Đánh giá sai lầm của Nga trong quan hệ với Đức

Tạp chí IPG đưa tin, lập trường cứng rắn của Berlin trong vụ thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc khiến cho Điện Kremlin bị bất ngờ.
Đánh giá sai lầm của Nga trong quan hệ với Đức ảnh 1Thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny. (Nguồn: Reuters)

Tạp chí IPG đưa tin, lập trường cứng rắn của Berlin trong vụ thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc khiến cho Điện Kremlin bị bất ngờ.

Trong một thời gian dài, Nga đã đánh giá sai lầm về các chính sách của Đức.

Ngày 2/9 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chính thức tuyên bố thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny bị đầu độc bằng chất độc hóa học cực mạnh Novichok.

Từ đó ở Nga, người ta thường sử dụng thuật ngữ "bước ngoặt" để nói về những hậu quả của vụ việc, đặc biệt là sự thay đổi thái độ của Đức đối với Nga.

Chuyên gia Dmitri Trenin từ Trung tâm Carnegie Moscow cho rằng Đức sẽ không còn cố gắng để hiểu động cơ của Nga cũng như để làm trung gian giữa Nga và EU hay NATO nữa.

Theo Trenin, Berlin giờ đây sẽ chấm dứt "mối quan hệ hữu nghị và tin cậy kéo dài nhiều năm với Moskva," được thiết lập từ thời kỳ cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev.

Tuy nhiên, thực tế là thời kỳ quan hệ hữu nghị và tin cậy đó đã qua từ lâu. Tuyên bố của bà Merkel không mang tính bước ngoặt mà chỉ đề cập đến một sự kiện nữa trong một chuỗi sự kiện làm suy giảm lòng tin của Đức đối với Nga, đồng thời thể hiện phản ứng trước lập trường và các chính sách ngày càng thù địch của Nga.

Sự ngạc nhiên như vậy ở Nga vào thời điểm này cho thấy sự thiếu hiểu biết của Moskva về cách Đức nhìn nhận về Nga, cũng như những thay đổi trong cách nhìn nhận này từ nhiều năm qua.

Những đánh giá sai lầm của người Nga về nước Đức xuất hiện từ những năm 1990 của thế kỷ trước. Sau khi tái thống nhất, nước Đức đã rất nỗ lực để đạt được mối quan hệ gần gũi nhất có thể giữa Nga và các cấu trúc chính trị, kinh tế của châu Âu.

Tuy nhiên, nhiều người Nga đã bỏ qua thực tế rằng Đức cũng đã hứa sẽ xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các nước láng giềng Trung và Đông Âu, và mở ra cánh cửa hội nhập châu Âu cho các nước này.

Theo quan điểm của người Đức, đây là yêu cầu bắt buộc sau những nỗi kinh hoàng mà Đức Quốc xã đã mang đến cho các quốc gia này trong Chiến tranh Thế giới II.

Những năm 1990 đó, do phải tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ nên Nga đã ít chú ý đến các đồng minh cũ trong khối Vacsava. Mặc dù vậy, nhiều chính trị gia ở Moskva vẫn xem những quốc gia này như sân sau của Nga.

Việc NATO tiến hành mở rộng khối vào cuối những năm 1990 đã gây ra những phản ứng dữ dội từ Nga. Từ đó, Đức và Nga đã nhận ra rằng họ đứng ở hai phía hoàn toàn khác nhau.

Những năm đầu thế kỷ XXI là giai đoạn lộn xộn trong chính sách của Đức đối với nước Nga dưới thời của Tổng thống Putin. Năm 2004, trong tiến trình mở rộng Liên minh châu Âu (EU), Đức đã dành những ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ với Ba Lan, các nước Baltic và các nước Trung-Đông Âu khác.

[Khoảng trống lãnh đạo trong phe đối lập ở Nga]

Trước đó, Đức không mấy quan tâm đến các nước láng giềng của Nga thời hậu Xô Viết. Tuy nhiên, sau khi EU mở rộng, các nước thuộc không gian hậu Xô Viết đã trở thành láng giềng trực tiếp ở rìa phía đông EU; và trong EU, các nước mới gia nhập cũng trở thành những người ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với các quốc gia láng giềng này.

Phải đến đầu những năm 2010, Đức mới thích ứng được với tình hình mới trong một giai đoạn với nhiều sự kiện như các cuộc cách mạng ở Gruzia và Ukraine, cuộc chiến Nga-Gruzia, những thăng trầm trong mối quan hệ giữa Đức với Ba Lan và với các nước EU khác, cũng như nhiều ý kiến phê phán ở Berlin về mối quan hệ của Đức với Nga.

Sau khi nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder kết thúc vào năm 2005, các chính phủ liên minh tiếp theo dưới sự lãnh đạo của bà Merkel liên tục dao động qua lại giữa sự coi trọng quan hệ truyền thống Đức-Nga và sự đồng cảm với các phong trào dân chủ thân châu Âu ở Georgia và Ukraine; giữa sự thất vọng (tạm thời) trước bài phát biểu của Tổng thống Putin trong Hội nghị An ninh Munich năm 2007 hay trong cuộc chiến chống Gruzia năm 2008 và ý tưởng về quan hệ đối tác mới với Nga; giữa nhu cầu về quan hệ đối tác chiến lược EU-Nga và nỗ lực của các thành viên EU mới nhằm tăng cường quan hệ với các nước láng giềng phía Đông.

Những dao động đó đã dẫn đến sự hiểu biết sâu hơn về khu vực láng giềng phía đông EU cũng như thái độ ngày càng hoài nghi đối với tham vọng bá quyền của Nga trong khu vực.

Cuộc bầu cử Duma Quốc gia Nga gian lận năm 2011 và việc chính quyền Nga sử dụng bạo lực để đối phó với các cuộc biểu tình sau đó ở Moskva và các thành phố khác càng đẩy nhanh quá trình thay đổi cách nhìn nhận của người Đức đối với Nga.

Việc ông Dmitry Medvedev kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, đi kèm với sự trở lại của ông Putin trên cương vị người đứng đầu Điện Kremlin càng làm tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của Nga trong tâm trí người Đức.

Lần đầu tiên, những người ra quyết định ở Berlin buộc phải đặt câu hỏi về chính sách của họ đối với Moskva - đặc biệt là quan điểm rằng Đức có thể xích lại gần Nga hơn trên cơ sở coi trọng những giá trị chung. Nếu từng có một bước ngoặt thay đổi thái độ của Đức với Nga một cách thực sự, thì đó là vào thời điểm này. 

Ở Moskva khi đó có rất ít người thực sự hiểu rằng nước Đức đã thất vọng như thế nào về nước Nga. Khi EU áp đặt các lệnh trừng phạt Nga vì việc sát nhập bán đảo Crimea và cuộc chiến ở miền Đông Ukraine, không ai mong đợi Berlin sẽ đóng vai trò dẫn đầu bước đi này của EU.

Ngay cả khi hai cấp độ đầu tiên của cơ chế trừng phạt được kích hoạt (đình chỉ các cuộc đàm phán hiện tại và các trừng phạt các cá nhân, tổ chức của Nga), một số người vẫn tin rằng Đức sẽ tránh các lệnh trừng phạt về kinh tế.

Nhưng cuộc chiến ở miền Đông Ukraine leo thang và việc chuyến bay MH17 bị bắn rơi hồi mùa hè năm 2014 khiến Berlin không còn lựa chọn nào khác.

Theo quan điểm của Đức, các thỏa thuận Minsk đạt được giữa bốn quốc gia Normandy vào tháng 9/2014 và tháng 2/2015, nhằm chấm dứt xung đột ở vùng Donbass (Ukraine), không phải là kết quả của mối quan hệ tin cậy giữa Berlin (và cả Paris) với Moskva, mà là sự cô lập Nga và là áp lực quốc tế ngày càng lớn đối với nước này.

Kể từ năm 2014, danh sách các chủ đề nhạy cảm trong chương trình nghị sự song phương Đức-Nga ngày càng dài hơn.

Với các hành động của Nga như tấn công mạng nhằm vào Quốc hội Liên bang Đức năm 2015; tiếp cận các đảng cực hữu ở một số quốc gia thành viên EU, trong đó có đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD); những nghi vấn tác động đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và bầu cử tổng thống Pháp năm 2017… đã cho thấy sự can thiệp của Moskva vào đời sống chính trị của các quốc gia khác giờ không còn giới hạn chỉ trong khu vực lân cận của Nga nữa.

Và giờ đây, sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi ở Belarus, Moskva tiếp tục đứng sau ủng hộ vị Tổng thống Alexander Lukashenko - người đã sử dụng bạo lực để trấn áp các cuộc biểu tình của quần chúng chống lại cuộc bầu cử gian lận.

Trong nhiều năm, Berlin luôn cố gắng tìm kiếm một sự cân bằng chiến lược trong quan hệ với Nga. Một mặt, chính phủ Đức luôn muốn chống lại các hành động tấn công từ Nga; nhưng mặt khác, họ muốn tiếp tục đối thoại với nước này ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất. Điều đó khiến Đức phải hứng chịu rất nhiều sự chỉ trích, cả từ nội bộ EU cũng như từ Washington.

Tuy nhiên, những nỗ lực này của Đức không bao giờ được phía Nga hiểu hoặc công nhận. Ngược lại, Moskva luôn phủ nhận trách nhiệm trong các vụ gây rắc rối cho Đức. Kết quả là niềm tin và sự sẵn sàng của Berlin trong việc tăng cường quan hệ với Nga dần mất đi.

Đánh giá sai lầm của Nga trong quan hệ với Đức ảnh 2Công trình lắp đặt đường ống trong dự án "Dòng chảy phương Bắc 2" tại Lubmin, miền Đông Bắc Đức ngày 26/3/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Với việc đe dọa cân nhắc lại về dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 trên Biển Baltic sau vụ đầu độc Navalny, Thủ tướng Merkel đã cho thấy rằng ngay cả sự tách biệt rõ ràng giữa lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực chính trị, điều trước đây luôn là nguyên tắc cơ bản trong chính sách đối ngoại của Đức, thì nay cũng đang được xem xét lại.

Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là các cuộc tranh luận về nước Nga trong nội bộ nước Đức sẽ đi đến một quan điểm thống nhất. Mối quan hệ với Nga vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi ở Đức.

Ở bên ngoài trung tâm chính trị Berlin, nhiều người tiếp tục ủng hộ mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, nhưng ở bên trong giới tinh hoa chính trị thì đã có sự thay đổi quan điểm đáng kể trong trong mười năm qua, theo hướng không có lợi cho Nga.

Sự thay đổi đó không phải là do giới tinh hoa chính trị Berlin từ chối nhận trách nhiệm về tội ác của Đức Quốc xã trong Chiến tranh Thế giới II (ngoại trừ đảng AfD- đảng mà Moskva đang nỗ lực tiếp cận), vì nhiều người Đức vẫn coi ký ức chung và sự hòa giải với Nga là quan trọng.

Câu hỏi vẫn là, tại sao những người ra quyết định ở Moskva không hiểu điều đó? Có ba cách giải thích như sau:

Họ thực sự không biết. Trong kịch bản này, giới tinh hoa chính trị Nga thực sự không biết gì về sự thay đổi trong các cuộc tranh luận ở Đức.

Thực tế, với nguyên tắc tổ chức hệ thống chính trị theo chiều dọc từ trên xuống của Nga, những sự thật dễ "gây mất lòng" thường không được truyền tải một cách chính xác đến các lãnh đạo chính trị ở cấp cao nhất.

Họ không hiểu. Điều tương tự cũng xảy ra như trên. Ngôn ngữ tuyên truyền của nhà nước Nga rất thích giải thích rằng phương Tây (Mỹ) đứng sau tất cả các vụ việc.

Moskva luôn khẳng định các hành động của họ chỉ mang tính chất phòng thủ, điều đó có nghĩa là Nga không bao giờ phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ diễn biến tiêu cực nào. Một quan điểm như vậy sẽ dẫn đến việc không thể thiết lập mối liên hệ nhân quả giữa hành động và hậu quả của hành động đó.

Thái độ tiêu cực của Đức do đó có thể được hiểu rằng không liên quan gì đến chính sách của Berlin với Moskva, mà là do Đức hoàn toàn phụ thuộc vào sự điều khiển của Mỹ.

Họ không quan tâm. Trong kịch bản này, ở Moskva tồn tại tâm trạng u ám chung về mối quan hệ với EU và Đức. Các quan hệ này đã đi xuống từ nhiều năm qua. Vì Nga không chịu trách nhiệm (như đã nói ở trên) nên không thể làm gì để cải thiện tình hình.

Ngoài ra, Moskva tin rằng phương Tây đang nhanh chóng mất đi quyền lực và giá trị của nó trong một hệ thống quốc tế đang thay đổi, vì vậy không cần thiết phải nỗ lực vun đắp cho các mối quan hệ này.

Có thể các yếu tố từ cả 3 kịch bản trên đều đóng một vai trò nào đó. Và Đức có lẽ sẽ không từ bỏ đối thoại với Nga, ngay cả sau những vụ việc gần đây nhất. Tuy nhiên, Berlin đã mất lòng tin vào Nga và sẽ ngày càng đầu tư ít hơn cho việc duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với nước này.

Có lẽ, những người ra quyết định ở Moskva cuối cùng cũng phải hiểu rằng điều đó liên quan nhiều đến những hành động của chính họ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục