"Long thành cầm giả ca"

Đào Bá Sơn: Gửi niềm thương nhớ đất Thăng Long

Đào Bá Sơn làm “Long thành cầm giả ca”- phóng tác từ bài thơ của thi hào Nguyễn Du để gửi niềm "thương nhớ đất Thăng Long."
“Long thành cầm giả ca” do Hãng phim Giải Phóng sản xuất, NSƯT Đào Bá Sơn làm đạo diễn vừa hoàn tất. Sắp tới, Bộ phim sẽ “về” Hà Nội mừng Đại lễ.

Phóng viên Vietnam+ đã có cuộc phỏng vấn đạo diễn-NSƯT Đào Bá Sơn xung quanh việc thực hiện bộ phim “Long thành cầm giả ca”, mong phần nào giúp bạn đọc biết về tác phẩm điện ảnh mừng Đại lễ và nhà đạo diễn tài ba này.

- Thưa đạo diễn Đào Bá Sơn, anh thấy mình bị thử thách hay là may mắn nhiều hơn khi được giao làm “Long thành cầm giả ca”? Bởi kịch bản bộ phim của tác giả Văn Lê đã đoạt giải nhất cuộc thi viết về 1.000 năm Thăng Long (do Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch và UBND TP. Hà Nội tổ chức)?

Đạo diễn Đào Bá Sơn:
Cả hai. Cả may mắn lẫn thử thách. Thách thức lớn nhất đối với tôi là cái cách kể câu chuyện này như thế nào? Chọn cái gì và dựng cái gì trước máy quay? Điều quan trọng là tạo cho nó có linh hồn Việt.

- Theo dự kiến phim sẽ chính thức bấm máy vào tháng Mười tới để kịp tiến độ giao phim vào tháng 6-2010 nhưng đến tháng Tám này mới hoàn tất để duyệt phim, vậy hẳn là đã có rất nhiều khó khăn trong quá trình làm phim, anh có thể nêu ra những trở ngại lớn mà mình cùng đoàn làm phim đã phải vượt qua?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: “Long thành cầm giả ca” được phóng tác từ bài thơ cùng tên của đại thi hào Nguyễn Du. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải giữ và phát triển được cái hồn, cái cốt, cái hay của bài thơ. Câu chuyện về một nhà thơ và một cô ca kỹ trải dài gần 30 năm trên cái phông nền lịch sử đầy biến động và phức tạp cuối Lê đầu Nguyễn.

Phóng tác nhưng vẫn phải trung thành với những giá trị hiện thực lịch sử. Tôi học người Trung Quốc và người châu Âu cái cách làm đẹp lịch sử, tức là làm đẹp dân tộc mình, văn hóa của mình. Cái đẹp của hiện thực được nâng lên.

Cái đẹp của con người đối với con người. Đó là văn hóa. Ý và tứ này đều có trong bài thơ của cụ. Triều đại nhà Lê qua đi, loạn lạc rồi cũng qua đi. Quân Thanh xâm lược rồi cũng sẽ bị tiêu diệt. Nhà Tây Sơn rực rỡ rồi cũng qua đi... Nhưng tiếng đàn của cô Cầm thì còn mãi mãi với Long Thành, với thời gian.

- Việc đã từng làm phim tài liệu thành công như “Đám mây không dừng lại”, từng là diễn viên sân khấu, từng là người con sống giữa lòng Thủ đô… tất thảy đã đem tới cho anh những thuận lợi cụ thể thế nào khi làm phim “Long thành cầm giả ca”?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Rồi lại phải rời xa Hà Nội. Nhưng, những ký ức xưa vẫn đầy ắp trong tôi. Tôi thích và yêu sử có lẽ từ cha tôi. Thuở bé học một buổi còn một buổi phải đọc chuyện cho cha tôi nghe. Cả lịch sử, cả kiến hiệp lẫn trinh thám...

Cha tôi đặc biệt thích đô đốc Long và ông hay kể về trận đánh đồn Khương Thượng (cũng có thể Khương Thượng là quê nội của tôi). Ông bảo: Có hai đồn được xây dựng như hai chiến lũy để bảo vệ phía nam Thăng Long là đồn Văn Điển và đồn Khương Thượng.

Thuở ấu thơ gắn bó với cài ao đình làng cùng với rạng muỗm cao lớn, cái cổng làng cũ kỹ, cái mái đình cong cong cùng ông Từ Gỏng hay cho chúng tôi xôi oản... Lũ chúng chúng tôi hay vào quậy phá lăng Hoàng Cao Khải. Nhưng luôn sợ hãi những pho tượng bằng đá uy nghi xếp hai hàng trước cái hồ bán nguyệt phủ đầy rêu phong... Rồi, lễ hội gò Đống Đa hàng năm.

Mười ba tuổi theo mẹ về sống ở Khương Hạ. Lớp học ngay sau đình làng... Tôi lớn lên với tô canh ốc, miếng chả nhái làng Khương Thượng cùng quả cà muối với trái ổi làng Khương Hạ... Tôi nghĩ rằng thuận lợi đầu tiên khi làm phim về Long Thành là tôi yêu Hà Nội.

- Anh đã thực hiện bộ phim như thế nào, xin anh rút gọn quá trình làm phim trong một vài chặng lớn để khán giả có một sự hình dung nào đó? Xin kể về một vài kỷ niệm đặc biệt khi anh cùng đoàn phim thực hiện các cảnh quay?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Chúng tôi chuẩn bị gấp rút trong bốn tháng. Hành quân bằng tám xe hơi từ trong Nam ra Bắc. Quay ở bảy tỉnh trong hai tháng mùa đông. Quay bằng phim Kodak, in, tráng và ra bản đầu phim tại Thái Lan.

- Anh hãy tiết lộ về các diễn viên cho bộ phim? Ai sẽ đóng vai Tố Như (Nguyễn Du), và ai vào vai người con gái đánh đàn ở Thăng Long? Anh hài lòng về họ ở mức độ nào?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Quách Ngọc Nam đóng vai Tố Như, Nhật Kim Anh đóng vai cô Cầm cùng rất nhiều các nghệ sĩ như Bùi Bài Bình, Trần Lực, Trần Hạnh, Đỗ Kỷ v.v... Tôi cho rằng họ đã hoàn thành khá hay nhân vật của mình. Nếu còn nhân vật nào chưa tốt, chưa hay thì lỗi đó thuộc về tôi.

- Điều khiến anh lo lắng nhất khi bộ phim “Long thành cầm giả ca” vào duyệt?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Tôi tin hội đồng duyệt sẽ có cảm tình với bộ phim.

- Ngoài việc làm phim này là nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang, đây còn là một tác phẩm điện ảnh mà anh trả nghĩa với Thủ đô Hà Nội nơi “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.” Cho dù nhiều năm qua, anh đã sống mỗi ngày nơi Thành phố Hồ Chí Minh ngập tràn ánh nắng?

Đạo diễn Đào Bá Sơn: Chúng tôi làm bộ phim này với thái độ tạ ơn Thăng Long. Cố gắng tạo được những cảm xúc đẹp từ bộ phim và để nó sẽ mang một ý nghĩa nào đó. Mong được như một viên gạch góp phần vào xây dựng kỷ niệm Đại lễ một nghìn năm Thăng Long.

- Xin trân trọng cảm ơn đạo diễn!


Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục