Gặp đạo diễn Bùi Tuấn Dũng giúp tôi giải mã sự “có duyên” của anh với dòng phim chiến tranh. Là thế hệ đạo diễn 7X nhưng dường như tất tật nơi anh đều thuộc về thời chiến. Từ ngoại hình, phong cách rất ư “lính tráng”, tính cách hào hoa, dí dỏm đến cả phẩm chất cũng đặc sệt của một người lính.
Vì thế, chẳng ai mảy may thấy “choáng” trước danh sách phim chiến tranh thuộc “hàng khủng” của Dũng, mà toàn phim đoạt giải cao cả ở trong và ngoài nước. Nào là “Đường thư,” “Những người viết huyền thoại,” và sắp tới là “Đường lên Điện Biên…;” trong đó “Đường lên Điện Biên” dự kiến sẽ được phát sóng khung “giờ vàng” VTV1 đúng dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thường trực nụ cười ngạo nghễ, Bùi Tuấn Dũng tưng tửng đến độ: “Em biết không, phim anh làm vui lắm, chưa lên sóng đã hot cực kỳ. Nào là phim có kinh phí khủng nhất của VTV, phim sẽ hốt bạc vì chiếu khung 'giờ vàng,' phim hốt giải vì là phim ‘cúng cụ’… Đủ thứ 'tào lao' như thế nhưng nếu kéo được khán giả xem phim thì mình cũng chẳng chùn bước đâu.”
- Sau “Đường thư” rồi “Những người viết huyền thoại” và sắp tới là “Đường lên Điện Biên,” thật hiếm có đạo diễn nào có duyên với phim chiến tranh và làm phim chiến tranh “phong độ ổn đỉnh” như anh đấy?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Tôi thì nghĩ chẳng đến mức đó đâu, làm nhiều cũng đến lúc… sợ chứ! Nhưng có lẽ do phim đầu tay của tôi là chiến tranh. Làm phim cũng giống chuyện đời mà, tình đầu là tình cuối (cười). Thế nên nhiều người “ám” tôi rằng chắc cả sự nghiệp tôi chỉ làm về phim chiến tranh thôi. Đúng như mọi người thường nói, mối tình đầu thường để lại dấu ấn sâu đậm, thế nên bộ phim đầu tay “Đường thư” chưa phải là thành công nhưng chục năm rồi vẫn được chiếu lại và sống động trong tôi như mới ngày hôm qua.
- Ngoài ra cũng không thể không nhấn mạnh, anh còn là đạo diễn “có duyên” với giải thưởng. Tôi cũng quên mất, chưa chúc mừng anh khi “Nhưng người viết huyền thoại” vừa đoạt giải đặc biệt Cánh Diều Vàng…
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Giải đặc biệt cũng có nghĩa là không có giải gì… Nếu biết chỉ mình phim chiến tranh của tôi chắc chắn tôi đã chẳng tham gia.
- Nghe ra thì đúng là anh có vẻ “phật ý” nhưng rõ ràng như anh nói phim giờ toàn “hài nhảm” thì “Những người viết huyền thoại” càng xứng đáng vinh danh về đề tài cũng như giá trị lịch sử, nhân văn đấy chứ? Tôi nghĩ nó cũng ít nhiều kích thích những người làm nghề như anh đào sâu vào đề tài khó như chiến tranh?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Đối với tôi, giải thưởng đã từ lâu không còn đem lại “cảm giác mạnh” nữa.
- Là đạo diễn thuộc thế hệ 7X, rõ ràng là thế hệ đứng ngoài lề cuộc chiến. Rất nhiều người tò mò yếu tố chiến tranh thẩm thấu vào Bùi Tuấn Dũng bằng cách nào. Vì thích hay chính bởi anh là con nhà lính?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Cả hai điều đó thì có nghĩa là đủ. Nhà tôi có sáu người, mỗi mình tôi theo nghệ thuật, cha mẹ và ba người chị đều là những sĩ quan quân đội. Chiến tranh và cuộc đời binh trận đã chảy vào máu của mình như thế chăng? Sống trong một pho tư liệu sống, chiến tranh thẩm thấu vào tôi từ những câu chuyện hằng ngày. Nỗi đau chiến tranh là những vết thương cứ nổi cơn, dữ dội trên cơ thể bố mẹ tôi và bạn bè đồng đội của họ.
Với nghề nghiệp của mình, từ tình cảm với quá khứ, phim chiến tranh đến với tôi cũng thật tình cờ. Cũng không biết mình chọn "nó" hay "nó" chọn mình. Chỉ biết phim đầu tay đã là phim về chiến tranh. Cứ thế, những phim tiếp… rồi trở nên có niềm đam mê với "nó," và cứ làm hoài không thấy chán.
Nhiều người cũng hỏi vì sao tôi thích làm phim chiến tranh đến thế sao mà biết được! Chắc vì đó là thể loại nhiều người không làm. Cũng có thể là nhiều người không thích làm hoặc không dám làm. Họ ngại, họ sợ một điều gì đó…
- Chỉ vì lý do lãng xẹt thế thôi sao?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Chỉ thế thôi, quá vớ vẩn phải không (cười)? Phim là vậy, chỉ là hư cấu nhưng phải làm sao giống y như thật.
Bạn biết không, khi tôi làm phim chiến tranh, có những cảnh quay tưởng cũng "vớ vẩn" thôi nhưng lại được thán phục vô cùng. Rồi quá trình quay, pháo nổ, đạn vèo phải làm sao trông nguy hiểm nhưng vẫn an toàn. Bạn xem phim chiến tranh rồi, nếu nhìn thấy an toàn thì không còn là phim nữa. Nó không ác liệt, nguy hiểm thì không thấy sướng. Đó là điều khiến tôi thích thú.
Phim chiến tranh cũng… hấp dẫn
- Thích đến thế, liệu anh có định “chung thân” với dòng phim chiến tranh không, dù thể loại này được cho là “khó nhằn” và được xếp vào phim “kỷ niệm” vì kén khán giả vào bậc nhất?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Ấy, đừng vội “đóng đinh” tôi vào phim chiến tranh, mọi người cười cho... Tôi vẫn chỉ là “ngựa non” và còn biết bao "cây đa, cây đề" ngoài kia.
Thứ hai, tôi thấy người Việt Nam mình có thói quen chưa xem phim đã tự dự đoán phim chán, khô cứng rồi. Đôi khi tôi có cảm giác người Việt Nam hiện đại bây giờ hay lãng quên tất cả, lãng quên quá khứ. Quá khứ thì không bao giờ được phép quên, trong khi thế giới, những nước lớn luôn nhìn về chúng ta với con mắt kinh ngạc và thán phục.
Tôi cũng nghe mọi người "lao xao" phim “Đường lên Điện Biên” có kinh phí “khủng” vì là phim “cúng cụ.” Đó chính là vấn đề của chúng ta, cứ mải "lao xao" mà không chịu bỏ thời gian xem phim. Lịch sử của nước mình nhưng chúng ta có tâm với nó đâu?
Cho nên muốn nói gì, khen hay chê hãy cứ đợi phim lên sóng và xem đã. Phim chiến tranh nó không hề khô cứng. Phim chiến tranh cũng hài hước và đầy hấp dẫn. Vấn đề còn ở chỗ chúng ta còn yếu kém khâu quảng bá cho phim thành ra giới trẻ có vẻ nhiệt thành hưởng ứng.
- Khi làm “Đường lên Điện Biên,” điều anh bị ám ảnh là gì?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Tôi luôn bị ám ảnh từ cảnh quay đầu tiên đến ngày cuối cùng. Bao giờ cũng thế. Khi làm phim tôi luôn đặt tâm thế của mình vào người trong cuộc, sống cùng nhân vật, thời đại đó.
"Đường lên Điện Biên" làm trong giai đoạn tháng Mười Hai đến tháng Năm nên cũng thuận lợi vì thời tiết lạnh. Thế nhưng, trong quá trình quay, các diễn viên cũng rất vất vả vì khi pháo nổ, bụi than nổ ập vào người tối tăm mặt mũi. Diễn viên nước ngoài khổ lắm vì khi vào rừng phải chấp nhận sinh hoạt với người dân bản. Hàng tuần không được tắm rửa tử tế là chuyện bình thường...
Bạn biết dấy, đặc thù phim chiến tranh diễn viên quần chúng lên đến vài trăm người. Khi chúng tôi lên bản, việc casting (thử vai) khá vất vả vì thiếu nữ ở đó giờ nhuộm tóc vàng, đỏ hết cả trông cứ như tây lai khiến chúng tôi mất rất nhiều thời gian và công sức để hóa trang. Vui lắm… (cười)
“Ngựa chiến thì đừng để ý cỏ gai”
- Nói đi phải nói lại, tôi thấy vấn đề mấu chốt vẫn ở chất lượng phim. Trong khi phim chiến tranh thế giới luôn được xếp vào hạng “bom tấn”, thậm chí đoạt giải Oscar thì ở ta biết bao bộ phim cũng được quảng cáo ầm ĩ nhưng khi mang ra rạp thì chẳng ai xem. Đấy là chưa kể nhiều phim chiến tranh làm xong với kinh cả triệu đô cũng chịu chung tình trạng “đắp chiếu”?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Vấn đề là nếu có tiền và thời gian thì phim của ta cũng chẳng kém cạnh đâu. Tôi dám nói là như thế! Cách đây hai năm thôi, nếu bạn hỏi câu này tôi chẳng dám khẳng định như thế. Giờ thế giới phẳng rồi, công nghệ và kỹ thuật mình đều đã biết cả.
Bên cạnh đó, chúng ta không đủ cho mình một dòng phim cho giới tri thức. Nhìn đi nhìn lại mỗi năm chỉ vỏn vẹn 1, 2 phim ra chiếu rạp. Và chỉ mình Victor Vũ không thể làm nổi cho giới tri thức Việt Nam xem. Nếu ra rạp đủ nhiều, tôi chắc rằng phim chiến tranh, hay những đề tài tưởng khô cứng cũng sẽ kéo được khán giả đến rạp.
Nhìn ra thế giới mà xem, phim chiến tranh của họ còn đoạt cả Oscar, đều là phim “bom tấn”. Trong khi phim của mình nhìn tới nhìn lui, toàn những phim dành cho tuổi teen, hài nhảm.
- Bây giờ nếu chọn điều ước để hưng chấn được nền điện ảnh chúng ta, anh ước điều gì?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Mơ mộng thì sẽ lại hài nhảm mà thôi. Tôi thật sự muốn tập hợp một số người thành nhóm làm riêng phim chiến tranh. Đó là đề tài muôn thuở và luôn mới.
Vì trong cuộc chiến, giữa lằn ranh sinh tử thì thường mọi sự thật sẽ được phơi bày. Tôi thích những tình huống đẩy con người vào thời khắc quyết định. Khi đó, tính người và tính nhân văn mới được bộc lộ sâu nhất. Và tôi nghĩ nếu những người giỏi cùng làm thì sẽ làm ra những thước phim có giá trị.
- Anh có thể tiết lộ đôi chút về bộ phim sẽ được bấm máy vào tháng 7 tới được không?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: Đó là phim nhựa về người thanh niên lập quốc, cha đẻ đất nước này…
- Lại một phim về đề tài chính trị. Anh biết không, đề tài chính trị mới nghe đã hấp dẫn rồi, nhưng cũng khó ghê lắm. Tôi nhớ cách đây mấy năm dự án phim “Thủ tướng” của Lê Hoàng cũng được kỳ vọng nhưng đến giờ vẫn chưa thấy động tíĩnh gì?
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng: "Ngựa chiến" mà cứ để ý đến những "cỏ gai" dưới chân thì sao chạy được đường dài. Thảo nguyên thì mênh mông mời gọi (cười)…
Xin chân thành cảm ơn anh vì những chia sẻ thú vị!