Đạo đức người làm báo thời cách mạng 4.0: Nhận diện hành vi vi phạm

Khủng hoảng đạo đức báo chí không chỉ bó hẹp trong một quốc gia mà trở thành vấn đề chung được các nhà quản lý, giới chuyên môn và một bộ phận độc giả trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm.
Đạo đức người làm báo thời cách mạng 4.0: Nhận diện hành vi vi phạm ảnh 1Nhà báo Lê Duy Phong bị truy tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. 

Cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông cũng như mạng Internet, khủng hoảng đạo đức báo chí không chỉ bó hẹp trong một quốc gia mà trở thành vấn đề chung được các nhà quản lý, giới chuyên môn và một bộ phận độc giả trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm.

Để giải quyết vấn đề này, mỗi quốc gia đều có những cách xử lý riêng và Việt Nam cũng vậy. Để có thể vận dụng đúng các yêu cầu, chuẩn mực đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp, trước tiên cần thống nhất cách hiểu về đạo đức nghề báo.

Thế nào là đạo đức người làm báo?

Tại hầu hết các hội thảo, tọa đàm về vấn đề này, đa số các nhà báo, nhà quản lý lĩnh vực báo chí, những người quan tâm đến báo chí đều cho rằng đạo đức người làm báo không phải là một khái niệm trừu tượng, khó hiểu đến nỗi không thể làm theo, nó hiển hiện trong đời sống hàng ngày. Mỗi cá nhân ứng xử trên cơ sở đạo đức của xã hội, là lương tâm, trách nhiệm xã hội của nhà báo.

Trong cuốn “Cơ sở lý luận báo chí” của mình, E.P. Prokhorop khẳng định đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy định đạo đức không được ghi trong đạo luật, nhưng được chấp nhận trong giới báo chí và được duy trì bởi sức mạnh của dư luận xã hội, bởi các tổ chức sáng tạo nghề nghiệp. Đó là những nguyên tắc, những quy định hoặc quy tắc về hành vi đạo đức của nhà báo.

Tác giả Phạm Thành Hưng, trong cuốn "Thuật ngữ Báo chí - Truyền thông” lại chỉ ra rằng đạo đức báo chí là khái niệm chỉ tư cách, lương tâm nghề nghiệp trong hoạt động báo chí, biểu hiện qua hành vi, nguyên tắc ứng xử của người làm báo.

Như vậy, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là những quy tắc, chuẩn mực quy định thái độ, hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp. Tại Việt Nam, đạo đức nghề nghiệp của nhà báo còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau với ý nghĩa đồng nhất, là: Đạo đức nghề báo, đạo đức báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, đạo đức nhà báo.

Phó giáo sư-tiến sỹ Vũ Duy Thông, nguyên Tổng Biên tập báo điện tử Tầm Nhìn, cho biết thêm Việt Nam là một trong số các quốc gia có hệ thống chính trị do một đảng lãnh đạo. Báo chí cũng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trung thành tuyệt đối với hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu. Đó là nét đặc thù, là tính chất của nền báo chí Việt Nam. Vì vậy, tiêu chí đạo đức của báo chí Việt Nam là trung thành với lợi ích của Đảng.

[Đạo đức người làm báo thời cách mạng 4.0: Những câu chuyện vui, buồn]

Với tiêu chí đó, nhà báo có nghĩa vụ tuyên truyền, quảng bá, giải thích, vận động, cổ vũ và tổ chức thực hiện những đường lối, chính sách của Đảng; biểu dương những cá nhân và tổ chức thực hiện tốt, chống lại những quan điểm, hành động đi ngược hoặc chống đối Đảng và hệ thống chính trị. Đó là một nguyên tắc và cũng là tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo Việt Nam.

Vậy thế nào là nhà báo có đạo đức? Theo Christ Frost, thuật ngữ “nhà báo có đạo đức” được hiểu là thu thập thông tin trung thực, chính xác dựa trên sự thật, giành được sự quan tâm và xuất bản tin tức đó kịp thời cho công chúng.

Bill Kovach và Tom Rosentiel - hai tác giả cuốn sách “Các yếu tố của báo chí” khẳng định điều bắt buộc đầu tiên của báo chí là sự thật. Đồng thuận với quan điểm này, nhà báo Peter Arnett, người từng đạt giải Pulizer (một trong những giải thưởng danh giá nhất về báo chí) năm 1966 với những tác phẩm báo chí về chiến tranh Việt Nam cho rằng “phải viết như sự thật vốn có” mặc dù “nhà báo cần có những phong cách riêng và độc lập.” Ông cũng nhấn mạnh phóng viên nên làm việc tích cực, thu thập thông tin, phỏng vấn, tuân theo các quy định, đưa ra những đánh giá chung về một sự việc một cách khách quan. Phóng viên phải là người có trách nhiệm vì quần chúng và mang lại lợi ích cho xã hội.

Nói đến đạo đức nghề nghiệp, giáo sư-tiến sỹ Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản lại nhấn mạnh hai khía cạnh đạo đức nghề nghiệp của người làm báo khi tác nghiệp và phẩm chất đạo đức của nhà báo. Theo ông, có phẩm chất đạo đức tốt, có đạo đức nghề nghiệp sẽ hứa hẹn một nhà báo giỏi, có trách nhiệm với xã hội, với những tác phẩm báo chí chất lượng. Một nhà báo thiếu phẩm chất đạo đức khi viết bài phê bình các hiện tượng tiêu cực cũng ví như người đi tuyên truyền, thuyết giảng về giá trị đạo đức mà bản thân lại thiếu hụt những giá trị đó. Cách nói và làm khác nhau sẽ rất khó thuyết phục.

“Hiến pháp năm 1992 và năm 2013 của Việt Nam đều quy định rõ quyền tiếp cận thông tin của công dân. Để đảm bảo việc thực hiện các quy định của Hiến pháp, pháp luật về quyền tiếp cận thông tin, trên nền tảng công nghệ hiện đại và không ngừng phát triển, những người cầm bút có đạo đức phải kiên trì theo đuổi những nguyên tắc báo chí là: Trung thực, khách quan, kịp thời và trách nhiệm,” nhà báo Lê Duy Truyền, nguyên Phó Tổng giám đốc TTXVN chia sẻ.

Hành vi vi phạm đạo đức báo chí

Sự xói mòn của đạo đức báo chí đi liền với quá trình thương mại hóa, đã, đang diễn ra trong ngành công nghiệp truyền thông. Áp lực lợi nhuận kinh doanh, thời gian hoàn thành công việc đặt một bộ phận không nhỏ vào tình thế sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc đạo đức để kịp thời tạo ra được những ấn phẩm truyền thông có thể tiêu thụ nhanh với giá hời. Hệ quả tất yếu của quá trình này là sự xuất hiện tràn lan, không thể kiểm soát được các thông tin mang nặng tính giải trí, nội dung nghèo nàn và nhiều khi không thể kiểm chứng.

Năm 2017, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tiến hành xử phạm vi phạm hành chính đối với 27 trường hợp.

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 714 triệu đồng. Đã có một giấy phép hoạt động báo chí và 10 thẻ nhà báo bị thu hồi. Cùng trong năm này, Cục cũng tham mưu lãnh đạo Bộ đình bản tạm thời năm cơ quan báo chí, trong đó có bốn trường hợp bị đình bản ba tháng.

Từ đầu năm đến giữa tháng 6/2018, Cục Báo chí cũng đã xử phạt 12 trường hợp với tổng số tiền 58 triệu đồng; thu hồi một thẻ nhà báo. Đáng chú ý, các sai phạm đều của báo điện tử, hình thức sai phạm chủ yếu là thông tin sai sự thật.

Nói về những hành vi vi phạm đạo đức nghề báo phổ biến nhất trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho hay trong những hành vi không chuẩn mực, có những hành vi do non yếu về trình độ, bản lĩnh chính trị, nhưng cũng có những hành vi cố tình vi phạm về pháp luật, vi phạm về đạo đức nghề nghiệp.

Một trong những lỗi phổ biến hiện nay là lấy tin từ mạng xã hội nhưng không kiểm chứng. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, phương tiện để lan truyền những sai lệch nhanh, mạnh mẽ, gây tác động lớn hơn nhiều so với trước. Bên cạnh đó, do đặc thù của mạng xã hội nên thông tin có độ lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Nhiều khi những thông tin không được kiểm chứng gây bão trên mạng xã hội và có tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, làm cho người dân tiếp cận thông tin không chuẩn mực bị phân tâm, hoang mang hay hiểu sai về chính sách, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên không có sai phạm nào chỉ một người, sai phạm của một cá nhân hay một tập thể liên đới đến những người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành tổ chức đó. Khi xử lý một sai phạm trên báo chí, người chịu trách nhiệm trực tiếp, đầu tiên trước pháp luật, trước xã hội là người đứng đầu, quản lý đơn vị báo chí; sau đó là những người liên quan, người trực tiếp gây ra sai phạm. Bởi vậy, xây dựng đạo đức báo chí là xây dựng một cách làm nghề trong cả dây chuyền hoạt động báo chí để đảm bảo từ khâu đầu đến khâu cuối đều phải thực hiện theo nguyên tắc, chuẩn mực.

Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận vai trò của mạng xã hội. Trước những thay đổi của thời đại mới, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Không nên đối lập giữa báo chí và mạng xã hội mà nên tìm cách khai thác những tiện ích từ mạng xã hội. Nhưng tất cả thông tin từ mạng xã hội phải được kiểm chứng. Báo chí chỉ có thể hoàn thành trách nhiệm khi tạo được tính tin cậy đối với xã hội, đưa ra xã hội những thông tin chính xác, kịp thời, hữu ích, vì lợi ích của đất nước và nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục