Những ngày gần đây, thế giới đang hướng về đảo Reunion ở phía Nam Ấn Độ Dương khi một vật thể dài 2m nghi là mảnh vỡ thuộc phần cánh chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines được phát hiện vào ngày 29/7 vừa qua.
16 tháng trôi qua kể từ ngày chiếc máy bay chở theo 293 hành khách và thành viên phi hành đoàn của hãng hàng không Malaysia mất tích và đây vẫn là một bí ẩn của ngành hàng không thế giới.
Người ta vẫn miệt mài tìm kiếm chiếc máy bay này với lời động viên: Không phải cái chết là vĩnh cửu mà hy vọng mới là vĩnh hằng.
Như một sự ngẫu nhiên, những từ khóa “chuyến bay,” “Reunion” còn gợi nhắc đến câu chuyện cha con hai vị vua Thành Thái và Duy Tân triều Nguyễn bị lưu đày nơi xứ người và cái chết của cựu hoàng Duy Tân với tinh thần “hy vọng mới là vĩnh hằng” để tiếp tục giải mã những câu hỏi của lịch sử. Đó đều là những chuyến bay… định mệnh.
Vua Thành Thái (14/3/1879-24/3/1954, tên húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân) là vị Hoàng đế thứ 10 của triều đại nhà Nguyễn. Ông cùng với con trai mình - vua Duy Tân (19/9/1900-26/12/1945, tên húy là Nguyễn Phúc Vĩnh San) bị lưu đày tại Reunion từ năm 1916 do có tinh thần chống lại chính quyền bảo hộ Pháp.
Vua Thành Thái lên ngôi khi mới 10 tuổi. Ông học cả chữ Nho và tiếng Pháp, quan tâm tìm hiểu các loại vũ khí hiện đại của phương Tây, được đánh giá là người cầu tiến, yêu nước và có tinh thần chống Pháp cao.
Để “che mắt” thực dân Pháp, vua Thành Thái giả hành động như một người mất trí. Khi các bản vẽ vũ khí bị phát hiện, ông đã giả điên và xé nát các bản vẽ. Lợi dụng cơ hội này, thực dân Pháp ép ông thoái vị, nhường ngôi cho con.
Thực dân Pháp muốn tìm một người kế vị còn nhỏ tuổi để dễ sai khiến. Ngày 5/9/1907, người con thứ tám của vua Thành Thái là Nguyễn Phúc Vĩnh San lên ngôi khi mới 7 tuổi, lấy niên hiệu là Duy Tân.
Thế nhưng, ngay sau khi lên ngôi, vị vua nhỏ tuổi này lại không hề tỏ ra nhút nhát, cúi mình trước chính quyền bảo hộ. Tinh thần chống Pháp của ông bộc lộ ngay từ khi còn nhỏ.
Năm 1916, kế hoạch khởi nghĩa cùng Việt Nam Quang Phục Hội (một tổ chức cách mạng do Phan Bội Châu thành lập năm 1912 với mục đích đánh đuổi thực dân Pháp khỏi Đông Dương) bị bại lộ và thất bại, vua Duy Tân bị đi đày tại Reunion cùng cha.
Đảo Reunion cách Madagascar 700km về phía Đông. Reunion có diện tích khoảng 2.517 km², thuộc quyền sở hữu của Pháp và là một vùng hải ngoại của Pháp.
Tại Reunion, gia đình vua Thành Thái sống trong một căn nhà thuê lại của một người dân ở thành phố Saint-Denis. Vốn là một người có hiểu biết khá toàn diện, hàng ngày, ngoài việc dạy tiếng Việt, ông còn dạy các con cách chơi các loại nhạc cụ dân tộc như đàn cò, sáo…
Trong thời gian này, Hoàng thân Vĩnh San học thêm ngoại ngữ, luật học. Nhiều bức thư gửi cho Chính phủ Pháp (trong khoảng thời gian từ 1936-1940) để xin gia nhập Quân đội Pháp đều bị bác bỏ. Trong bản lý lịch cá nhân của cựu hoàng Duy Tân, Bộ Thuộc địa Pháp nhận định về ông là người “có vẻ khó mua chuộc, rất độc lập, mưu đồ rời khỏi đảo Reunion để tái lập ngôi báu ở An Nam.”
Ngày 18/6/1940, Charles de Gaulle kêu gọi chống Đức quốc xã. Sự việc nước Pháp bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đầu hàng phát xít Đức và sau đó lực lượng kháng chiến Pháp ở hải ngoại do tướng Charles de Gaulle đứng đầu được thành lập ở Anh trở về tái chiếm đất Pháp đã có tác động rất lớn đến tư tưởng của cựu hoàng Duy Tân.
Ngày 29/10/1945, Charles de Gaulle ký một sắc lệnh hợp thức hóa quá trình hoạt động liên tục của Cựu hoàng Duy Tân trong quân đội Pháp từ năm 1942-1945.
Trong “Hồi ký chiến tranh,” tướng Charles de Gaulle viết: “Tôi sẽ tiếp Cựu hoàng (Vĩnh San) và sẽ cùng ông xét xem chúng tôi sẽ làm được những gì? Đó là một nhân vật đầy cương nghị. Mặc dù bị lưu đày ròng rã 30 năm trời, hình ảnh của ông không hề phai mờ trong tâm hồn của dân tộc Việt Nam.”
Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này, không ít ý kiến cho rằng Cựu hoàng Duy Tân đã bị lợi dụng như một “con bài” chính trị trong kế hoạch mật tái chiếm Đông Dương của Pháp.
Ngày 26/12/1945, trên đường trở về thăm gia đình ở đảo Reunion, chiếc máy bay chở cựu hoàng Duy Tân đã gặp tai nạn và bị rơi ở Trung Phi. Toàn bộ phi hành đoàn tử nạn.
Hài cốt của vua Duy Tân được đưa về an táng tại An Lăng (Huế) tháng 4/1987. Ngày 5/12/1992, thành phố Saint-Denis đảo Reunion khánh thành một đại lộ mang tên đại lộ Vĩnh San.
Hiện nay, Thủ đô Hà Nội và Móng Cái (Quảng Ninh) đều có đường mang tên “Duy Tân.”
Sau khi qua đời, vua Thành Thái cũng được an táng tại An Lăng.
Cho tới nay, nhiều chi tiết quan trọng trong cuộc đời hai vị vua có tinh thần yêu nước, chống thực dân Pháp này vẫn là những nghi án lịch sử chờ được giải mã./.