Giới chuyên gia nhận định rằng Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ là động lực, tạo bước đột phát cho phát triển kinh tế-xã hội nói chung và ngành du lịch Đông Nam Bộ nói riêng, sớm trở thành ngành kinh tế chủ lực của toàn vùng.
6 địa phương 1 điểm đến
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh là cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế trên tất cả các phương tiện gồm đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt.
Do đó, nếu thực hiện tốt việc liên kết cùng với các địa phương trong vùng, sẽ hình thành "con đường du lịch Đông Nam Bộ" nhiều tiềm năng.
Chia sẻ tại hội nghị sơ kết liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ diễn ra ngày 29/11/2022 tại tỉnh Bình Phước vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng phải xác định hợp tác và liên kết là nhiệm vụ tất yếu để duy trì và mở rộng thị trường khách du lịch vùng Đông Nam Bộ. Từ đó, xây dựng sản phẩm du lịch liên kết phù hợp, với phương châm “6 địa phương-1 điểm đến,” làm nổi bật đặc trưng của mỗi địa phương, nhằm tăng sức hút của điểm đến Đông Nam Bộ.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường để xác định thị trường mục tiêu, tránh việc quảng bá, xúc tiến thiếu trọng tâm, trọng điểm; liên kết chặt chẽ để hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch vùng hiệu quả, chuyên nghiệp, nhằm nâng cao thương hiệu điểm đến của vùng, tăng sức hút, sự hấp dẫn với khách du lịch.
[Đồng bộ các giải pháp phục hồi du lịch Đông Nam Bộ sau dịch]
Bên cạnh, đối với đào tạo, cần phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên của các cơ sở đào tạo nghề du lịch; nâng cao chất lượng nhân sự tại các điểm du lịch và khách sạn cũng như chất lượng hướng dẫn viên du lịch; tiếp tục cải cách sơ chế chính sách, thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch đi đối với bảo vệ tài nguyên, môi trường và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng hợp tác, liên kết phát triển kinh tế du lịch vùng không những đem lại lợi ích cho mỗi địa phương thông qua việc hỗ trợ và bổ sung sản phẩm, tạo ra các chuỗi, dịch vụ hoàn chỉnh, tạo sự cạnh tranh với các vùng khác, mà còn thúc đẩy khai thác lượng du khách trong vùng, nhất là đối với các địa phương có khoảng cách địa lý gần, người dân có thu nhập cao như vùng Đông Nam Bộ.
“Hợp tác, liên kết là cơ hội để thu hút đầu tư giữa những địa phương; cơ hội để trao đổi, hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực; cơ hội tạo ra những sản phẩm du lịch có chất lượng cao, mang tính đặc thù, tạo hình ảnh và thương hiệu chung của vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đây là yếu tố quan trọng để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù nói riêng và phát triển du lịch nói chung trong cơ chế thị trường hiện nay. Bên cạnh đó, hợp tác, liên kết còn là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm về quản lý nhà nước về du lịch, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và thúc đẩy phát triển du lịch giữa các địa phương trong vùng, khu vực,” ông Trịnh Hàng chia sẻ.
Cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 24
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các tỉnh, thành Đông Nam Bộ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng, tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về yêu cầu cấp bách; phải đẩy mạnh hợp tác, liên kết nội vùng, liên vùng, tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng.
Thứ tưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng việc triển khai có hiệu quả và thực chất các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết về phát triển du lịch đối với các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ, sẽ phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương theo chủ trương Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội vùng Đông Nam Bộ.
Ông Đoàn Văn Việt cho rằng thời gian tới các địa phương cần tích cực khai thác, trao đổi khách du lịch giữa các địa phương trong vùng; phát huy vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty lữ hành trong việc kết nối các điểm đến, kết nối quốc tế và phát triển các điểm đến mới, sản phẩm mới, tour tuyến mới.
Ngoài ra, các địa phương trong vùng cần làm rõ nét hơn những đặc sắc của vùng, hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn, thu hút quan tâm, khám phá của du khách trong và ngoài nước; tạo ấn tượng đậm nét về thương hiệu du lịch vùng Đông Nam Bộ so với các vùng du lịch khác thông qua việc khai thác các sản phẩm du lịch đặc trưng văn hóa và sản phẩm mới mà vùng có thể mạnh như du lịch MICE tại Thành phố Hồ Chí Minh (du lịch MICE là hoạt động du lịch kết hợp với hội thảo, hội nghị, khen thưởng, sự kiện); du lịch biển Bà Rịa-Vũng Tàu; du lịch văn hóa tâm linh tại Tây Ninh; du lịch sinh thái, chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng, làng nghề tại Bình Phước, Đồng Nai; du lịch tham quan khu công nghiệp, nhà máy sản xuất tại Bình Dương; du lịch đường sông khai thác ven ông Sài Gòn và sông Đồng Nai.
“Thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong vùng; hình thành những điểm đến gần với trung tâm du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời từng bước hiện đại hóa, nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất du lịch cho toàn vùng,” ông Đoàn Văn Việt lưu ý.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên (thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ) cho rằng liên kết vùng để phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, việc đầu tiên là phải tìm ra được điểm khác, những cái mới trong phát triển các sản phẩm du lịch.
“Đông Nam Bộ phải phát triển du lịch trong tâm thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, cạnh tranh với các nước trên toàn cầu. Để làm được điều này, Đông Nam Bộ cần có những sản phẩm du lịch mang tính khác biệt. Bên cạnh, phải có một lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh để liên kết, phát triển du lịch cho toàn vùng,” tiến sỹ Trần Đình Thiên chia sẻ và cho rằng khi có những doanh nghiệp mạnh để phát triển du lịch trong toàn vùng sẽ kéo theo các chuỗi ngành khác, các địa phương khác cùng phát triển./.