Đánh giá môi trường kinh doanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Trong 5 năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long đều đứng đầu về điểm số PCI trong 6 vùng kinh tế cả nước và đứng đầu rất nhiều chỉ số so với các vùng miền khác.
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)
Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Ngày 15/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo đánh giá môi trường kinh doanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long qua kết quả phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tấn Thành cho biết, trong cải thiện môi trường kinh doanh, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều nỗ lực đáng kể qua các năm và có nhiều địa phương nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế dẫn đầu của cả nước.

Trong 5 năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long đều đứng đầu về điểm số PCI trong 6 vùng kinh tế cả nước và đứng đầu rất nhiều chỉ số so với các vùng miền khác. Theo đó, điểm số PCI trung vị của vùng vẫn duy trì được xu hướng tăng bền vững qua các năm.

Cụ thể, giai đoạn 2015-2019 điểm PCI trung vị đã tăng 10%, tương đương với 5,95 điểm, từ 59 điểm năm 2015 lên 64,99 điểm ở năm 2019.

Trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước, Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang nắm giữ 5 vị trí bao gồm tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Long An và thành phố Cần Thơ.

Theo đó, Đồng Tháp tiếp tục giữ vị trí 2/63 tỉnh thành cả nước trong 3 năm liền; An Giang là tỉnh tăng điểm và hạng nhiều nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2019; tỉnh Vĩnh Long có sự thăng hạng vượt bậc và nằm trong 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu.

Điểm chỉ số thành phần của các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng có sự cải thiện, đồng đều hơn, cho thấy đã có sự tiến bộ ở tất cả các mảng.

Đánh giá môi trường kinh doanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Các đại biểu tham gia Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn từ các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định, điểm số PCI của các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có cải thiện rõ rệt qua các năm; trong đó, có 5 trong số 13 tỉnh thường xuyên nằm trong nhóm 20 tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng PCI cả nước.

Điều đó cho thấy, Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá có năng lực điều hành ổn định, bền vững, kết hợp cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi, hướng đến mục đích trở thành vùng kinh tế năng động, hiện đại đóng góp lớn vào nền kinh tế của đất nước.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến việc cải thiện chỉ số PCI như kết quả chỉ số PCI năm 2019 của cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; phân tích môi trường kinh doanh Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long qua đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhìn từ chỉ số PCI; kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long và những trong cải cách qua góc nhìn PCI.

Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý điều hành qua các mô hình từ các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như các địa phương có mô hình cải cách tốt ở khu vực phía Bắc làm thế nào để Đồng bằng sông Cửu Long luôn là điểm sáng của cải cách.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI cho rằng, các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần tập trung cải thiện một số khía cạnh để cải thiện chỉ số PCI trong thời gian tới như cải thiện chí phí gia nhập thị trường, đặc biệt là các chi phí hậu đăng ký kinh doanh; giảm bớt gánh nặng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp.

Ngoài ra, các tỉnh trong vùng cũng cần chú trọng khuyến khích phát triển thị trường cung cấp các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.

[Việt Nam có khả năng trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới]

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, chỉ số PCI do VCCI công bố hàng năm được các tỉnh đặc biệt quan tâm và xem đây là thước đo quan trọng, đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, nỗ lực cải cách hành chính, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các địa phương.

Riêng tỉnh Vĩnh Long, qua kết quả PCI trong những năm qua, gần nhất là năm 2019, có thể thấy hầu hết các chỉ số thành phần đều có bước nhảy vượt bật về điểm số và thứ hạng. Lần đầu tiên trong 5 năm qua, Vĩnh Long đạt tổng điểm trên 70 điểm và có 9/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2018, trong đó có những chỉ số thành phần rất cao như: Tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, chi phí thời gian...

Đánh giá môi trường kinh doanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2Ông Võ Tấn Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Phạm Minh Tuấn/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long nhận định, ngày càng có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước sử dụng dữ liệu PCI như một nguồn thông tin có giá trị khi xem xét ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại một địa phương nào đó.

Do đó, hội thảo là cơ hội tốt để các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, đồng thời nhận diện và khắc phục những tồn tại hạn chế trong việc cải thiện PCI từ đó có giải pháp điều chỉnh phù hợp trong chiến lược phát triển của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của các doanh nghiệp, thu hút tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục