Đạo Mẫu - giá trị văn hóa tinh thần của người Việt

Đạo Mẫu với nét đặc trưng là nghi thức hầu đồng đã được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc và ngày càng có sức cuốn hút.

Dù không phải là mùa lễ hội, song Phủ Giầy, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, vẫn nhộn nhịp người, xe, nghi ngút khói hương, rộn ràng tiếng đàn, lời hát. Tín ngưỡng thờ Mẫu quả là sức cuốn hút.

Tín ngưỡng thờ Mẫu hay Đạo Mẫu là một trong những tín ngưỡng lớn ở Việt Nam. Có thời kỳ loại hình tín ngưỡng này bị cấm vì bị cho là mê tín, dị đoan, song với những giá trị, tính nhân văn vốn có, Đạo Mẫu đã được nhìn nhận lại một cách nghiêm túc.

Từ năm 1992 đến nay có thẻ kể đến 4 cuộc hội thảo lớn về tín ngưỡng thờ Mẫu, qua đó những giá trị văn hoá, tín ngưỡng trong Đạo Mẫu ngày càng được hiểu rõ hơn.

Mẫu trong Đạo Mẫu là một hình tượng của người mẹ Việt Nam, hình tượng của một đấng thần linh luôn luôn cứu vớt chúng sinh thoát khỏi những cơn hiểm nguy trong cuộc sống. Nét đặc trưng trong tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi thức hầu đồng.

Với 36 giá đồng, Mẫu đã hoá thân vào tất thẩy để giúp cho nhân dân, cầu cho nhân dân vượt qua mọi khó khăn, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, no ấm, hoà bình hơn. Đặc biệt, Đạo Mẫu luôn ca ngợi, tôn vinh công đức của những danh nhân, những người có công xây dựng và bảo vệ tổ quốc, giúp đỡ nhân dân thoát khỏi những tai ương trong cuộc sống.

Bên cạnh ý nghĩa tín ngưỡng, Đạo Mẫu còn tích hợp những giá trị văn hoá, nghệ thuật mà ít có tín ngưỡng nào có được gồm: văn học dân gian, nghệ thuật diễn xướng (hát, múa, nhạc), tạo hình. Đây cũng là một sinh hoạt văn hoá cộng đồng, thu hút nhiều người, nhất là các bà, các mẹ tham gia.

Trong quá trình hình thành, phát triển của Đạo Mẫu có hàng trăm bài văn chầu được dân gian sáng tác. Các bài văn chầu được ví như những truyền thuyết bằng thơ, thường có hàng trăm câu với nội dung mô tả cảnh tình, ca ngợi công đức, răn dạy người đời.

Đạo Mẫu sản sinh ra những hình thức diễn xướng riêng, bắt nguồn từ dân gian, mang sắc thái dân gian độc đáo, không bị trộn lẫn với bất cứ hình thức diễn xướng nào. Nét đặc trưng của hình thức diễn xướng này là hát chầu văn. Tự bao đời, dân gian đã sáng tạo nên hàng chục điệu chầu khác nhau như Bỉ, Miễu, Thống, Phú, Dọc, Cờn, Xá...

Trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu, Phủ Giầy được coi là một trong những trung tâm lớn. Nhân vật trung tâm được thờ trong quần thể với gần 20 di tích này là Mẫu Liễu Hạnh - một trong tứ bất tử của thần điện Việt Nam và là thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu.

Lễ hội Phủ Giầy được khôi phục từ năm 1995 với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá như: rước thỉnh kinh, hoa trượng hội, thi hát văn, trình diễn các làn điệu dân ca... Vào mùa lễ hội, Phủ Giầy ngập tràn những điệu chầu.

Ngày thường, Phủ Giầy vẫn nhộn nhịp người xe, nhang khói đón tiếp những người không có điều kiện dự lễ chính, vừa xa cơ, lỡ vận hoặc những người muốn thăm quan, tìm hiểu di tích.

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một trong những giá trị văn hoá có sức sống trường tồn, bền vững, có sức hút và đi vào đời sống văn hoá, tinh thần của người dân Việt Nam. Việc lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Đạo Mẫu, nghi lễ hầu đồng là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại là xứng đáng và cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục