Dành ưu tiên cao nhất cho việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine

Sinh sống xa quê hương trong nhiều năm, lại hồi hương trong một hoàn cảnh đặc biệt nên khi về nước, hầu hết kiều bào Việt tại Ukraine đều không giấu nổi cảm xúc nghẹn ngào, vỡ òa hạnh phúc.
Dành ưu tiên cao nhất cho việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine ảnh 1Nhiều kiều bào trở về nước không kịp làm hộ chiếu được lực lượng chức năng hướng dẫn thủ tục nhập cảnh tại Sân bay Nội Bài. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Từ ngày 24/2, tình hình xung đột vũ trang ở Ukraine diễn biến phức tạp, nhanh chóng lan rộng trên lãnh thổ Ukraine, đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, tài sản của người dân, doanh nghiệp trong đó có khoảng 7.000 người Việt Nam đang cư trú tại Ukraine, chủ yếu là Kharkov, Odessa và thủ đô Kiev cùng một số nơi khác.

Trong tình hình phức tạp đó, ngay từ rất sớm, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định một trong những quan tâm hàng đầu và dành ưu tiên cao nhất là bảo đảm an ninh và an toàn về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan.

Cảm động và biết ơn là cảm xúc chung của hầu hết bà con người Việt khi được trở về đất mẹ Việt Nam thân yêu trên các chuyến bay bảo hộ công dân do Nhà nước chi trả toàn bộ chi phí, hạ cánh an toàn xuống Sân bay quốc tế Nội Bài, thủ đô Hà Nội trong các ngày 8 và 10/3. Đó chính là minh chứng sống động khẳng định tinh thần nhân đạo, trách nhiệm rất cao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đối với đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trong bối cảnh khủng hoảng, chiến sự ở nước sở tại.

Bảo hộ công dân từ sớm

Trước các diễn biến căng thẳng tại Ukraine, ngay trong các phát biểu đầu tiên nêu quan điểm của Việt Nam về cuộc khủng hoảng này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine trong những ngày qua đã thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine để nắm tình hình bà con, đồng thời tích cực xây dựng các kế hoạch để sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết. Đại sứ quán đã cử cán bộ trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24, sẵn sàng tiếp nhận thông tin."

Tiếp đó, ngày 24/2, ngay trong ngày chiến sự nổ ra ở Ukraine, Thường trực Ban Bí thư đã có văn bản chỉ đạo, trong đó có yêu cầu về bảo hộ công dân Việt Nam. Điều này cho thấy đây là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 201/CĐ-TTg về việc bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam và một số vấn đề cần lưu ý trước tình hình tại Ukraine. Thủ tướng chỉ đạo bảo đảm an ninh và an toàn cao nhất về tính mạng, tài sản, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công dân và pháp nhân Việt Nam ở Ukraine và các nơi có liên quan, đồng thời xây dựng phương án sơ tán công dân và thành viên cơ quan đại diện ở Ukraine khi cần thiết và triển khai hỗ trợ về nơi ở, lương thực, thực phẩm thiết yếu và các điều kiện cần thiết khác.

Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, ngày 3/3, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh làm tổ trưởng.

Cùng ngày, trước những diễn biến phức tạp do xung đột vũ trang ở Ukraine, ảnh hưởng tới người dân Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại đây, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Ngoại giao, Chính phủ đã phê duyệt chủ trương tổ chức chuyến bay đưa người Việt có nhu cầu về nước.

Chiều 6/3, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp, nghe Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng báo cáo về vấn đề bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine. Chủ tịch nước đề nghị Bộ Ngoại giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hữu quan thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, có phương án triển khai cụ thể, quan trọng nhất là đưa kiều bào ra khỏi vùng chiến sự an toàn.

"Tinh thần nhân đạo, trách nhiệm là việc rất cấp thiết hiện nay," "máu chảy ruột mềm," Chủ tịch nước nói và yêu cầu cần thực hiện tốt Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới. Do đó, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành dành ưu tiên cao nhất cho công tác này, nhất là trong lúc chiến sự đang diễn ra.

Tiếp đó sáng 7/3, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề liên quan đến khủng hoảng tại Ukraine đã chủ trì cuộc họp triển khai nhiệm vụ với các bộ, ngành liên quan.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh do tình hình cấp bách, công tác bảo hộ công dân cần được đặc biệt quan tâm với tinh thần hết sức khẩn trương, kịp thời, trước mắt là hỗ trợ sơ tán sang các nước có chung đường biên giới và tổ chức chu đáo 2 chuyến bay đầu tiên đưa những công dân có nguyện vọng về nước (theo kế hoạch vào ngày 8/3 từ Romania và ngày 10/3 từ Ba Lan).

[Niềm xúc động được trở về quê hương của kiều bào sơ tán từ Ukraine]

“Đây là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, vì vậy các bộ, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện đúng nguyên tắc công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng đối tượng, bảo đảm phòng dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế," Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ.

Ngoài ra, căn cứ nhu cầu thực tiễn số lượng người Việt Nam sơ tán từ Ukraine sang các nước láng giềng có nhu cầu về nước, Chính phủ sẽ xem xét triển khai thêm các chuyến bay sơ tán tiếp theo.

Ngày 8/3, theo Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Romania đề nghị Romania hỗ trợ nhân đạo, bố trí nơi ăn ở, chăm sóc y tế cho người Việt và gia đình sơ tán từ Ukraine sang Romania những ngày vừa qua, đồng thời đề nghị tiếp tục hỗ trợ các gia đình Việt Nam từ Ukraine sang Romania trong thời gian tới.

Trước đó vào ngày 7/3, tại buổi tiếp đại biện Đại sứ quán Ba Lan tại Hà Nội Maciej Duszynski, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đề nghị phía Ba Lan hỗ trợ, cung cấp nơi tạm trú cho các công dân Việt Nam đang tiếp tục đến Ba Lan từ Ukraine, tạo thuận lợi trong việc thu xếp các chuyến bay; đồng thời xem xét cho phép những người Việt Nam định cư lâu dài tại Ukraine được tiếp tục ở lại Ba Lan cho đến khi điều kiện cho phép quay trở lại Ukraine.

Đại biện Maciej Duszynski khẳng định Chính phủ Ba Lan đã và đang tạo điều kiện cho công dân các nước trong đó có công dân Việt nam đến Ba Lan từ Ukraine và hỗ trợ tối đa phía Việt Nam trong tổ chức các chuyến bay sơ tán về Việt Nam.

Và với sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ; sự vào cuộc quyết liệt, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan, cơ quan đại diện Việt Nam ở Ukraine và các nước xung quanh, chỉ trong một thời gian rất ngắn, hai chuyến bay bảo hộ công dân đưa gần 600 kiều bào về nước an toàn, tạo cơ sở để tổ chức có những chuyến bay bảo hộ công dân tiếp theo.

Chiến dịch bảo hộ công dân đặc biệt

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang “chiến dịch” đưa công dân Việt Nam ra khỏi vùng chiến sự tại Ukraine lần này có nhiều điều đặc biệt, dù đây không phải lần đầu tiên sơ tán công dân trên quy mô lớn.

Đầu tiên, phần lớn người Việt ở Ukraine đã sống, định cư lâu dài và có nhiều tài sản nên việc rời đi là không dễ dàng. Trên thực tế, vẫn còn số ít người Việt ở lại Ukraine để trông coi tài sản. Hiện, Bộ Ngoại giao vẫn giữ liên lạc với những công dân này để nắm tình hình, khi cần thiết sẽ kịp thời hỗ trợ. Điểm đặc biệt thứ hai là các cơ quan chức năng của Việt Nam phải trao đổi trực tiếp với nước sở tại để tạo hành lang an toàn cho công dân di chuyển.

Dành ưu tiên cao nhất cho việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine ảnh 2Lực lượng chức năng hướng dẫn kiều bào làm thủ tục nhập cảnh tại Sân bay Nội Bài. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Thứ trưởng cũng cho biết Bộ Giao thông vận tải ngoài việc bố trí chuyến bay, cũng tổ chức các phương tiện để bà con di chuyển về nơi cư trú. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có công văn gửi cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho bà con ổn định cuộc sống, hoà nhập và tính thêm các bước trong tương lai. Bộ Y tế cũng có công văn thông báo bà con đã khai báo PC-Covid, khai báo sức khỏe và có thể về nơi cư trú không phải cách ly tập trung.

Theo nguyện vọng của công dân, Bộ Ngoại giao tiếp tục kiến nghị lên các bộ, ngành liên quan, tổ công tác đặc biệt và Chính phủ để tiếp tục tổ chức những chuyến bay đưa công dân về nước an toàn thời gian tới.

Những chuyến bay ấm áp nghĩa đồng bào

Do sinh sống xa quê hương, đất nước trong nhiều năm, lại hồi hương trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt nên khi may mắn có mặt trên các chuyến bay bảo hộ công dân đầu tiên về nước, hầu hết kiều bào đều không giấu nổi cảm xúc nghẹn ngào, vỡ òa hạnh phúc.

"Cảm xúc của tôi bây giờ cũng như toàn bộ những người được trở về trên chuyến bay bảo hộ công dân đầu tiên từ Romania về Hà Nội thực sự rất cảm động và biết ơn. Được có mặt tại quê hương mình, tại nước Việt Nam thân yêu, tôi thực sự rất biết ơn các cơ quan, ban, ngành, Bộ Ngoại giao cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đã tạo điều kiện giúp đỡ để đón các công dân về nước. Và vinh dự nhất là chúng tôi được bay trên chuyến bay bảo hộ công dân đầu tiên để trở về Việt Nam. Cảm xúc của tôi không biết nói gì hơn ngoài sự biết ơn, thực sự là xúc động."

Đó là những lời chia sẻ đầy xúc động, hạnh phúc của chị Vũ Thị Vân (quê gốc Nghệ An, 30 tuổi, làm nghề kinh doanh buôn bán ở chợ đầu mối tại Odessa) và cũng là của hầu hết 287 kiều bào hồi hương trên chuyến bay VN88 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khởi hành từ thủ đô Bucarest của Romania, hạ cánh an toàn xuống Sân bay Quốc tế Nội Bài, Hà Nội vào trưa 8/3.

Chị Vân cho biết bà con sơ tán khỏi Ukraine trong điều kiện vô vàn khó khăn, khắc nghiệt khi phải vượt qua vùng chiến sự bom rơi, đạn nổ, dưới cái lạnh của bão tuyết, nhiệt độ dưới âm độ C. Trong đoàn người sơ tán có nhiều người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Bối cảnh như vậy, khiến cảm xúc mọi người rất hỗn loạn, ở hay là về, rất trăn trở. Nhưng rồi giữa lúc tâm trạng rối bời, bất an, bà con kiều bào đã nhận được những hỗ trợ rất kịp thời, đầy ắp nghĩa đồng bào từ các cơ quan, ban, ngành Việt Nam và hội đoàn thiện nguyện ở nước sở tại.

"Trong quá trình ở Moldova và Romania, các cơ quan, ban, ngành Việt Nam và hội thiện nguyện của nước sở tại rất tạo điều kiện cho những người Việt. Họ giúp đỡ rất nhiệt tình, từ chỗ ăn, chỗ ở. Mặc dù có thể không được như nhà mình, nhưng trong hoàn cảnh như thế, chúng tôi cảm thấy rất ấm áp và đặc biệt là có sự quan tâm của Bộ Ngoại giao, của các cơ quan chức năng, cũng như Đại sứ quán Việt Nam ở Romania, bà con cảm thấy rất ấm áp và vinh dự được bay chuyến bay bảo hộ công dân đầu tiên từ Romania trở về Việt Nam đoàn tụ với gia đình, quê hương," chị Vân xúc động nói.

Trở về đất nước sau chuyến bay dài từ thủ đô Warsaw của Ba Lan, bà Trần Thị Lũy (65 tuổi) và chồng (70 tuổi) quê Hải Phòng không giấu nổi sự mệt mỏi. Chia sẻ với phóng viên, bà Lũy cho biết bà sang Ukraine từ năm 1989, kinh doanh tại thành phố Kharkov. Sinh sống và làm việc tại Ukraine trong hơn 30 năm, hai vợ cồng bà Lũy không nghĩ mình sẽ trở về Việt Nam trong một hoàn cảnh đặc biệt thế này.

Bà Lũy cho biết trong quá trình từ Ukraine sang Ba Lan, bà nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt cũng như các cơ quan đại diện tại đây, từ chỗ ở đến đồ ăn thức uống.

“Khi biết tin được về Việt Nam đợt này tôi rất phấn khởi. Về Việt Nam, chúng tôi bỏ lại hết nhà cửa hàng hóa, không còn 1 đồng nào, trắng tay. Tiền bạc hàng hóa để ở chợ không dám quay lại lấy. Từ Kharkov đến biên giới Ba Lan, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, mất hơn 1 ngày để xếp hàng tại cửa khẩu sang Ba Lan, tuyết vẫn rơi, đôi bàn chân chuột rút vô cùng mệt mỏi, chúng tôi không muốn quay lại hành trình này nữa," bà Lũy chia sẻ.

Bà cho biết vợ chồng bà mất 2 ngày 2 đêm để qua được Ba Lan dưới trời mưa tuyết vô cùng vất vả. Bà Lũy cho biết bà con người Việt ở Ukraine vẫn còn rất đông. Đây là chuyến bay nhân đạo nên ưu tiên người già và trẻ em.

“Công tác tổ chức rất tốt, các cơ quan đều rất chu đáo, chúng tôi rất vui mừng và hài lòng," bà Lũy nói.

Dành ưu tiên cao nhất cho việc bảo hộ công dân Việt Nam tại Ukraine ảnh 3Niềm vui khôn xiết của những người đón được người thân trở về. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Tính đến 16 giờ ngày 9/3/2022, các cơ quan đại diện đã đón gần 4.000 người Việt đã được sơ tán khỏi vùng chiến sự tại Ukraine, trong đó: hơn 2400 người tại Ba Lan; khoảng 830 người tại Romania; 560 người tại Hungary; hơn 100 người tại Slovakia.

Trong trường hợp cần hỗ trợ hoặc có nhu cầu sơ tán khỏi khu vực chiến sự, về nước, người Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận có thể liên hệ, đăng ký thông tin với Bộ Ngoại giao hoặc các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước

Như vậy, thời gian tới, sẽ còn có thêm nhiều chuyến bay đưa người Việt tại Ukraine về nước, và những giọt nước mắt hạnh phúc của sự đoàn tụ sẽ vẫn tiếp tục rơi. Đó là những hình ảnh đẹp, cảm động, là “trái ngọt” xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của một Việt Nam “tương thân, tương ái”, nghĩa tình - thứ đã tạo nên phẩm chất cao đẹp, sức mạnh nội sinh của dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục