Đánh thuế tài sản: Không thể cào bằng nhà giàu với nhà nghèo

Có chuyên gia đã cho rằng, nếu thuế tài sản được áp dụng, không nên tách rời nhà và đất cũng như phải có biểu thuế lũy tiến để tránh bất công.
Đánh thuế tài sản: Không thể cào bằng nhà giàu với nhà nghèo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, nếu thuế tài sản được áp dụng, không nên tách rời nhà và đất cũng như phải có biểu thuế lũy tiến để tránh bất công.

Ông Đức nêu lên quan điểm trên tại hội thảo “Thuế tài sản và một số gợi ý chính sách cho Việt Nam” tổ chức chiều 26/6 tại Hà Nội.

Ông Trương Thanh Đức cho rằng, việc đánh thuế tài sản trước hết phải dựa trên cơ sở là khả năng nộp thuế, nguồn thu của người nộp thuế. Theo ông, thuế tài sản nên được hiểu là “có ít tài sản thì không nên đánh thuế.”

Nếu đánh thuế, vị luật sư cũng nêu quan điểm, không nên tách rời nhà và đất như trong dự thảo.

Hiện tại, dự thảo của Bộ Tài chính về thuế tài sản có đề xuất mức thuế với nhà là 0,4% (ngưỡng không chịu thuế đối với nhà là 700 triệu đồng) và với đất cũng là 0,4%.

Ông Đức cho rằng, nên đánh thuế ở mức thấp và có biểu thuế lũy tiến, có thể gấp 5-10 lần mức khởi điểm với người có nhiều tài sản. Ông lấy ví dụ về mức thuế thấp nhất có thể là 0,1% và với người có nhiều tài sản ít nhất là 1%.

Vị luật sư cũng đặt ra trường hợp, cơ quan chức năng nên để mức thuế suất thấp, khoảng 0,1% và đưa luôn vào luật, mức thuế có thể tăng lên 0,3%-0,4% sau 10 năm.

Ông khẳng định, không nên cào bằng giữa người có thu nhập cao và thu nhập thấp. “Như thế là không công bằng và không đạt được mục tiêu đánh thuế,” luật sư Trương Thanh Đức nói.

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, việc đầu tiên cần làm là phải có dữ liệu nhà, đất để đảm bảo công bằng. Điều này theo ông để tránh tình trạng “người có 10 cái nhà nhưng mức độ nộp thuế có khi thấp hơn người chỉ có 1 nhà.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục