Đánh thức tiềm năng, tạo đột phá cho ngành du lịch Trà Vinh

Không chỉ sở hữu nhiều cảnh đẹp thiên nhiên với bãi biển, rừng ngập mặn, cảnh quan sông nước miệt vườn, Trà Vinh còn sở hữu nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa, di sản văn hóa, chùa chiền.
Du khách vui đùa và tắm biển ở bãi tắm thuộc Khu du lịch biển Ba Động. (Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam)

Những năm gần đây, tỉnh Trà Vinh có nhiều nỗ lực trong đầu tư để phát triển mạnh mẽ du lịch - ngành “công nghiệp không khói.”

Tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu, đến năm 2025 đón khoảng 2,5 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ năm 2025 trở đi đạt trên 1.600 tỷ đồng.

Phong phú, đa dạng về tiềm năng

Nhiều nhà chuyên môn đánh giá tỉnh Trà Vinh có nhiều nguồn tài nguyên tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch: là tỉnh ven biển có nhiều cảnh đẹp thiên nhiên rừng ngập mặn, nhiều cồn, cù lao nằm giữa sông Tiền, sông Hậu, những thắng cảnh vốn nổi tiếng từ rất lâu như biển Ba Động, ao Bà Om…

Cùng với đó, Trà Vinh còn có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc cổ xưa, di sản văn hóa, chùa chiền, những cảnh quan sông nước miệt vườn.

Hiện tỉnh Trà Vinh có 2 Bảo vật quốc gia (Ngẫu tượng Linga-Yoni và Bộ sưu tập Vàng lá Châu Thành, Trà Vinh); 16 di tích quốc gia, 39 di tích cấp tỉnh; 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và hơn 400 di tích được kiểm kê quản lý, cùng với 142 ngôi chùa Khmer với lối kiến trúc cổ xưa độc đáo.

Đây là những điểm đến lý tưởng đối với du khách trong và ngoài nước có sở thích tham quan, tìm hiểu các hoạt động văn hóa, lễ hội tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng của không khí vùng biển.

Thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh có bãi biển Ba Động, một địa danh nghỉ dưỡng nổi tiếng từ thời Pháp thuộc.

Nơi đây, hiện còn nhiều khu rừng nguyên sinh được bảo vệ, chăm sóc nuôi dưỡng, có hệ động thực vật đa dạng gồm các loài đước, mắm, bần, vẹt, dừa nước, tôm, cua, nghêu, sò huyết, kỳ đà, heo rừng, rắn, chồn...

Khu vực này còn có mỏ nước khoáng nóng chạy dài từ ấp Cồn Ông, xã Dân Thành đến khóm Long Thạnh, phường 1, được Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia xét và phê duyệt ở cấp B (240 m3/ngày đêm), với nhiệt nóng 37,5 độ rất lý tưởng để khai thác dịch vụ tắm khoáng nóng.

Bên cạnh đó, thị xã Duyên Hải còn có các công trình trọng điểm quốc gia như: Trung tâm Điện lực Duyên Hải; 5 công trình điện gió trên biển đã vận hành hòa vào lưới điện quốc gia, với 79 trụ tuabin gió trải dài từ vùng biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải đến xã Đông Hải, huyện Duyên Hải; luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, Khu kinh tế Định An cũng cảng biển đang được triển khai xây dựng với quy mô lớn và đẹp nhất Nam Bộ.

Huyện Cầu Kè, địa phương nằm ven dòng sông Hậu là nơi diễn ra Lễ hội Vu lan cấp tỉnh hằng năm với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hội chợ thương mại-nông nghiệp (giới thiệu đặc sản làng nghề truyền thống, trưng bày và bán các loại trái cây đặc sản như: măng cụt, dừa sáp, bưởi da xanh, cam xoàn…).

Du khách tham quan vườn chôm chôm ở cù lao Tân Quy. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Huyện Cầu Kè còn có nhiều vườn cây ăn trái sum suê quanh năm, cùng những công trình kiến trúc cổ xưa độc đáo như nhà cổ Huỳnh Kỳ, nhà cổ Chủ Lý, điểm tín ngưỡng Vạn niên Phong Cung, Minh Đức Cung; Khu tưởng niệm nữ Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Thị Út…

Đặc biệt, Minh Đức Cung còn gọi là chùa Ông Bổn, được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Nơi đây hằng năm đón hàng chục ngàn lượt du khách trong và ngoài nước về chiêm bái.

Có nhiều nguồn tài nguyên, lợi thế nên trong 5 năm gần đây, tỉnh Trà Vinh đã dành nhiều nguồn đầu tư, thực thi nhiều chính sách ưu đãi kêu gọi thu hút đầu tư “đánh thức” tiềm năng, tạo bước đột phá cho ngành du lịch của tỉnh.

Cơ chế, chính sách “mềm” cho phát triển du lịch

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, đơn vị đã tham mưu cho tỉnh ban hành Chiến lược phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2025-2030, xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.

Đơn vị cùng các sở, ngành và các huyện, thị, thành phố trong tỉnh hoàn thiện kế hoạch, giải pháp để phát triển du lịch. Các giải pháp trọng tâm được tập trung vào quy hoạch chi tiết; cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư; đầu tư tương xứng cho hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng cường liên kết, xúc tiến quảng bá du lịch...

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân thị xã Duyên Hải mời gọi đầu tư các dự án du lịch như Khu du lịch sinh thái rừng đước Nông trường Tỉnh đội, Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn biển Ba Động, Khu du lịch khoáng nóng Duyên Hải.

Tại thị xã Duyên Hải sẽ thu hút đầu tư hình thành 2-3 khu du lịch nghỉ dưỡng biển; nâng cao các dịch vụ phục vụ khách gắn với Thiền viện Trúc Lâm tọa lạc tại khu vực biển Ba Động…

Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Trà Vinh cam kết làm hài lòng các nhà đầu tư khi đến chung sức xây dựng và phát triển ngành du lịch. Trong đó, tỉnh ưu tiên và ưu đãi cho đầu tư phát triển du lịch biển.

Tỉnh đã thực thi chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch như: hỗ trợ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) từ 2-5 phòng, với mức hỗ trợ 30 triệu đồng/phòng, đồng thời hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn nhưng không quá 150 triệu đồng/hộ, thời gian tối đa 36 tháng tại các tổ chức tín dụng.

Du khách tham quan chùa Vàm Rây. (Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN)

Tỉnh hỗ trợ tổ chức, cá nhân xây dựng nhà hàng ẩm thực kết hợp đặc sản, hàng lưu niệm có quy mô 200m2 trở lên, sức chứa trên 100 khách, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/m2 xây dựng, tối đa không quá 200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ 10% giá trị phương tiện thủy vận chuyển khách du lịch (trên 20 khách) cho tổ chức, hộ gia đình mua sắm phương tiện giao thông thô sơ để vận chuyển nhưng không quá 50 triệu đồng/phương tiện…

Tỉnh còn hỗ trợ đào tạo lao động cho các dự án đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh, với tổng kinh phí hỗ trợ tối đa lên đến 150 triệu đồng/dự án.Với sự quan tâm đầu tư và cùng những cơ chế, chính sách “mềm” cho phát triển du lịch, đến nay tỉnh Trà Vinh có 6 điểm du lịch tiêu biểu cấp khu vực, 2 điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Tỉnh có 1 công ty lữ hành quốc tế và 9 công ty lữ hành nội địa; 129 cơ sở lưu trú du lịch, gồm: 3 nhà khách, 9 khách sạn 2 sao, 12 khách sạn 1 sao, 5 homestay và 100 cơ sở đạt chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch; 1 trung tâm thương mại và 33 nhà hàng ẩm thực kết hợp bán đặc sản, hàng lưu niệm, cơ sở kinh doanh ăn uống, vui chơi giải trí đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Những năm gần đây, nhiều công ty lữ hành đã mở tour và kết nối tuyến đưa du khách về Trà Vinh với nhiều điểm đến được hình thành từ những giá trị văn hóa bản địa ở các cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển như điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim, Cồn Hô, Cồn Ông, Cồn An Lộc, Cù lao Tân Quy, điểm du lịch nông nghiệp tại Sokfarm (Mật hoa dừa), Famstay RicThy, các ngôi chùa Khmer cổ kính, các làng nghề truyền thống...

Khách du lịch thưởng thức các món ăn chế biến từ bưởi ở Cồn Hô. (Nguồn: dulichtravinh.com.vn)

Năm 2023, Trà Vinh đón gần 2,2 triệu lượt khách du lịch; trong đó có 50.300 lượt khách quốc tế.

Tổng doanh thu du lịch đạt trên 1.706 tỷ đồng, đạt 145% kế hoạch năm, tăng 67% so cùng kỳ, đây là mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay.

Riêng 5 tháng năm 2024, tổng lượng khách đến Trà Vinh đạt 1,4 triệu lượt, tăng 26,7% so cùng kỳ, doanh thu đạt 994,3 tỷ đồng đạt gần 53% so kế hoạch năm.

Tỉnh đang tiếp tục thực hiện kế hoạch phấn đấu mỗi địa phương hình thành ít nhất một điểm đến du lịch tiêu biểu.

Trà Vinh mời gọi các nhà đầu tư xây dựng các điểm tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu Văn hóa - Du lịch Ao Bà Om; đầu tư khách sạn từ 3-5 sao tại các khu du lịch, trung tâm thành phố, huyện, thị xã; mở tuyến vận chuyển hành khách đường thủy từ Trà Vinh đi Côn Đảo.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh liên kết giữa các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh để đạt được mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục