Ngày 8/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm đổi mới phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Một số vấn đề lý luận-thực tiễn cốt yếu về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.”
Tham dự và chủ trì hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết hội thảo nhằm tập trung đánh giá sát 30 năm đổi mới của nền kinh tế đất nước, đặc biệt là trong 10 năm qua, sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) với những đánh giá khách quan, đưa ra phát hiện mới, tư tưởng mới, tư duy mới cho sự phát triển. Đã có trên 30 bản tham luận gửi đến hội thảo từ Trung ương, các địa phương với tinh thần tích cực.
Tại hội thảo, các ý kiến đóng góp cần thẳng thắn, khách quan, khoa học, trực tiếp vào những vấn đề đặt ra, trong bối cảnh đất nước có nhiều thay đổi, thế giới hết sức sôi động.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sau gần 30 năm đổi mới, các yếu tố cấu thành cơ bản của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đã được tạo lập và đi vào hoạt động, từng bước hoàn thiện. Những thành tựu đổi mới về kinh tế cùng với đổi mới về chính trị đã tạo nên bầu không khí dân chủ mới trong xã hội, tạo nên động lực mới, đưa đất nước không chỉ thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội mà còn vươn lên nhóm nước có mức thu nhập trung bình, làm thay đổi căn bản diện mạo kinh tế-xã hội của đất nước. Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật về xóa đói giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia tăng lên rõ rệt so với thời kỳ trước đổi mới.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kinh tế thị trường đã có lịch sử mấy trăm năm trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, kinh tế thị trường là mô hình kinh tế hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử và thời gian phát triển chưa đầy 30 năm. Vì vậy, trong quá trình phát triển, Việt Nam gặp không ít trở ngại, khó khăn và cả thiếu sót. Quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường của Việt Nam chưa hoàn tất, những thách thức, rào cản còn rất lớn trong cả tư tưởng, nhận thức, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện.
Những hạn chế, thiếu sót, bất cập và những vấn đề đặt ra đòi hỏi chúng ta phải tập trung cao độ trí tuệ để làm rõ những căn cứ lý luận và thực tiễn về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam và phù hợp với nguyên tắc chung của kinh tế thị trường trên thế giới ngày nay. Phương hướng cơ bản là phải dựa trên cơ sở nền tảng khoa học và bắt kịp những xu thế phát triển khách quan của thời đại để giải quyết những bức xúc trước mắt cũng như định ra đường hướng phát triển kinh tế dài hạn cho đất nước.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận, làm rõ những nội dung chính gồm mô hình tổng quát phát triển nền kinh tế thị trường đại hướng xã hội chủ nghĩa hiện nay của Việt Nam, cần phải làm sâu sắc và mới ở những luận điểm nào, dựa trên cơ sở luận cứ và luận chứng nào, nhất là khi chúng ta sẽ hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế thị trường toàn cầu vào năm 2018. Thế giới hiện nay có nhiều mô hình kinh tế thị trường với nhiều đặc điểm đa dạng khác nhau, Việt Nam có thể học được gì ở những mô hình này và sẽ vận dụng được gì cho tương lai phát triển của đất nước.
Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Phó Thủ tướng cho rằng cần làm rõ một số điểm sau: thị trường có phải là cơ chế hiệu quả trong đó lấy cạnh tranh làm động lực trong quá trình huy động và phân bổ các nguồn lực, giúp giải phóng sức sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế? Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa như thế nào? Nhà nước nên giữ vai trò dẫn dắt, chi phối hay định hướng, kiến tạo phát triển thị trường, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, khuyến khích cạnh tranh, thúc đẩy hội nhập và phát triển? Kinh tế tư nhân đã được chứng minh là một trong các động lực chính của tăng trưởng, liệu có đủ cơ sở thực tiễn để khẳng định đây là động lực quan trọng và có ý nghĩa quyết định đối với tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế trong tương lai.../.