp, đang làm việc trong các khu công nghiệp của Đồng Nai cũng như các tỉnh thành lân cận và trong cả nước.

Đứng chân ở địa phương có hoạt động sản xuất công nghiệp rất sôi động, nhà trường xác định thế mạnh là đào tạo các nhóm ngành thuộc khối kỹ thuật. Vì vậy, trường coi trọng việc trang bị cho sinh viên kỹ năng thực hành bên cạnh nền tảng lý thuyết vững với phương châm không để nhà tuyển dụng “chê” là thiếu kỹ năng thực hành.

Hàng năm nhà trường đều tổ chức các cuộc họp với cựu sinh viên và đại diện các doanh nghiệp để đóng góp ý kiến về chương trình đào tạo, về các quy định chuẩn “đầu ra” và các kỹ năng mà các bạn sinh viên cần phải có trong thời gian đi thực tập.

Các ý kiến đóng góp đều được hội đồng khoa học của từng khoa phân tích và sắp xếp đưa vào cập nhật trong chương trình đào tạo.

Trường cũng thường xuyên gửi sinh viên vào các doanh nghiệp để thực tập, trong đó riêng các sinh viên năm cuối sẽ vào các nhà máy, công ty để thực tập trong khoảng nửa năm, làm việc như một lao động thực thụ trong doanh nghiệp.

Công nhân hoàn thiện linh kiện giảm chấn băng cao su kỹ thuật cao tại nhà máy của Công ty TNHH Tương Lai. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Thống kê của nhà trường cho thấy có nhiều ngành do trường đào tạo tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt tỷ lệ lên đến 100%.

Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Vũ Quỳnh, tất cả các ngành đào tạo của nhà trường đều có sân chơi khoa học, tạo thuận lợi cho sinh viên phát huy các kỹ năng mang tính ứng dụng, sáng tạo liên quan đến ngành nghề được đào tạo.

Đào tạo nghề trọng điểm theo chuẩn quốc tế

Cũng là một trường đóng tại Đồng Nai, trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama 2 đóng tại huyện Long Thành là một trong những trường nghề được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) chọn tham gia thực hiện Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tiếp cận với chuẩn chất lượng của khu vực ASEAN và thế giới.

Đến thời điểm này, trường đã có đủ khả năng đào tạo 9 ngành nghề đào tạo đạt chuẩn trình độ theo tiêu chuẩn của các nước như Đức, Pháp, ở các nghề như: Điện tử công nghiệp, cơ điện tử, chế tạo thiết bị cơ khí, cơ khí xây dựng, lắp đặt thiết bị cơ khí, cắt gọt kim loại, công nghệ hàn...

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, Thạc sỹ Nguyễn Khánh Cường, cho biết Đồng Nai có nhu cầu tuyển dụng các lao động, nhất là lao động lành nghề trong các ngành kỹ thuật của doanh nghiệp rất lớn, nhất là trong bối cảnh kinh tế ngày càng hội nhập, nhiều dự án lớn sẽ được triển khai trên địa bàn.

Điều này vừa là thuận lợi đáng kể song cũng là yêu cầu đặt ra để trường phải liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo.

Tại Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2, doanh nghiệp tham gia vào Ban tư vấn nghề nghiệp, xây dựng điều chỉnh các chương trình để phù hợp hơn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Sinh viên được học trên các thiết bị thực hành của trường và trên các thiết bị trong các nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp. Hiện nay, Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đã được trao chứng nhận Tổ chức thực hiện kỳ thi tốt nghiệp tương đương tiêu chuẩn Đức, có đủ điều kiện tự tổ chức kỳ thi và cấp bằng nghề theo tiêu chuẩn Đức.

Mỗi năm, trường có khoảng 900 sinh viên tốt nghiệp, bước vào thị trường lao động. Tỷ lệ sinh viên có việc làm gần như đạt 100%, nhất là đối với các sinh viên học các nghề theo tiêu chuẩn quốc tế.

Còn điểm nghẽn

Bên cạnh nhiều kết quả ấn tượng đã đạt được, tỉnh Đồng Nai còn gặp một số khó khăn, đòi hỏi địa phương có giải pháp quyết liệt, căn cơ hơn để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng  yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư ở tỉnh Đông Nam Bộ này.

Theo ông Phạm Văn Cộng, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, một trong những khó khăn trong công tác dạy nghề, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao hiện nay ở tỉnh Đồng Nai cũng như nhiều địa phương khác chính là trong quan niệm, nhận thức của nhiều người dân về việc học nghề có lúc, có nơi vẫn tồn tại tình trạng cho rằng học nghề, học cao đẳng, trung cấp là kém cỏi.

Sản xuất linh kiện và các chi tiết bằng nhựa và cao su kỹ thuật cao của Công ty TNHH Tương Lai. (Ảnh: Minh Hưng/TTXVN)

Bên cạnh đó, đối với học sinh tham gia các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn của nước ngoài cũng đòi hỏi học sinh phải nỗ lực hơn rất nhiều trong suốt quá trình học để lĩnh hội kiến thức nền tảng, các kỹ năng thực hành, tác phong công nghiệp và nhất phải đạt được trình độ ngoại ngữ theo quy định của đào tạo chất lượng cao.

Đề cập về trang thiết bị các cơ sở đào tạo, ông Phạm Văn Cộng cho rằng việc đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc tỉnh trong thời gian qua được Nhà nước quan tâm đầu tư, có rất nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, ở một số cơ sở đào tạo, các trang thiết bị vẫn chưa theo kịp tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp, trong đó các trang thiết bị đào tạo một số nghề kỹ thuật, nhất là các nghề chất lượng cao theo chuẩn của nước ngoài đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để đầu tư, do đó sau khi tốt nghiệp nhiều trường hợp người lao động chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động có tay nghề cao của doanh nghiệp.

Ngoài ra, hiện nay, trong công tác đào tạo lao động, mối quan hệ giữa một số cơ sở đào tạo và doanh nghiệp chưa thực sự chặt chẽ, hoạt động liên kết đào tạo chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia khiến cho sự phối hợp xây dựng chương trình đào tạo chưa sát với vị trí việc làm mà doanh nghiệp cần tuyển dụng lao động.

Một số doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích từ các hoạt động liên kết đào tạo với các trường đào tạo nghề, do đó còn “dè dặt” đối với vấn đề liên kết đào tạo. Họ cho rằng việc đầu tư cho liên kết đào tạo rất tốn kém, lợi ích mà doanh nghiệp thu được lại không nhiều, trong khi doanh nghiệp lại có thể tự đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp của mình.

Đại diện một số doanh nghiệp ở tỉnh Đồng  Nai cũng bày tỏ băn khoăn: Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã và đang tham gia vào các khâu như tư vấn hoàn chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo cho sát với thực tế sản xuất của doanh nghiệp, thậm chí tham gia hội đồng trường, tạo môi trường cho học sinh, sinh viên đến thực tập...

Song có tình trạng sau khi được thực tập, thậm chí được nhận vào làm việc một thời gian ở doanh nghiệp,  nếu có lời mời hấp dẫn hơn, lao động chất lượng cao sẵn sàng rời bỏ doanh nghiệp mà mình đã được tạo điều kiện thực tập khi còn là sinh viên, do đó nhiều doanh nghiệp thực sự chưa” mặn mà” tham gia công tác đào tạo cùng với nhà trường.

Tháo gỡ bằng các giải pháp căn cơ

Để tháo gỡ khó khăn, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, ông Phạm Văn Cộng  cho biết thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc học nghề, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác dạy nghề gắn với tuyển dụng.

Đồng Nai cũng chú trọng xây dựng mối quan hệ gắn kết chặt chẽ hơn giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, đặc biệt là đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết với các nước đã thành công trong phát triển dạy nghề trên thế giới để đào tạo đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

Tỉnh Đồng Nai ưu tiên tập trung đào tạo lao động kỹ thuật cao phục vụ các lĩnh vực ứng dụng công nghệ nguồn (ứng dụng công nghệ 4.0) tại các dự án lớn trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới như Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh như Khu công nghiệp Long Đức và Khu Công nghiệp Amata tại huyện Long Thành...

Liên quan đến công tác phân luồng, hướng nghiệp để tạo nguồn tuyển chất lượng hơn cho các cơ sở đào tạo nghề, theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Nai, bà Trương Thị Kim Huệ, thời gian tới ngành giáo dục và đào tạo tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, thông tin về chủ trương giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học nghề phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của địa phương cũng như cả nước.

Ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Nai cũng phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để nâng cao chất lượng học văn hóa cho những học sinh sau trung học cơ sở vào học hệ giáo dục thường xuyên trên địa bàn, các trường trung cấp, cao đẳng nghề có liên kết dạy hệ giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phương án thành lập 2 trường trung học phổ thông cho đối tượng là học sinh sau trung học cơ sở vừa học văn hóa vừa học nghề trong các trường như Trường Cao đẳng cơ giới và Thủy lợi và Trường Đại học Lâm nghiệp phân hiệu Đồng Nai; đồng thời khuyến khích các trường trung học cơ sở áp dụng phương thức hướng nghiệp có sự tham gia của các cơ sở giáo dục dạy nghề và các doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục