Đào tạo chứng chỉ sư phạm chính thức trở lại sau 7 năm tạm dừng

Bắt đầu từ 22/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cho phép các cơ sở được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lại sau 7 năm tạm dừng hoạt động này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép đào tạo bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. (Ảnh minh họa: PV)

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố Thông tư Ban hành chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Theo đó, bắt đầu từ 22/5, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cho phép các cơ sở được đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lại sau 7 năm tạm dừng hoạt động này.

Chương trình sẽ là căn cứ để các để các cơ sở giáo dục tổ chức bồi dưỡng, cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho người tốt nghiệp trình độ đại học ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên các cấp học.

Cụ thể, việc đào tạo chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên tiểu học sẽ chỉ áp dụng với những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với các môn học âm nhạc, mỹ thuật, tin học, công nghệ, giáo dục thể chất, ngoại ngữ. Đây cũng là những môn học đang thiếu giáo viên ở bậc tiểu học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Chương trình gồm 35 tín chỉ, trong đó có 31 tín chỉ bắt buộc và 4 tín chỉ tự chọn.

Việc đào tạo chứng chỉ cho người có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông là những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp với một trong số các môn của cấp học của cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Chương trình đào tạo có thời lượng 34 tín chỉ, gồm 17 tín chỉ học phần chung và 17 tín chỉ cho mỗi nhánh trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông.

Mục tiêu đào tạo là sau khi hoàn thành chương trình, người học có phẩm chất và năng lực cần thiết, đáp ứng yêu cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông sẽ thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ dạy học, giáo dục ở các nhà trường.

Trước đó, năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra quyết định số 1090/QĐ-BGDĐT về việc tạm dừng cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm cho những người tốt nghiệp đại học muốn trở thành giáo dục trung học phổ thông.

Việc tiếp tục đào tạo bồi dưỡng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dựa trên đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục nhằm bổ sung đội ngũ giáo viên cho ngành.

Tỷ lệ thừa, thiếu giáo viên các cấp học năm 2020.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm 2020, cả nước còn thiếu gần 90.000 giáo viên ở tất cả các bậc học, từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

[Tiếp thu góp ý trước khi chính thức in sách giáo khoa lớp 2, lớp 6]

Trong số đó, bậc mầm non có số lượng giáo viên thiếu nhiều nhất với 45.718 người, chiếm hơn một nửa. Tiếp đến là bậc tiểu học thiếu trên 20.000 giáo viên, bậc trung học cơ sở thiếu gần 13.400 giáo viên, bậc trung học phổ thông thiếu trên 9.300 giáo viên.

Thiếu số lượng giáo viên lớn ở một số môn học nhưng ngành giáo dục cũng đang thừa trên 16.000 giáo viên; trong đó bậc trung học cơ sở là gần 8.500 giáo viên, tiểu học gần 6.800 giáo viên, trung học phổ thông trên 1.000 giáo viên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục