Đánh giá sự đồng bộ trong mục tiêu chiến lược của Australia-Nhật Bản

Hướng dẫn Chương trình Phòng thủ Quốc gia năm 2018 của Nhật Bản đã xếp Australia ở vị thế “chỉ sau đồng minh chính thức của Nhật Bản là Mỹ về tầm quan trọng chiến lược đối với Nhật Bản."
Đánh giá sự đồng bộ trong mục tiêu chiến lược của Australia-Nhật Bản ảnh 1(Nguồn: visaone.com.au)

Viện Quan hệ Quốc tế Australia (AIIA) gần đây đã đăng bài viết của Giáo sư Aurelia George Mulgan bàn về tầm quan trọng của hợp tác Nhật Bản-Australia trong thời gian qua và tiềm năng phát triển, nhìn từ những gì được phản ánh qua Bản Cập nhật Chiến lược Quốc phòng năm 2020 mà chính phủ Canberra công bố.

Nội dung bài viết cơ bản như sau:

Nhật Bản được nhắc tới ngay phần mở đầu của văn kiện này, trong đó chính phủ Australia cam kết “tăng cường can dự với quốc tế.”

Nhật Bản cũng được đề cập nhiều lần trong "Chương II về chính sách quốc phòng.” Tại phần này, Nhật Bản được coi là một đối tác quan trọng, và “Bộ Quốc phòng Australia sẽ tiếp tục làm việc để tăng cường mối quan hệ quốc phòng cũng như ngoại giao với các quốc gia trong khu vực sát sườn của Australia.

Quan hệ Đối tác Chiến lược Đặc biệt giữa Australia và Nhật Bản được mô tả là một trong những công cụ mà Australia sử dụng để thúc đẩy trao đổi với các đối tác song phương “nhằm hỗ trợ các lợi ích chung trong các quy tắc và chuẩn mực toàn cầu,” và Nhật Bản cũng được ghi nhận là một bên tham gia Đối thoại Chiến lược Ba bên, cùng với Mỹ, trong việc giải quyết các vấn đề chiến lược chung.

Nhật Bản được đề cử là đối tác mà Australia sẽ “tiếp tục ưu tiên… trong các mối quan hệ gắn kết và quốc phòng” vì vai trò tích cực của Nhật Bản trong khu vực là rất quan trọng đối với an ninh và ổn định của khu vực.

Đáng tiếc, báo chí Nhật Bản không đưa tin rộng rãi về những tiềm năng này. Dù vậy, cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Bản Cập nhật Chiến lược Quốc phòng năm 2020 của Australia trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 9/7.

Báo cáo sau đó về cuộc thảo luận giữa hai lãnh đạo có đề cập đến Quan hệ Đối tác Chiến lược Đặc biệt, Đối thoại Chiến lược Ba bên cũng như việc “mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ quốc phòng và an ninh.”

[Nhật Bản, Australia khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải]

Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2020 công bố ngày 14/7 không nhắc đến Bản Cập nhật Chiến lược Quốc phòng năm 2020 của Australia, mặc dù có đề cập đến Australia.

Trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Nhật Bản, Australia được liệt kê cùng với Hàn Quốc, các thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ấn Độ trong nội dung về “tăng cường hợp tác ngoại giao và an ninh với các đối tác của Nhật Bản vì hòa bình và ổn định trong cộng đồng quốc tế” nhằm tăng cường quan hệ hợp tác.

Hướng dẫn Chương trình Phòng thủ Quốc gia năm 2018 của Nhật Bản đã xếp Australia ở vị thế “chỉ sau đồng minh chính thức của Nhật Bản là Mỹ về tầm quan trọng chiến lược đối với Nhật Bản."

Kể từ khi Australia nâng cấp quan hệ hợp tác an ninh với Nhật Bản lên mức Đối tác Chiến lược Đặc biệt năm 2014, quan hệ quốc phòng song phương và các liên kết an ninh rộng lớn hơn giữa hai nước đã mở rộng đáng kể. Bản Cập nhật năm 2020 của Australia hứa hẹn sẽ thúc đẩy quá trình này tiến xa hơn và nhanh hơn. 

Một tuần sau khi Bản Cập nhật Chiến lược Quốc phòng năm 2020 của Australia được công bố, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kono Taro đã tham gia một cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds.

Các bộ trưởng nhất trí phản đối mạnh mẽ mọi hành động cưỡng chế nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, đồng thời khẳng định hợp tác chặt chẽ trong việc đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trong khu vực. 

Khoảng 10 ngày sau khi bản Cập nhật được công bố, Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Abe và người đồng cấp Morrison đã nhất trí đưa ra tuyên bố chung nêu rõ quyết tâm ngày càng tăng của cả hai quốc gia trong việc chống lại chủ nghĩa bành trướng vàquân phiệt ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Cuối tháng 7, tại Tham vấn Ngoại giao-Quốc phòng Mỹ-Australia, Nhật Bản cũng được coi là một trong những “đối tác” mà Washington và Canberra đang thúc đẩy hợp tác nhằm củng cố cấu trúc liên minh và quan hệ có hệ thống để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương an toàn, dựa trên các quy tắc chung.

Rõ ràng, Australia là một đối tác an ninh có chung nhiều lợi ích chiến lược và cam kết tăng cường gắn kết trong khu vực với Nhật Bản. Tất cả những điều này hoàn toàn phù hợp với chiến lược tăng cường sức mạnh phòng thủ và khả năng răn đe trước nguy cơ Mỹ thu hẹp các cam kết an ninh, chiến lược được Thủ tướng Abe thúc đẩy và đã được tân Thủ tướng Suga Yoshihide cam kết tiếp nối.

Chiến lược này sẽ không chỉ củng cố hơn liên minh với Mỹ, mà còn giúp Nhật Bản nhân rộng quan hệ đối tác an ninh trong khu vực. Bản Cập nhật khẳng định việc Australia duy trì lập trường và vị thế mạnh mẽ trong việc đảm bảo trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, một nguyên tắc trọng tâm trong chính sách an ninh và đối ngoại của Nhật Bản. Đặc biệt, Nhật Bản có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ liền mạch của Australia đối với tầm nhìn “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP).

Trong cuộc điện đàm ngay sau khi ông Suga trở thành tân thủ tướng Nhật Bản, hai nước đã xác nhận tầm quan trọng của việc hiện thực hóa FOIP. Trao đổi với nhà lãnh đạo Mỹ, Thủ tướng Suga cũng khẳng định sẽ thúc đẩy tầm nhìn chung này trong khuôn khổ hợp tác với Australia, Ấn Độ, ASEAN cùng các quốc gia khác trong khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo hy vọng sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng của Nhật Bản với Mỹ, Australia và Ấn Độ bằng cách tăng cường các cuộc tập trận chung và hợp tác kỹ thuật trên cơ sở FOIP.

Kể từ khi công bố Bản Cập nhật, Australia đã tham gia cuộc tập trận hải quân 3 bên với Nhật Bản và Mỹ ở biển Tây Philippines vào cuối tháng 7/2020 và sau đó là Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) vào tháng 8/2020.

Australia đang lên kế hoạch tham gia cuộc tập trận Malabar cùng  Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ vào tháng 11 tới. Điều này có nghĩa là toàn bộ 4 thành viên nhóm Bộ Tứ sẽ cùng tham gia một cuộc tập trận hải quân, sự kiện đánh dấu một hoạt động quân sự chung của nhóm này, xét theo mức độ nhất định nào đó. 

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Ishiba Shigeru nhận định Australia được coi là một thành viên quan trọng và tiềm năng cho một phiên bản Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Đông Á.

Đây là một bước tiến - nếu có thể - sẽ nâng tầm quan hệ của Bộ Tứ lên mức tương đương với một liên minh quân sự với các cam kết phòng thủ tập thể. Thủ tướng Suga chưa tỏ rõ lập trường quan tâm đến khái niệm này, song thực tế nhà lãnh đạo này đã có thái độ khá tích cực đối với việc hợp tác chặt chẽ hơn cùng các đối tác trong Bộ Tứ.

Điều này phản ánh qua việc Nhật Bản đồng ý làm việc với Australia về việc thực hiện các điều khoản cho phép quân đội Australia triển khai hoạt động cùng với lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Tóm lại, Australia và Nhật Bản - với tư cách là các cường quốc tầm trung ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - đang trên lộ trình hình thành chiến lược ngày càng mạnh mẽ hơn, và Bản Cập nhật Chiến lược Quốc phòng năm 2020 của Australia đã góp phần khẳng định hơn nữa lộ trình này. Nhật Bản và Australia đang thúc đẩy quan hệ quân sự cũng như hợp tác an ninh song phương và đa phương lên mức chưa từng có./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục