Đánh giá sai lầm của Tổng thống Trump về Trung Quốc trong thương mại

Chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc được nói tóm gọn là nhằm gây ra tổn hại kinh tế đủ để buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải nhượng bộ.
Đánh giá sai lầm của Tổng thống Trump về Trung Quốc trong thương mại ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP)

Chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc được nói tóm gọn là nhằm gây ra tổn hại kinh tế đủ để buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải nhượng bộ trước những gì Tổng thống Trump muốn - dù đó là yêu cầu gì đi chăng nữa.

Theo trang mạng Bloomberg.com, đây là mục tiêu rõ ràng của khoản thuế mà ông có kế hoạch áp dụng nhằm vào lượng hàng hóa khác trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Trump có thể nhận thấy một “mối quan hệ nghịch đảo” giữa sức ép và hợp tác với Trung Quốc.

[Trung Quốc và Mỹ chưa tái khởi động đàm phán thương mại]

Thay vì khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phải phục tùng, các khoản thuế bổ sung có thể khiến họ trở nên quyết tâm hơn nữa. Điều đó đồng nghĩa rằng cuộc chiến thương mại càng kéo dài thì tổn thất với nền kinh tế Mỹ sẽ càng lớn.

Các động thái mới đây dường như chỉ là “show truyền hình thực tế” trước thềm các cuộc bầu cử giữa kỳ để khiến ông Trump tỏ ra cứng rắn.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng cho thấy quan điểm sai lầm - và hoàn toàn không hiểu gì - về Trung Quốc hiện đại.

Theo ông Trump và các cố vấn, Trung Quốc dường như là quốc gia nghèo và phụ thuộc vào Mỹ và rất dễ bị ép buộc. Trên thực tế, Trung Quốc là nước có ảnh hưởng kinh tế toàn cầu và ban lãnh đạo đầy tham vọng, vốn coi tính hợp pháp của họ phụ thuộc vào việc khôi phục sức mạnh của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo đó sẽ không dễ bị hăm dọa.

Tính toán sai lầm lớn đầu tiên của đội ngũ của ông Trump là về ảnh hưởng kinh tế. Bởi Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc nên chính quyền cho rằng họ có lợi thế hơn.

Stephen Moore, học giả của Quỹ Di sản và từng là cố vấn kinh tế của ông Trump, mới đây nói rằng “nền kinh tế của Trung Quốc không thể phát triển mà không được tiếp cận với thị trường Mỹ.”

Thực tế lại cho thấy điều ngược lại. Trung Quốc hiện là nền kinh tế trị giá 12 nghìn tỷ USD và không dễ bị tổn thương. Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại công ty Capital Economics, viết trong một báo cáo hôm 11/7 rằng lượng hàng hóa xuất khẩu trị giá 250 tỷ USD có khả năng bị Mỹ áp thuế chỉ chiếm 1,3% GDP của Trung Quốc, và tổn thất bởi các biện pháp thuế này dường như chỉ chiếm khoảng 0,5% sản lượng.

Đó không phải là con số nhỏ, nhưng gần như chắc chắn không đủ để buộc Bắc Kinh phải “khuất phục.”

Ông Trump cũng không xác định xem các biện pháp thuế sẽ ảnh hưởng thực sự tới ai. Ông cho rằng các công ty và công nhân Trung Quốc sẽ hứng chịu tổn thất, nhưng lại bỏ qua các dây chuyền cung ứng toàn cầu.

Hannah Anderson, chiến lược gia về thị trường toàn cầu tại công ty J.P. Morgan Asset Management, mới đây bình luận rằng “phần lớn giá trị hàng nhập khẩu từ Trung Quốc mà Mỹ đánh thuế tới từ các nước bên ngoài Trung Quốc.”

Vấn đề nghiêm trọng nhất mà chính quyền Mỹ hiểu sai về Trung Quốc là vấn đề chính trị. Chủ tịch Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo độc tài và có thể giữ chức Chủ tịch trọn đời, người về lý thuyết có thể theo đuổi bất kỳ chính sách nào ông muốn.

Tuy nhiên, Trung Quốc không vận hành theo cách đó. Ông Tập Cận Bình, giống như ông Trump, cần duy trì hình ảnh của mình và hình ảnh đó cũng được bao bọc bởi chủ nghĩa dân tộc.

Trên truyền thông nhà nước, ông Tập Cận Bình luôn mô tả mình là người bảo vệ nhân dân Trung Quốc trong mọi hoàn cảnh, người đã đưa đất nước trở lại đúng vị trí trên trường quốc tế, hay có thể nói là “Đưa Trung Quốc vĩ đại trở lại.”

Sự tự tin quyết đoán này vốn nhận được nhiều sự ủng hộ. Truyền thông Trung Quốc vẫn luôn nhắc nhở người dân về lịch sử nhục nhã dưới sự cai trị của các cường quốc phương Tây và các đồng minh, đặc biệt là Nhật Bản.

Trong các bài phát biểu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn luôn nhắc nhở người dân về cuộc xâm lược chống lại Trung Quốc và sự quyết tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc để định hướng lại những sai lầm.

Thông điệp của chính phủ Bắc Kinh là rất rõ ràng: Trung Quốc sẽ không còn là nạn nhân, cả trong lĩnh vực chính trị cũng như thương mại. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã mô tả các biện pháp thuế mới đây của Mỹ là “hành động ức hiếp tinh vi trong thương mại” và hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ “luôn đứng về phía đúng đắn của lịch sử.”

Sự quyết tâm được nêu rõ này khiến ông Tập Cận Bình gần như không thể bị xem là “đầu hàng” trước ông Trump, hay bất kỳ thế lực bên ngoài nào khác.

Cuối cùng, hai bên sẽ phải tìm ra một biện pháp để cho phép cả hai đều tuyên bố chiến thắng. Trong khi đó, các biện pháp thuế sẽ khiến người tiêu dùng và các công ty Mỹ hứng chịu chi phí cao hơn, gây tổn hại tới việc làm, lợi nhuận và tăng trưởng cũng như gây bất ổn thị trường tài chính, trong khi cản trở việc đạt được một thỏa hiệp để các bên giữ thể diện.

Ông Trump và các cố vấn dường như vẫn tỏ ra “không nản chí.” Tuy nhiên, họ không thể đánh bại một đối thủ mà họ vẫn chưa hiểu rõ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục