Theo mạng tin eurasiareview, bằng nhiều cách, chủ quyền và sự hội nhập dần dần chậm rãi của Gruzia vào hệ thống chính trị và kinh tế phương Tây (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào sự ủng hộ trực tiếp và sức mạnh của Mỹ tại khu vực.
Vì vậy, việc theo dõi những thay đổi trong sức mạnh của Mỹ và quan điểm về động thái quân sự của Mỹ trên toàn cầu sẽ rất quan trọng đối với các chính phủ kế tiếp tại Gruzia.
Tất nhiên, đầu tiên cần phải hiểu rằng sức mạnh của Mỹ ở Nam Caucasus và Biển Đen nhìn chung luôn khá hạn chế so với các khu vực khác. Điều này chủ yếu là do Mỹ bị bao quanh bởi những vùng biển lớn và khả năng vươn sâu vào lục địa Á-Âu của nước này thông qua việc triển khai quân đội bị hạn chế.
Hãy bắt đầu bằng những con số đơn giản. Trái Đất là một hành tinh có kích thước khá khiêm tốn, với chu vi khoảng 25.000 dặm (40.075 km) tính tại đường xích đạo, trong khi tổng diện tích bề mặt là 197 triệu dặm vuông (510 triệu km vuông). Điều đó có nghĩa rằng gần 3/4 Trái Đất là nước. Do đó, cường quốc kiểm soát được các đại dương trên thế giới có thể nắm giữ sự phát triển kinh tế và quân sự trên toàn cầu.
Người Mỹ hiểu rõ điều này nên từ cuối thế kỷ 19 họ đã nỗ lực tăng cường các khả năng hải quân của mình. Thế kỷ 20 là thế kỷ của Mỹ, nhưng điều này đang thay đổi. Trung Quốc và Ấn Độ đang xây dựng các lực lượng hải quân, Iran ngày càng hung hăng hơn ở Vịnh Persia, trong khi Nga cũng làm điều tương tự ở Biển Đen.
[Tàu sân bay USS Ronald Reagan tham gia tập trận tại Australia]
Trong số những nước này, Trung Quốc là chủ thể quan trọng nhất cần theo dõi. Chiến lược của họ nhằm mục đích "làm loãng" sức mạnh của Mỹ hơn là đối đầu công khai. Đây là một cách tiếp cận khôn ngoan, giống như "đánh rồi chạy," và tạo ra những điều kiện không có lợi cho một cường quốc đối thủ.
Các nhà chiến lược Trung Quốc thời cổ đại đã đưa ra một số những tri thức rất thú vị về cách Trung Quốc nhìn nhận như thế nào về cuộc cạnh tranh của họ trong thế giới hiện đại.
Việc sức mạnh bị dàn trải quá mức cũng là một trong những nguyên nhân khiến sức mạnh hải quân của Mỹ suy giảm. Hãy xem xét thực tế sau đây.
Trong Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã triển khai các hạm đội (nhìn chung lên tới 1.000 tàu thuyền) phần lớn là ở Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, và Biển Địa Trung Hải.
Ngược lại, ngày nay Mỹ có chưa tới 500 tàu nhưng lại cần bao phủ cả thế giới, trong bối cảnh số lượng các cường quốc cạnh tranh trên biển tăng lên, như đề cập ở phía trên.
Một lý do khác khiến sức mạnh hải quân Mỹ suy giảm là toàn cầu hóa. Tốc độ toàn cầu hóa càng nhanh thì nhu cầu cần kiểm soát mọi ngóc ngách của thế giới lại càng lớn bởi một cuộc đụng độ quân sự nhỏ ở châu Á, châu Âu, hay Trung Đông có thể trở thành một vấn đề toàn cầu.
Trong suốt chiều dài của lịch sử, một cường quốc trên biển đã chứng minh được là có thể tồn tại lâu dài hơn bất kỳ cường quốc trên đất liền nào khác, và sức mạnh hải quân thực sự là sự thể hiện tốt nhất cho sức mạnh của một quốc gia.
Mỹ có thể hy vọng duy trì địa vị thống trị toàn cầu của mình bằng việc "chiêu mộ" thêm các đồng minh có cùng tham vọng địa chính trị với mình. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ thừa nhận sức mạnh hải quân của Mỹ đang suy giảm.
Một khả năng khác là Mỹ sẽ tăng chi tiêu cho hải quân và xây dựng các hạm đối mới, nhưng hiện nay chi phí sẽ rất lớn, phải bằng GDP của 10 nước châu Á và châu Phi cộng lại.
Theo nhiều cách, đây chính là điều mà Anh đã trải qua trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Anh từng là cường quốc hải quân quan trọng trên thế giới trong gần 2 thế kỷ (đặc biệt là trong thế kỷ 19), tuy nhiên sự trỗi dậy dần dần của các hạm đội hải quân Mỹ và Đức ngày càng trở nên rõ ràng hơn và đe dọa trật tự trên biển của Anh.
Một trong những phản ứng của giới lãnh đạo Anh khi đó là phủ nhận xu thế này và tuyên bố rằng sức mạnh của họ là vô song. Rất khó để một quốc gia thừa nhận rằng sức mạnh của họ đang suy giảm.
Tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với Gruzia? Gruzia phụ thuộc vào Mỹ về vấn đề an ninh và biên giới trên Biển Đen. Tuy nhiên, trong dài hạn, khi trọng tâm chiến lược lớn của Mỹ tập trung nhiều hơn vào việc kiềm chế Trung Quốc trên biển, thì khả năng đối phó với hải quân Nga ở Biển Đen của Washington sẽ suy giảm.
Như đã nói, đơn giản là Mỹ không có đủ các nguồn lực hải quân. Đây sẽ là viễn cảnh tồi tệ cho Tbilisi, đặc biệt khi Gruzia đang định xây dựng cảng nước sâu Anaklia./.