Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị

Báo cáo đánh giá tác động này do nhóm tác giả gồm hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành làm việc khẩn trương từ khi bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam cho đến nay.
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
Chế biến tôm xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 3/4, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã công bố báo cáo "Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách."

Báo cáo này do nhóm tác giả gồm hơn 50 nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành đã làm việc khẩn trương từ lúc bắt đầu bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam cho đến nay, phân tích khối lượng dữ liệu lớn từ các bộ, ngành của Việt Nam, các tổ chức quốc tế cùng hơn 500 doanh nghiệp.

Các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định: Với sự thay đổi của tâm dịch từ phía Trung Quốc sang các nước châu Âu, Mỹ và lan rộng sang các khu vực khác, tác động đến nền kinh tế Việt Nam sẽ mạnh hơn và thay đổi về cơ chế từ phía đứt gãy nguồn cung ứng đầu vào sang chủ yếu là phía cầu.

Dựa trên cơ sở các kịch bản về số ca nhiễm và cách ly tại Việt Nam, Báo cáo xây dựng một số mô hình định lượng nhằm dự báo sơ bộ tác động của đại dịch đến nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.

Theo đó, báo cáo dự báo tăng trưởng GDP quý 2 năm nay của Việt Nam khoảng 2,0% so với cùng kỳ và thậm chí suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu. Dự kiến phục hồi từ quý 3 năm nay.

VN-Index giảm khoảng 28%, phục hồi ngay sau khi dịch được khống chế với mức xấp xỉ 20%. Xuất khẩu giảm khoảng 25% trong quý 2 này và phục hồi về mức giảm 15% trong các quý sau của năm nay.

Đặc biệt, kết quả nghiên cứu số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý Nhà nước và kết quả khảo sát doanh nghiệp của Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, đến thời điểm hiện tại, tác động của dịch COVID-19 đến khu vực doanh nghiệp đã bắt đầu bộc lộ một cách rõ ràng trong tất cả các ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, có đến 93,9% các doanh nghiệp điều tra đánh giá dịch COVID-19 có tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

[ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Á]

Để đối phó với những khó khăn do tác động của đại dịch, 65,5% doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí hoạt động thường xuyên; 35,3% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động; 34% phải cắt giảm lương nhân công lao động; 34,5% doanh nghiệp đã phải cho lao động nghỉ việc không lương.

Có 44,7% doanh nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất kinh doanh; 34,7% các doanh nghiệp lựa chọn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh để chờ qua thời kỳ khó khăn và 15,1% doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hình thức sản xuất kinh doanh cho phù hợp với bối cảnh mới.

Thống kê trong tháng Hai vừa qua cũng cho thấy, số người thất nghiệp nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là trên 47.000 người, tăng 60% so với tháng trước đó và tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái (gần 28.000 người).

Từ những phân tích trong báo cáo, các chuyên gia kinh tế đã đề xuất những khuyến nghị chính sách nhằm giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn.

Theo đó, trong mọi trường hợp, Việt Nam cần phải đảm an ninh lương thực, thực phẩm và các hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Mặc dù đây là những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất nhưng các doanh nghiệp cung ứng các hàng hóa này cần phải được giám sát chặt chẽ và có biện pháp hỗ trợ cần thiết để tránh không xảy ra đứt gãy trong sản xuất và cung ứng.

Bên cạnh đó, việc gia tăng sản xuất và cung ứng các thiết bị y tế như khẩu trang, máy trợ thở, thuốc men hay giường bệnh cũng cần được ưu tiên trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Việt Nam cần chủ động xây dựng các kịch bản chính sách kinh tế ứng phó khác nhau tùy theo thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch. Các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả.

Đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị ảnh 1Nông dân thu hoạch thanh long trồng ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng Tư này hoặc cùng lắm đến hết quý 2 năm  nay, phản ứng chính sách nên mang tính "hỗ trợ."

Cụ thể, đối với những người lao động mất việc kéo dài, có thể tạm thời kéo dài thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Các hộ gia đình mất thu nhập lâu dài không có khả năng thích ứng cần được trợ cấp đủ để duy trì cuộc sống tối thiểu. Cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng lao động tư do không thuộc diện bao phủ của bảo hiểm.

Đối với doanh nghiệp trực tiếp chịu ảnh hưởng, cần nới lỏng các điều kiện tín dụng, hoãn chi trả nợ, miễn lãi, giảm lãi, cho phép tái cơ cấu lại nợ để cải thiện tính thanh khoản và khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cho tới khi qua được khó khăn; hoãn thuế phí, miễn giảm thuế phí, hoãn hoặc miễn đóng bảo hiểm xã hội; nên ưu tiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này.

Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý 3 hoặc hết năm nay), Chính phủ cần tính tới các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn mang tính "giải cứu."

Cụ thể như tập trung không chỉ vào khả năng thanh khoản mà còn là khả năng thanh toán (tồn tại hay phá sản) của các doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng "bơm thêm" thanh khoản cho hệ thống ngân hàng. Lãi suất có thể cắt giảm thêm 1-2 điểm phần trăm.

Khi các chính sách tiền tệ hay tài khóa truyền thống không đủ hỗ trợ khả năng thanh toán của doanh nghiệp thì cần có các can thiệp tài khóa trực tiếp từ chính phủ như mua lại nợ, tăng sở hữu vốn nhà nước… ở một số lĩnh vực đặc biệt quan trọng. Cần tránh tối đa sự đổ vỡ của các tập đoàn lớn.

Bên cạnh đó, bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu, nhiều doanh nghiệp có thể sẽ phá sản, Việt Nam cần đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô; giữ lạm phát và lãi suất ở mức thấp, tỷ giá ổn định, đầu tư công được thực hiện đúng mục đích và giám sát tốt, môi trường đầu tư được cải thiện. Có như vậy, sau dịch bệnh, nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng, ngược lại sẽ mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải bệnh dịch./,

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục