Đánh thức Bà Nà trong câu chuyện của những doanh nhân đi trước

Sau 10 năm lặng lẽ đứng sau sự vươn mình bừng tỉnh của Bà Nà, họ- những người Bà Nà xưa cũ ấy – lại thầm lặng mừng vui cho vùng đất mình đau đáu yêu thương.
Lễ hội Carnival. (Ảnh: PV)

"Đỉnh núi Chúa" của Đà Nẵng vốn được coi là vùng đất thiên đường của người Đà Nẵng từ nhiều năm như nàng công chúa ngủ trên non cao...

Không phải không từng có những "hoàng tử" sẵn sàng dấn thân lội non với mong muốn được đánh thức nàng, nhưng họ chưa tìm thấy lối vào, mà giữa đường đành bỏ dở giấc mộng, bởi không vượt qua được những khó khăn tầng tầng lớp lớp. 

Rót tâm huyết cho vùng núi Chúa

Ngồi bên cạnh chúng tôi trong một quán cafe tĩnh lặng giữa Đà thành nhộn nhịp, ông Đặng Văn Mười – chủ khách sạn Lệ Nim trên đỉnh Bà Nà, cũng là một trong những doanh nhân đầu tiên mạnh dạn đầu tư lên Bà Nà 20 năm trước nói rằng, tới tận lúc này, ông vẫn nuối tiếc tiềm năng to lớn của vùng đất ấy.

“Nét cố kính trên vẻ điêu tàn ghi hằn dấu ấn thời gian của những ngôi biệt thự xây dựng từ thời Pháp, những bìa rừng nguyên sơ như cả trăm năm vẫn vậy; hay đơn giản chỉ là những cái khẽ rùng mình khi sương lạnh len qua áo khoác. Khí hậu ôn hòa, cảnh từ Núi Chúa nhìn về Đà Nẵng đẹp như một bài thơ,” nét mặt ông Mười như trẻ lại hàng chục tuổi khi nhắc về Bà Nà xưa, về một thời đam mê.

Ông Nguyễn Vọng – một doanh nhân khác cũng từng bị hút hồn bởi vẻ đẹp và tiềm năng quá lớn của mảnh bình nguyên trên đỉnh núi Chúa mà chấp nhận đổ tiền của, công sức, với mong muốn đánh thức Bà Nà.

“Điểm hấp dẫn của Bà Nà khi ấy là sự hoang sơ đến thuần khiết. Không khí trong trẻo, cảnh quan thì quá đẹp khi có những biệt thự cổ kính nằm nép bên những đồi thông cổ thụ. Bốn bề chim thú và hoa rừng tạo nên một thế giới khác biệt hẳn với thành phố ồn ào,” ông Vọng nhớ lại.

Và một trong những lý do không kém phần quan trọng để hai doanh nhân này quyết định “xuống tiền” tái thiết lại thời kỳ hoàng kim cho Bà Nà là vị trí địa lý vô cùng đắc địa của nó cũng như những động thái tích cực từ phía “thành phố sông Hàn”.

Đường lên Bà Nà ngày xưa. (Ảnh tư liệu)

Nhìn trên địa đồ, Bà Nà chỉ cách trung tâm Đà Nẵng 40 cây số, một khoảng cách không quá xa để đi du lịch trong ngày. Thêm vào đó, trong quyết tâm hồi sinh khu nghỉ mát xưa, lãnh đạo Đà Nẵng bấy giờ đã phê duyệt một quỹ đất lớn trên đỉnh, một mặt kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư; mặt khác cũng xây dựng hẳn một tuyến đường ô tô từ quốc lộ 1 lên chân núi và khôi phục con đường từ An Lợi lên đỉnh núi Chúa. Tính tới năm 2003, tuyến đường mòn lên đỉnh núi đã được mở rộng thêm gần 1m với 28 điểm cua và các hành lang an toàn.

[Độc đáo chương trình "Vũ hội ánh dương" trên Ba Na Hills]

Tiềm năng du lịch lớn cộng với điều kiện hạ tầng đang từng bước được cải thiện là những yếu tố khiến cho những nhà đầu tư như ông Vọng và ông Mười tin tưởng vào tương lai sáng lạn trên bình nguyên Bà Nà.

“Ban đầu tôi cũng xác định, mình làm ở đây trước là vì đam mê, tâm huyết, muốn giữ cái đẹp nơi này. Về sau, nhu cầu của khách du lịch tăng lên thì chúng tôi mới đầu tư lớn hơn,” ông Mười chia sẻ.
Cũng với lý do tương tự, ông Nguyễn Vọng đã xây dựng nhiều nhà nghỉ, khu thể thao, khu dã ngoại để phục vụ du khách.

Tính tổng thể trong giai đoạn 1997-2007, tại khu vực đỉnh đã có 3 điểm lưu trú, nghỉ dưỡng quy mô vài chục phòng. Một doanh nghiệp nhà nước là Công ty du lịch Danatour khi đó cũng đã đầu tư cáp treo loại nhỏ dài 1,5km qua lại từ đồi Vọng Nguyệt đến đỉnh Bà Nà từ năm 1999.

Những tưởng với sự đầu tư này, Bà Nà sẽ vươn mình trở thành một “Đà Lạt miền Trung” thu hút du khách cả trong và ngoài nước. Nhưng thực tế chẳng như lòng người mong đợi...

Lực cản từ… giao thông

Đối với những người làm du lịch tại Bà Nà thời điểm ấy, con đường dẫn lên khu du lịch mặc dù đã được đầu tư chỉnh trang nhưng vẫn là một nỗi ám ảnh kinh hoàng.

Ông Nguyễn Vọng vẫn còn nhớ như in những khúc cua tay áo gấp đến nghẹt thở trên từng đoạn đèo: “Đường xá rất nguy hiểm ngay cả với những tay lái cứng nhất.”

Bà Nà 10 năm trước. (Ảnh: CTV)

Còn ông Mười thậm chí gọi cung di chuyển này bằng cái tên cũ rích hơn 100 năm về trước: Đường phu kiệu. “Ngày xưa, để lên Bà Nà, các bà đầm của quan chức Pháp vẫn được phu kiệu An Nam khênh lên núi. Thời điểm đầu những năm 2000 mặc dù không còn cảnh này nhưng để ngồi ôtô vượt những khúc cua cũng cần phải có lòng can đảm rất lớn,” vị doanh nhân kể lại.

Cũng vì giao thông quá khó khăn, ông Mười đã phải mất đúng 8 năm ròng để hoàn tất việc xây dựng các công trình của mình. Toàn bộ việc vận chuyển nguyên vật liệu lên núi đều phải được thực hiện thủ công bằng sức người.

Cũng vì con đường quá khủng khiếp ấy nên lượng khách đến với Bà Nà trong 10 năm này rất khiêm tốn. Trong hồi ức của mình, nguyên Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Dương Thị Thơ đã viết những dòng rất thật: “Dù cố gắng đến đâu, lượng khách đến Bà Nà cả năm cũng chỉ đạt mốc 20.000 bởi vì con đường quanh co khiến du khách lo sợ. Vào mùa đông hầu như chỉ có nhân viên canh giữ.”

Thêm nữa, việc chỉ khai thác được du lịch vào 3 tháng hè khiến cho tình trạng của các doanh nghiệp càng trở nên… bi đát.

Biệt thự Pháp bỏ hoang. (Ảnh: CTV)

“Thời gian ấy, chúng tôi cung cấp đủ các dịch vụ từ lưu trú, dã ngoại, café, khu vui chơi thể thao nhưng lượng khách vẫn rất ít. Cả 3 đơn vị khác như Dana tour, Lệ Nim và Ba Na By Night cũng trong tình cảnh tương tự. Vấn đề giao thông trở thành lực cản rất lớn với tất cả các doanh nghiệp đầu tư tại đỉnh núi này,” ông Nguyễn Vọng giải thích.

Cho đến một ngày...

Khi Đà Nẵng kêu gọi Sun Group đầu tư xây dựng lại Bà Nà, niềm vui xen lẫn nỗi buồn với những người đau đáu cho sự phát triển của nơi họ yêu như máu thịt của mình. Ông Mười kể: “Buồn lắm chứ, đó là tâm huyết của mình mà. Nhưng bên cạnh đó, tôi cũng rất vui vì lúc này thực sự Bà Nà đang cần có một cú hích, một tập đoàn có năng lực tài chính mạnh để nó phát triển được đúng tầm, từ đó kéo cả ngành du lịch của thành phố lên mức độ tương xứng”.

Bà Nà ngày nay. (Ảnh: CTV)

“Còn tôi, trước năm 2007, cũng đã nghĩ đến và có đề xuất với thành phố cần xem xét để xây dựng một tuyến cáp treo từ chân núi lên đỉnh Bà Nà, đồng thời đầu tư con đường từ Hòa Khánh lên Hòa Ninh. Có như thế Bà Nà mới phát triển được. Vì vậy, khi biết chủ đầu tư mới sẽ đầu tư cáp treo vượt lên núi, tôi rất vui và hy vọng dự án sẽ thành công”, ông Nguyễn Vọng thẳng thắn.

10 năm sau khi dừng kinh doanh ở Bà Nà, ông Vọng và ông Mười trở lại thăm núi Cấm. Những người Bà Nà xưa ấy đã thấy miền đất họ đau đáu một thời thay đổi rực rỡ, trong một hình hài mang tầm quốc tế. Họ nhẹ lòng, bởi tâm huyết của mình năm nào, giờ đã được một doanh nghiệp có tiềm năng tiếp bước, phát triển. Những "hoàng tử" một thuở chưa tìm thấy thành công giờ đây đã chung niềm vui chứng kiến vùng đất mình đau đáu yêu thương chuyển mình, chứng kiến "nàng công chúa" tỉnh dậy sau giấc ngủ dài, vô cùng khả ái với nhan sắc tuyệt đẹp và nụ cười tỏa sáng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục