Đào Nhật Tân - Biểu tượng văn hóa Tết của người Hà Nội

Thương hiệu đào Nhật Tân gắn với loại đào bích, hoa có màu hồng thắm, bông to, dày cánh, bông hoa đào ở Nhật Tân phải có trên 16 cánh, đường kính bông hoa rộng trên 2cm...
Đào Nhật Tân - Biểu tượng văn hóa Tết của người Hà Nội ảnh 1Đào Nhật Tân đang vào vụ Tết Bính Thân 2016 (Ảnh: CTV)

Tết đến trẻ em háo hức, vui mừng, người lớn lại bận rộn lo toan để chuẩn bị cho gia đình một cái Tết no đủ, yên ấm. Hình ảnh những chiếc bánh chưng, mâm ngũ quả, cây quất, cây đào… từ lâu đã gắn liền với Tết cổ truyền của dân tộc. Nhắc đến hoa đào không thể không nói đến vùng đất Nhật Tân (Hà Nội), bởi nơi đây gắn liền với nghề trồng đào nổi tiếng lâu năm.

Theo những người dân sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, Nhật Tân xưa có cả đồng và bãi, trong đó bãi là chủ yếu. Từ những năm 1990-1995, diện tích đất đồng của Nhật Tân lúc đó chỉ khoảng 34ha. Sau năm 1998, người dân chuyển đổi ra ngoài bãi sông Hồng trồng đào và từ đó tới nay phát triển trên 50ha.

Ở Nhật Tân, người dân trồng đào truyền thống là chủ yếu nhưng bên cạnh việc trồng đào, người dân còn trồng cả cây quất, hoa tươi và rau xanh. Phường Nhật Tân hiện nay có hơn 340ha đất canh tác; trong đó diện tích đất nông nghiệp là gần 100ha, phường mới chuyển đổi được hơn 50ha diện tích đất sang trồng đào và vẫn đang tiếp tục chuyển đổi vì cây đào đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Đào Nhật Tân - Biểu tượng văn hóa Tết của người Hà Nội ảnh 2Đào thế cổ Nhật Tân. (Ảnh CTV)

Ở Nhật Tân có nhiều loại đào; trong đó có ba loại chính là đào thế, đào cổ và đào cành. Đào thế có gốc là gốc cây đào bích nguyên thủy, không lai tạo, nguyên gốc từ xưa đến giờ vì vậy người trồng dễ dàng định ngày nở được bông hoa. Trong đào thế thì có dòng thế bon sai, là những cây nhỏ để ở bàn uống nước hoặc đặt trong các gia đình có diện tích nhỏ. Trái ngược với bon sai là dòng đào công sở, chủ yếu có hình tháp, gọi là đào tán thông. Những cây đào này thích hợp để ở những công ty lớn và những ngôi nhà có diện tích rộng.

Đào cổ có hai dòng, một là tạo từ cây nhỏ nguyên bản trồng lớn lên, hai là lai ghép, khai thác gốc đào từ trên rừng về rồi cấy ghép giống đào ở vườn vào, khi các mắt ghép lớn thành cành thì bắt đầu uốn, tạo dáng như mong muốn. Trồng lai ghép nhanh đem lại lợi nhuận nhưng số vốn đầu tư mất nhiều hơn. Cây đào cổ và đào thế phải chăm bón rất kỳ công, đòi hỏi người trồng phải cẩn thận, tỉ mỉ, bấm tỉa làm sao cho đẹp mắt.

Đào cành thì có dòng đào tán tròn, tán to. Nhà to dùng đào tán to, tán nhỏ thì thường để lên bàn thờ. Một dòng khác là đào tự nhiên, với dòng này người trồng để cho cây lớn tự nhiên, uốn sửa rất ít. Tuy nhiên, đào cành đòi hỏi người trồng phải chăm bón và sửa hàng tháng. Đặc biệt, đào cành bắt buộc phải ghép từ cây đào ta lên, qua hai năm mới thu được thành quả.

Đào Nhật Tân - Biểu tượng văn hóa Tết của người Hà Nội ảnh 3Đặc trưng không thể lẫn của đào bích Nhật Tân (Ảnh: CTV)

Bông hoa đào ở Nhật Tân phải có trên 16 cánh, đường kính bông hoa rộng trên 2cm, mật độ nụ hoa và lộc đảm bảo đúng quy định của thương hiệu.

Bác Nguyễn Trọng Mẫn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp Nhật Tân, chia sẻ năm 2005, hợp tác xã kết hợp với các ban, ngành của quận Tây Hồ cũng như của phường tiến hành xây dựng thương hiệu hoa đào và năm 2007 đã được công nhận thương hiệu hoa đào Nhật Tân; năm 2013 được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm tin cậy.

Thương hiệu đào Nhật Tân gắn với loại đào bích, hoa thường có màu hồng thắm, bông to, dày cánh, nở rộ. Loại đào này được các nhà trồng nhiều nhất do dễ tiêu thụ. Gặp thời tiết gió bấc, mưa phùn, đào bích có tới 24 cánh, nở căng tràn, khoe sắc hồng may mắn. Dạng đào phai cũng khá phổ biến, vẫn cho cánh kép, nở rộ. Giống như bích đào, đào phai cũng có giống đào mắt đen, mắt nâu có thời gian tuốt lá cho hoa nở khác nhau.

Đào Nhật Tân - Biểu tượng văn hóa Tết của người Hà Nội ảnh 4Đào phai Nhật Tân (Ảnh: CTV)

Đào trắng (bạch đào) có rải rác ở Nhật Tân nhưng do khách không có nhu cầu nhiều nên ít người trồng. Thường hoa đào trắng chỉ có trong các cây đào ghép với đào bích, đào phai.

Đặc biệt, có một loại đào quý nhất là đào thất thốn, đây là loại đào cổ, hiếm, có sức sống mãnh liệt. Muốn trồng được đào thất thốn, người trồng đào phải chăm sóc cực kỳ cẩn thận. Đất trồng đào phải là đất thịt được đánh lên, phơi nỏ nắng, không để đất còn lại chút chất chua nào. Tưới cây phải tưới bằng nước sạch, bởi vậy, cây đào trở nên thanh cao, tao nhã, xưa kia chỉ các bậc quyền quý, nhà giàu mới chơi loại đào này.

Đào Nhật Tân - Biểu tượng văn hóa Tết của người Hà Nội ảnh 5Đào ghép mắt trên gốc cổ (Ảnh: CTV)

Để chăm dưỡng được một cây đào quý này, vào những ngày rét mướt, sương muối hay những hôm nắng bỏng héo lá, người trồng đào phải là một "bà đỡ" thật khéo thì đào mới trụ được. Giống đào xù xì, rêu mốc này có sức hút kỳ lạ, mỗi thốn cành cây, tức là độ dài bằng đốt ngón tay, có thể trổ tới bảy bông hoa, nên gọi là thất thốn.

Thất thốn đỏ từ rễ đỏ lên tới búp, mầm nhọn và cứng cáp như lưỡi kiếm. Hoa đỏ vô cùng, tựa như hoa hồng nhung vậy, có thể nở từ gốc. Đào thất thốn rất khó nở hoa đúng dịp Tết, may mắn lắm thì 2 năm/lần cây mới nở hoa đúng dịp, cây càng nở ít hoa càng quý hiếm và có ý nghĩa hưng thịnh, năm mới may mắn lớn.

Đào Nhật Tân - Biểu tượng văn hóa Tết của người Hà Nội ảnh 6Đào Nhật Tân đang vào vụ Tết Bính Thân 2016 (Ảnh: CTV)

Đào Nhật Tân trước kia được trồng ở ngoài cánh đồng nhưng sau quá trình đô thị hóa, đào Nhật Tân phải nhường đất cho những công trình nằm trong dự án quy hoạch, khiến người dân lo lắng đào Nhật Tân sẽ không còn tồn tại, sắc hoa đỏ thắm đặc trưng của vùng đất chuyên trồng đào chỉ còn trong dĩ vãng. Nhưng may thay, hôm nay đến với làng Nhật Tân, chúng tôi không phải thấy những ánh mắt buồn phiền vì làng đào phải nhường đất cho quá trình đô thị hóa. Thay vào đó là nụ cười hân hoan.

Ông Chiến, chủ vườn đào Chiến Cúc, chia sẻ từ ngày chuyển ra bãi sông Hồng, thiên hòa, địa lợi, gió sông Hồng, gió hồ Tây cùng với đất sông Hồng đã tạo ra sắc hoa khác biệt cho đào Nhật Tân với những nơi khác. Những người trồng đào cũng không gặp quá nhiều khó khăn, thậm chí từ khi chuyển ra đây nghề trồng đào còn phát triển hơn. Làng đào Nhật Tân vừa được công nhận làng nghề truyền thống tháng 12/2015.

Ông Nguyễn Trọng Mẫn, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Tổng hợp Nhật Tân, cho biết trong tương lai, làng đào Nhật Tân sẽ tiếp tục dồn điền đổi thửa, bên cạnh đó cũng mong muốn nhận được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền để hệ thống hóa đường bêtông, đường điện, kênh tưới tiêu ổn định giúp người dân yên tâm sản xuất.

Đào Nhật Tân - Biểu tượng văn hóa Tết của người Hà Nội ảnh 7Đào thắm 5 cánh Nhật Tân (Ảnh: CTV)

Hàng năm, hợp tác xã kết hợp cùng trung tâm khuyến nông và cơ quan bảo vệ thực vật mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho xã viên về kinh nghiệm bón phân làm sao để giữ đất chống bạc màu, phun thuốc đảm bảo không ô nhiễm môi trường, cách trồng làm sao để trên một đơn vị diện tích tăng năng suất, tạo ra thu nhập cao hơn. Trong năm tới, hợp tác xã cũng mong muốn tổ chức được hội chợ tại vườn để quảng bá hoa đào rộng hơn.

Hoa đào Nhật Tân là biểu tượng văn hóa của Hà Nội và Việt Nam trong ngày Tết. Mỗi dịp Xuân về, sắc thắm của hoa đào lại nhuộm hồng từng góc phố, từng căn nhà khiến cho không khí Tết rộn ràng, ấm áp hơn. Thấy hoa đào, thấy Tết đã đến rồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục