“Đào, phở và piano” - Câu chuyện đẹp về tinh thần người Hà Nội

Thông qua câu chuyện xảy ra trên chiến lũy một khu phố cổ mùa Đông 1946, bộ phim khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân thủ đô.
Trường quay phim"Đào, phở và piano." (Nguồn: Báo Tổ quốc)

Những cảnh quay cuối cùng của bộ phim truyện điện ảnh "Đào, phở và piano" đang được êkíp làm phim gấp rút thực hiện để chuẩn bị ra mắt khán giả.

Phim do Cục Điện ảnh - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, Công ty Cổ phần phim truyện I sản xuất.

Thông qua câu chuyện xảy ra trên chiến lũy một khu phố cổ mùa Đông 1946, bộ phim khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân thủ đô.

Bộ phim ca ngợi tinh thần quả cảm, lòng yêu nước mà còn đi sâu tìm hiểu, lý giải cốt cách phẩm chất người Hà Nội.

Tái hiện Hà Nội gần 80 năm trước

Chuyện phim “Đào, Phở và Piano” kể về một đôi tình nhân trẻ vượt qua muôn vàn gian khó, hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến, ngày 17/2/1947, khi quân ta di tản lên chiến khu, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.

Mối tình nồng nàn và lãng mạn của anh tự vệ và cô tiểu thư Hà thành được chăm chút, vun đắp bởi một ông họa sỹ già tài năng, chú bé đánh giày lanh lẹ, công tử nhà giàu chịu chơi, cha xứ tốt bụng, ông bán phở gánh yêu nghề...

Khi tìm thấy nhau trên chiến lũy, đôi tình nhân chỉ còn lại vài tiếng đồng hồ để kịp cưới, để tận hưởng cuộc sống vợ chồng giữa mong manh sống chết.

[Trưng bày ảnh tư liệu tái hiện tinh thần quyết tử của quân dân Thủ đô]

Chuyện phim tập trung khai thác những khoảnh khắc cuối cùng của họ - khoảnh khắc của tình yêu: yêu sự sinh tồn, yêu cái đẹp, yêu tự do...

Trên nền trận chiến ác liệt giành giật từng ngôi nhà, góc phố của 60 ngày đêm Hà Nội, trong tương phản với sự tàn khốc và cái ác, hiển hiện hình ảnh những người dân Thủ đô giản dị, yêu nước, đầy nghĩa cử, hào hoa, lãng mạn, mãnh liệt với tình yêu, với cuộc sống, quả cảm và sẵn sàng tận hiến để gìn giữ Hà Nội yêu dấu, sống chết với nghề, với niềm đam mê của riêng mình.

Đó là chàng trai tự vệ chân chất, dù rất tha thiết cuộc sống với người vợ trẻ nhưng vẫn hiên ngang một mình chống lại cả một đội quân thiện chiến, để chứng minh dân Thủ đô không sợ kẻ thù, để trả thù cho đồng bào bị sát hại.

Đó là nàng tiểu thư phố cổ, lãng mạn và ngoan đạo, dám dấn thân vào cuộc chiến. Họ rất yêu nhau, tận hiến cho nhau dẫu biết cái chết sẽ ập xuống trong vài khắc giờ sau.

Đó còn là ông họa sỹ già, cả đời đi tìm bản chất cái đẹp cao siêu và ông đã tìm thấy điều đó từ chính những người bên cạnh mình. Ông ngã xuống khi cố bảo vệ bức tranh ông miệt mài vẽ suốt đêm.

Đó là một chú bé đánh giày hồn nhiên trong sáng. Là ông cha xứ không muốn dính dáng đến cuộc chiến mà vẫn hiên ngang chặn trước họng súng quân địch.

Hay hình ảnh vợ chồng ông bán phở, yêu nghề phở gia truyền, say sưa đem miếng ngon cho đời, rất sợ chết mà vẫn cố mang gánh phở cuối cùng lên chiến lũy.

Và một ông phán Tây học, đầy nghi ngờ khả năng kháng cự của chiến lũy, nhưng vẫn phân biệt rất rõ thiện ác...

Nghệ sỹ Ưu tú Phi Tiến Sơn. (Nguồn: Báo Tổ quốc)

Kịch bản và đạo diễn phim “Đào, phở và piano” do Nghệ sỹ Ưu tú Phi Tiến Sơn thực hiện.

Phim có sự tham gia của dàn diễn viên tài năng như Doãn Quốc Đam (vai chiến sỹ tự vệ), Thùy Linh (vai tiểu thư Hà thành), Nghệ sỹ Ưu tú Trần Lực (ông họa sỹ già), Thiện Hùng (chú bé đánh giày), ca sỹ Tuấn Hưng (ông Phán), Nghệ sỹ Nhân dân Trung Hiếu (cha xứ), nghệ sỹ Anh Tuấn (ông bán phở)...

Nghệ sỹ Nhân dân Trung Hiếu chia sẻ lần đầu tiên anh tham gia đảm nhận vai diễn cha xứ nên anh đã dành rất nhiều thời gian tìm hiểu và học những cung cách, cử, chỉ, sinh hoạt, để khi vào diễn, mọi hành động cử chỉ đều tự nhiên.

“Khi đọc kịch bản, tôi rất thích vai diễn này, một vai diễn về người cha xứ yêu chuộng hòa bình, không muốn chiến tranh, luôn hướng đến những điều tốt đẹp, tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.

Nghệ sỹ Ưu tú Trần Lực cho biết đây là bộ phim khác biệt với nhiều tác phẩm điện ảnh về chiến tranh trước đây, bi hùng mà nhân văn, lãng mạn và ngọt ngào.

“Tôi thích cách tiếp cận mà đạo diễn và êkíp phim đã chọn, vai diễn ông hoạ sỹ già của tôi là một vai diễn không tên nhưng thực sự rất ra chất Hà Nội,” Nghệ sỹ Ưu tú Trần Lực bày tỏ.

Phim trường hoành tráng và chỉn chu

Đạo diễn, Nghệ sỹ Ưu tú Phi Tiến Sơn cho biết bộ phim truyện "Đào, Phở và Piano" mong muốn chuyển tải đến khán giả về một Hà Nội từ gần 80 năm trước, cùng cả nước dũng cảm chống lại kẻ thù xâm lược theo lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch.

Trong phim, phẩm cách anh hùng bất khuất của nhân dân Việt Nam lan tỏa trong mỗi người dân Hà Nội.

Cùng đó, một Hà Nội hào hoa, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, một Hà Nội vùng đứng lên với nhiều tầng lớp nhân dân, thế hệ, không còn phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, tôn giáo... sẽ hiện lên trong phim.

Lý giải về tên của bộ phim, đạo diễn Phi Tiến Sơn chia sẻ ông là người sinh ra và lớn lên và gắn bó cả đời ở Hà Nội, nên ông luôn muốn làm một bộ phim về Thủ đô, nói về những điều hay và đặc trưng của mảnh đất này.

Trong phim, những ngày cuối cùng ác liệt nhất của cuộc chiến là những ngày cận Tết. Mà Hà Nội thì Tết đến nhất định phải có hoa đào.

Ngày xưa, hoa đào quý và hiếm, chứ không nhiều như bây giờ. Còn phở là món ăn thân thuộc với người Hà Nội.

Và luôn luôn, trong không khí tĩnh lặng của Hà Nội xưa, đâu đó, trong ngôi nhà nào đó, tiếng piano réo rắt... Tất cả những điều đó khiến ông nảy ra ý tưởng để cho ra đời bộ phim "Đào, phở và piano" - là những đặc trưng về yếu tố nhìn, thưởng thức, chơi của Hà Nội.

Phim không có mâu thuẫn, xung đột, không có tình yêu tay 3 tay 4, không ai là người xấu, tất cả mọi người đều tốt với nhau và tất cả các nhân vật trong bộ phim này đều thể hiện "chất" của người Hà Nội.

Điểm đặc biệt ấn tượng là êkíp thực hiện phim “Đào, phở và piano” đã dựng một trường quay “khủng” với quy mô lớn, tái hiện một đoạn phố cổ Hà Nội với không gian sống của các nhân vật ở bối cảnh năm 1946-1947.

Đoàn làm phim Đào, Phở và Piano. (Nguồn: Báo Tổ quốc)

Họa sỹ thiết kế Vũ Việt Hưng (Hãng phim truyện I) chia sẻ để có thể tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm từ cuối 1946-1947, đoàn làm phim “Đào, phở và piano” đã dựng một khu phố cổ dài gần 100m tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải, Phúc Yên (Vĩnh Phúc).

Theo họa sỹ Vũ Việt Hưng, quá trình tìm kiếm địa điểm dựng phim trường gặp khó khăn bởi có những hiệu ứng cháy nổ, đổ sập..., phải đảm bảo an toàn cho cư dân sinh sống gần đó, nhưng phải đảm bảo yên lặng để thu âm đồng bộ.

Được sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng, đoàn làm phim đã mượn được nơi Trung đoàn E24 từng đóng quân (Đại Lải, Phúc Yên) để làm trường quay.

Sau hơn 5 tháng thi công, với đội ngũ thiết kế, sản xuất là những người dạn dày kinh nghiệm từng tham gia trong nhiều bộ lịch sử, chiến tranh, một phim trường khá quy mô đã hình thành với bối cảnh là những ngôi nhà phố cổ Hà Nội thập niên 1940, cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn, thậm chí có cả xe tăng, toa tàu điện... đã được tái hiện trong phim.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn khẳng định chưa từng có bộ phim Việt Nam nào mà công việc chuẩn bị bối cảnh lại lâu và kỹ như bộ phim này.

Nghệ sỹ Ưu tú Trần Lực cũng bày tỏ bất ngờ trước sự đầu tư chỉn chu, hoành tráng của trường quay “Đào, phở và Piano.”

Nghệ sỹ Trần Lực cho rằng đây là trường quay về đề tài phim lịch sử có thể nói là lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam. Bối cảnh phim có thể quay được góc máy 360 độ.

Ở nhiều bộ phim trước kia, đoàn phim thường phải căn ke, cắt góc máy liên tục. Với trường quay như vậy, sẽ có nhiều đại cảnh tốt, nghệ sỹ diễn liền mạch cảm xúc hơn.

Độ hoành tráng của phim trường khiến nhiều người thấy tiếc khi hoàn thành xong những cảnh quay tại đây, bối cảnh phim sẽ được dọn đi.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ lâu lắm rồi điện ảnh Việt Nam mới có một trường quay quy mô như vậy.

Một không gian rộng, đảm bảo cho các góc máy, cảnh quay liên tục thể hiện tính chuyên nghiệp của đội ngũ thiết kế.

Thật tiếc khi bối cảnh này không được giữ lại như một địa chỉ tham quan du lịch, giáo dục lịch sử lâu dài.

Nghệ sỹ Nhân dân Trung Hiếu cũng cảm thấy rất tiếc khi trường quay được đầu tư lớn nhưng sắp phải dỡ bỏ.

Nghệ sỹ Nhân dân Trung Hiếu cho biết anh đã từng tham quan nhiều phim trường ở các nước có nền điện ảnh phát triển, ở đó, các phim trường đều được giữ lại làm du lịch và thu hút rất đông du khách đến thăm.

Nghệ sỹ Nhân dân Trung Hiếu cho rằng nếu ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam phát triển, những trường quay thế này sẽ được giữ lại để khai thác du lịch, góp phần phát triển kinh tế địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục