Đạo diễn Hoàng Điệp: Kẻ "cứng đầu" giữa showbiz Việt phù phiếm

Tự nhận là "đứa cứng đầu", cực đoan…, nữ đạo diễn trẻ có dáng vẻ “mô phạm” cùng bề ngoài khá lạnh lùng ấy chính là nỗi “khiếp sợ” của các diễn viên trẻ trong đoàn phim "Đập cánh giữa không trung".
Hoàng Điệp tự nhận mình là kẻ cứng đầu. (Nguồn ảnh: Vblock Media)

Tự nhận mình là "đứa cứng đầu," cực đoan và luôn tuân theo cái đúng, cái đúng hợp với mình… Và bất kể đến những sự kiện có phần trang trọng hay phù phiếm, trang phục lựa chọn hàng đầu luôn là áo dài. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp bảo, vì nó đơn giản, “không cướp thời gian của tôi.”

Nữ đạo diễn trẻ có dáng vẻ “mô phạm” và bề ngoài khá lạnh lùng ấy chính là nỗi “khiếp sợ” của các diễn viên trẻ trong đoàn làm phim “Đập cánh giữa không trung”-bộ phim được lựa chọn như một nhân tố tài năng đại diện cho các nhà sản xuất trẻ ở Việt Nam tham gia Liên hoan phim “Clap !” sắp diễn ra tại Hà Nội (17-25/1).

“Clap !” là một thách thức đầy kiêu hãnh…

- Liên hoan phim “Clap!” được đánh giá là khác biệt do Viện Pháp sắp tổ chức. Theo chị, những đạo diễn trẻ như chị tham gia vào liên hoan này sẽ học hỏi được gì và có cơ hội được hỗ trợ như thế nào?

Đạo diễn Hoàng Điệp: À, tôi thích ý tưởng của “Clap !”. Thực sự là rất thích dù lúc đầu nói chuyện với Loic và Elise [hai đại diện của Viện Pháp tại Hà Nội-PV] tôi hơi e dè vì định dạng, cấu trúc của liên hoan phim này nó khác quá so với những liên hoan phim tôi từng biết.

Tôi cũng nghi ngờ là có tìm được cái mới không? Tìm được thì có chọn được cái mới mà công chúng thích và cái mới có giá trị không? Nói chung nhiều câu hỏi lắm… Mà cách dễ nhất để đi tìm câu trả lời chuẩn xác là bạn phải trực tiếp tham gia, bạn sẽ có câu trả lời, hoặc đôi khi bạn lại đặt thêm nhiều câu hỏi.

- Chị có kỳ vọng nào đó khi tham gia liên hoan “Clap!” không?

Đạo diễn Hoàng Điệp: Như đã nói ở trên, tôi không tìm cơ hội cho mình hay cho phim mình qua “Clap !”. Tôi muốn quan sát, học và cảm nhận không khí trẻ trung, tươi mới thực sự mà “Clap!” mang đến. Và tôi cũng bắt đầu bị Loic, bị “Clap !” thuyết phục rằng mọi chuyện đã thay đổi, những phương cách truyền thông truyền thống đã lỗi thời, cái mới bao giờ cũng quan trọng nhưng với thời đại này và tương lai, mới đã là xu hướng bắt buộc không chỉ trong sáng tác mà còn trong hưởng thụ.

Khi công chúng mới đòi hỏi cách tiếp cận và hưởng thụ nghệ thuật mới thì những nghệ sỹ, những nhà làm phim cũng phải biết để thích ứng hoặc ít nhất để biết rằng mình đang ở đâu, nên ở đâu trong cơn bão mạng này.

Có lẽ kỳ vọng của tôi là được xem các phim ngắn, phim dài đầu tay… của những tài năng Pháp-Việt. Vì với sự chọn lựa của “Clap !” tôi thấy có điểm chung giữa họ là nghệ sỹ và tác phẩm luôn tìm được cách để tồn tại, để được công nhận, để cống hiến… Điều mà chắc chắn họ không làm được theo phương thức cũ.

Có những bài học rất hay về xưởng phim nhỏ, ban đầu chỉ làm các đoạn video trên internet cho đến khi được sự quan tâm của công chúng, rồi sự quan tâm của hãng phim khổng lồ… Và họ đã bắt tay làm được phim điện ảnh đầu tiên một cách rất bài bản và đàng hoàng.

Những chuyện như vậy ta thường chỉ thấy trên phim Hollywood với hàng tá nhân vật luôn mồm “Never give up”…, giờ ta thấy trước mắt: tác phẩm thực, con người thực, sự hợp tác thực. Thực tế luôn là bài học đáng giá mà tôi nghĩ mình nên học.

"Trái ngọt" đầu mùa. (Ảnh: Vblock Media)

Từng sợ… không có khán giả tại quê nhà

- Với tên gọi “Clap!” thì sao, tôi thấy chị có vẻ rất thích thú tên gọi này?

Đạo diễn Hoàng Điệp: Tôi thích nó lắm, ngắn gọn, như một hiệu lệnh và khiến người nghe không thể chối từ.

Tôi tưởng tượng nó như những cái vỗ tay cổ vũ, nó lại như những cú đập cánh bay, như một sự phá bỏ những điều gì còn vương vướng. “Clap !” là một thách thức kiêu hãnh nhưng không ngạo mạn của tuổi trẻ - những người mang trong mình biểu tượng của sự tươi mới. Họ ra lệnh cho chính họ hay họ tuyên bố với chúng ta? Họ - một thế hệ mới đã ở đây trong điện ảnh để chinh phục điều mà chúng ta còn mải e dè.

Và không hiểu sao nhưng tôi luôn nghĩ “Clap !” còn giống như âm thanh của Clapper, tấm bảng mà mọi đoàn làm phim đều có. Từ lâu đã thành biểu tượng cho việc làm phim. Cứ nghe đến Clap là ta nghĩ đến sự khởi động, bắt đầu.

Bạn đến thăm đoàn làm phim đi, bạn sẽ thấy, mọi cảnh quay sẽ thực sự bắt đầu sau tiếng đập Clap của phó đạo diễn trên trường quay.

- “Đập cánh giữa không trung” sẽ phát hành thương mại từ ngày 23/1 trên toàn quốc, vậy là sau khi đi “đập cánh” ở hàng chục liên hoan phim quốc tế với nhiều giải thưởng, nay êkíp sắp thu được quả ngọt ngay ở quê nhà, cảm giác của chị thế nào?


Đạo diễn Hoàng Điệp:
Một đồ thị trồi, sụt khá thất thường (cười). Ba tuần trước còn luẩn quẩn và cảm thấy bế tắc vì mãi chưa thấy đường. Hai tuần trước, sau khi nghĩ chả có gì để mất, đến gõ thẳng cửa rạp thì rất bất ngờ và hạnh phúc vì chủ rạp yêu phim, sẵn lòng hỗ trợ. Cùng với tin vui đó thì cũng choáng vì tự nhiên mình lại gánh vai trò phát hành phim mình, và thế là lao vào học, tìm hiểu hùng hục.

Một tuần trước, bắt đầu nghĩ đến việc nếu phát hành thành công “Đập cánh” thì mình sẽ tiếp tục lo phát hành thêm các phim khác nữa cho bạn bè, những người mà tác phẩm của họ chưa có cơ hội ra rạp chiếu.

Việc làm phát hành độc lập thì rất khó nhưng đúng là cũng rất… hay, chắc vì nó mới với tôi. Bạn thấy đấy, tôi cũng yêu cái mới đấy chứ nhỉ? Ban đầu hơi e dè nhưng giờ… yêu rồi. Giống như với “Clap !” vậy.


- Dành quá nhiều tâm sức cho “đứa con đầu” như thế, hẳn kỷ niệm đáng nhớ nhất của chị với bộ phim cũng rất thú vị?

Đạo diễn Hoàng Điệp: Tôi có quá nhiều kỷ niệm và lúc này, khi đang đầu tắt mặt tối cho việc phát hành phim, tôi không thể bình tĩnh để chia sẻ với bạn được. Não tôi giờ nó bị hai chữ phát hành choán phần diện tích rất lớn rồi.

Nói vậy mới nhớ, “Đập cánh” buồn cười lắm, mọi cơ duyên đều đến vào phút cuối. Hồi đi gây quỹ và kiếm nguồn hợp tác tài chính để làm phim, tìm mãi không được tôi cũng ức, định thôi, về nhà làm phim bằng tiền vốn của xưởng mình thôi, chả cần thêm nữa. Thì đúng lúc đó Cannes gõ cửa và mời dự án đi.

Tại Cannes, tôi gặp nhà sản xuất Pháp Thierry Lenouvel, nhà sản xuất Na Uy Alan Milligan, và nhà sản xuất Đức David Lindner. Sau Cannes tuần tự: ba tháng tôi có tiền từ Berline, sáu tháng tôi có tiền từ Pháp, tám tháng tôi có tiền từ Na Uy và đều là những quỹ lớn nhất, khó nhất.

Chuẩn bị quay thì thay diễn viên chính và nhờ vậy tôi đã có nhân vật Huyền [Thùy Anh đóng-PV] đầy ngoạn mục.

Dù đi nhiều, giải thưởng và tung hô không ít, nhưng tôi luôn e dè và thực sự là không dám nghĩ tới việc có khán giả tại quê nhà. Nhưng ba buổi "nổ tung" phòng chiếu tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ ba vừa qua đã làm tôi choáng váng, đến mức phải tự chấn chỉnh lại và thú nhận với bạn rằng, quyết tâm đưa phim ra rạp bắt đầu từ đấy.

Đạo diễn Hoàng Điệp (thứ hai từ trái qua) bên những người bạn. (Ảnh: Vblock Media)

“Tôi biết mình là đứa cứng đầu”

- Tôi cũng đã xem bộ phim của chị chiếu dịp đó rồi và quả thực nó rất ấn tượng. Với thành công của chị, có lẽ sẽ là một bài học đáng giá cho các nhà sản xuất phim độc lập trong nước. Chị có điều gì muốn chia sẻ với các nhà làm phim trẻ trong nước, về những kinh nghiệm để được nhận cơ hội hỗ trợ hợp tác từ các công ty nước ngoài không?

Đạo diễn Hoàng Điệp: Trước khi nghĩ đến việc tìm cơ hội ở đâu và tìm như thế nào, sử dụng cơ hội ra sao… tôi muốn chắc chắn rằng các bạn biết rõ mình là ai, ở đâu và có thể làm gì.

Nếu bạn chỉ mang câu hỏi đến thì tôi không thể đưa bạn câu trả lời vì tôi biết nó rất vô nghĩa. Nếu bạn có kịch bản, có dự án, có tài năng và tâm huyết, câu trả lời của tôi không nằm trong một vài trang báo được. Nó có kế hoạch khá cụ thể, tôi sẵn lòng chia sẻ, như những bài học, cách thức chứ không phải lời khuyên hay… mấy câu “Never give up” bạn vẫn nghe trên phim.

Và cũng nên cân nhắc khi nghĩ rằng việc sản xuất phim chỉ trông chờ ở các khoản tài trợ hay các quỹ nước ngoài. “Đập cánh giữa không trung” là một ví dụ rất rõ ràng về sự hợp tác minh bạch, công bằng và bạn hữu. Đừng đem cơ chế xin-cho từ đâu đó bỏ vào mô hình hợp tác sản xuất phim độc lập của chúng tôi.

- Vâng, tôi tin rằng các đạo diễn trẻ sẽ phải suy nghĩ nhiều về những gì chị vừa nói. Không hiểu sao, nghe chị bày tỏ quan điểm làm nghề như vậy, tôi lại nhớ đến hình ảnh một nữ đạo diễn trẻ có lối trang phục khá “mô phạm,” với những chiếc váy liền dài chấm gót chân và “kín cổng cao tường” là chị mà tôi gặp ở các sự kiện.

Tôi có cảm giác chị là người phụ nữ cổ điển và có phần hơi bảo thủ. Chỉ là cảm giác vậy thôi, không biết điều đó có đúng không?

Đạo diễn Hoàng Điệp: Tôi không biết phụ nữ cổ điển có bảo thủ không. Nhưng tôi biết mình là đứa cứng đầu, cực đoan và luôn tuân theo cái đúng, tất nhiên phải là cái đúng hợp với mình (cười).

Trang phục thì tôi vốn yêu áo dài nên tôi thường lựa chọn áo dài trong mọi hoạt động có phần trang trọng hoặc… phù phiếm. Với sự kiện trang trọng, áo dài mang màu sắc quốc gia lại có gì đó giống như là truyền thống. Với sự kiện phù phiếm, áo dài lại có vẻ mới lạ, phóng khoáng và bay bổng theo kiểu nữ tính Á Đông.

Và cái hay nhất là áo dài đơn giản, không cướp thời gian của tôi. Cứ mặc, chả cần mất công lật hàng chục cuốn catalogue để lựa chọn. Tôi thấy mình ổn là tôi sẽ thoải mái và xinh tươi, chứ tôi mà phải làm nô lệ cho cái váy, cái áo nào là tôi thà mặc pijama lên thảm đỏ rồi về khách sạn ngủ luôn cho đỡ mệt đầu.

- Tôi nghĩ ở Việt Nam có rất ít đạo diễn trẻ độc lập làm được như chị. Và tôi cũng tin nhờ giữ được sự "cứng đầu, cực đoan" ấy ở giữa showbiz Việt mà chị đã thành công như bây giờ. Sau “Đập cánh giữa không trung” chị đã có thêm dự án nào mới chưa?

Đạo diễn Hoàng Điệp: Năm 2015, bạn sẽ thấy điện ảnh độc lập cực nhiều tin vui. Sắp rồi.

Về tôi, sau “Đập cánh” tôi đang bắt đầu viết kịch bản phim thứ hai “Câu chuyện buồn nhất thế gian.” Trong thời gian chờ đợi kịch bản được hoàn thành thì tôi sẽ sản xuất phim cho nhà làm phim “trẻ” Síu Phạm – một dự án hết sức thú vị và thực sự thuyết phục.

Chúng tôi đã có những khởi đầu hết sức tốt đẹp, nhưng vẫn phải giữ bí mật theo yêu cầu của ban tổ chức. Nên chỉ có thể nói rằng, 2015 mở đầu rất tuyệt!

- Cảm ơn về những chia sẻ của chị và chúc những dự án sắp tới của chị thành công.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục