Đánh giá môi trường chiến lược với từng lưu vực sông

VRN, PanNature, Ciwarem kiến nghị Quốc hội cần đánh giá môi trường chiến lược với quy hoạch thủy điện quốc gia ở từng lưu vực sông.
Đánh giá môi trường chiến lược với từng lưu vực sông ảnh 1Một công trình thủy điện trong quá trình xây dựng. (Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN)

Ngày 25/11, tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN), Trung tâm con người và thiên nhiên (PanNature, thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) và Trung tâm hỗ trợ quản lý tổng hợp tài nguyên nước (Ciwarem) đã có văn bản gửi Quốc hội kiến nghị đối với vấn đề quy hoạch và quản lý các dự án thủy điện trên các lưu vực sông.

VRN, PanNature và Ciwarem đánh giá, với mạng lưới sông ngòi dày đặc và điều kiện địa hình thuận lợi, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia có tiềm năng về thủy điện. Trong hơn 20 năm qua, nguồn tiềm năng này đã được khai thác mạnh mẽ phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Hiện nay, Việt Nam có 268 công trình thủy điện lớn, vừa và nhỏ đã đi vào vận hành, 205 dự án đang được xây dựng và hàng ngàn hồ chứa đã được quy hoạch. Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho thấy thủy điện hiện đóng góp 45,17% tổng sản lượng điện của mạng lưới điện toàn quốc.

Bà Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm con người và thiên nhiên cho rằng, bên cạnh một số đóng góp cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, việc phát triển thủy điện quá nhanh và “nóng” đã bộc lộ nhiều bất cập. Thủy điện đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, sinh thái, xã hội.

Một diện tích khá lớn đất rừng, đất nông nghiệp và các loại đất khác đã bị chiếm dụng vĩnh viễn bởi các công trình này. Thủy điện làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, cả trong mùa lũ và mùa kiệt, làm giảm đáng kể lượng phù sa xuống hạ lưu.

Trước thực trạng trên, VRN, PanNature và Ciwarem kiến nghị Quốc hội và các cơ quan quản lý cần khẩn trương đánh giá toàn diện quy trình vận hành của các công trình thủy điện đơn lẻ cũng như các công trình bậc thang, vấn đề an toàn đập, an toàn hạ lưu; tiếp tục rà soát quy hoạch phát triển thủy điện, xem xét trì hoãn việc xây dựng các dự án trong quy hoạch khi chưa có đánh giá đầy đủ về chi phí môi trường, xã hội.

Các cơ quan quản lý cần thực hiện các đánh giá thiệt hại liên quan đến thủy điện; quyđịnh rõ trách nhiệm và thẩm quyền của các bên liên quan trong quá trình quản lý và giám sát sự vận hành của nhà máy, đặc biệt quy trình khi tích nước và xả nước.

VRN, PanNature, Ciwarem cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị định 29/2011/NĐ-CP quy định về việc đánh giá môi trường chiến lược đối với quy hoạch thủy điện cấp quốc gia.

Chính phủ cần ưu tiên thực hiện đánh giá môi trường chiến lược cho các kế hoạch phát triển thủy điện trong từng lưu vực sông để xem xét các vấn đề liên quan như môi trường, xã hội và tính phù hợp đối với các quy hoạch phát triển hay kế hoạch bảo tồn thiên nhiên khác trước khi cho phép chuyển sang giai đoạn đầu tư./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục