Đánh giá lại quy mô GDP: Đưa ra định hướng đúng cho phát triển kinh tế

Việc đánh giá đúng quy mô và tốc độ tăng chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và GRDP của địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo tính đầy đủ về quy mô và so sánh quốc tế.
Tổng cục Trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Tổng cục Thống kê đang tiến hành đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Việc đánh giá đúng quy mô và tốc độ tăng chỉ tiêu GDP của toàn bộ nền kinh tế và tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của địa phương có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo tính đầy đủ về quy mô và so sánh quốc tế.

Bên cạnh đó, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Để hiểu rõ hơn, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.

- Thưa ông, tại sao hiện nay lại đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Trong quá trình biên soạn chỉ tiêu GDP ở bất cứ quốc gia nào cũng luôn có những vấn đề phát sinh cần rà soát, đánh giá lại cả trong ngắn hạn và dài hạn. Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Mặt khác, do nguồn thông tin đầu vào phục vụ việc biên soạn, tính toán chỉ tiêu GDP hàng năm chưa đầy đủ, cần được bổ sung cập nhật.

Đơn cử, sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chưa được phản ánh kịp thời, đầy đủ trong dữ liệu của các cơ quan quản lý nhà nước. Như vậy, việc đánh giá lại là một yêu cầu khách quan, tự thân của Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.

[Tổng cục Thống kê: Đánh giá lại quy mô GDP là yêu cầu cấp thiết]

Mục đích quan trọng nhất là qua đó có thể đưa ra bức tranh xác thực, đầy đủ nhất về quy mô GDP, các vấn đề, sự thay đổi cùng hàng loạt yếu tố liên quan. Đó là đầu vào phục vụ việc nghiên cứu, so sánh, điều hành, ra quyết định của cấp quản lý vĩ mô...

- Vậy, ông lý giải thế nào về việc chọn thời điểm này để công bố thông tin đánh giá lại quy mô GDP?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Theo thông lệ thống kê quốc tế thì khi có nguồn thông tin đầy đủ, toàn diện từ các cuộc tổng điều tra, từ hồ sơ hành chính các cơ quan thống kê quốc gia thì sẽ thực hiện đánh giá lại quy mô GDP.

Tôi cũng nhấn mạnh rằng đây không phải lần đầu tiên ngành thống kê đánh giá lại GDP. Cụ thể, năm 2013, chúng tôi đã thực hiện đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2008-2012; trong đó tập trung vào việc đánh giá lại một số lĩnh vực gồm ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, bất động sản.

Việc đánh giá lại quy mô GDP lúc này là đúng thời điểm, nhằm phản ánh xác thực quy mô, năng lực của nền kinh tế. Trong đó, có tính đến yêu cầu phục vụ công tác xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025. Việc đánh giá lại GDP sẽ giúp các cấp thẩm quyền đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước...

- Thưa ông, việc đánh giá lại quy mô GDP lần này có phải là áp dụng “cách tính mới” không?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tôi nhấn mạnh, đánh giá lại quy mô GDP không có gì liên quan đến “cách tính mới,” vì chúng tôi vẫn sử dụng các phương pháp theo quy định để biên soạn GDP cũng như các chỉ tiêu kinh tế khác.

Đây là sự ổn định và phù hợp với thông lệ quốc tế; trong đó tạo bảo đảm sự so sánh, đối chiếu và được công nhận rộng rãi trên thế giới. Đơn cử, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) luôn hợp tác chặt chẽ với ngành thống kê và đánh giá cao về hiệu quả hoạt động thống kê của Việt Nam.

Phạm vi đánh giá lại quy mô GDP lần này chỉ xem xét, rà soát các hoạt động kinh tế thuộc phạm vi sản xuất theo quy định của Việt Nam, không đề cập tới các hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế bất hợp pháp.

Đánh giá lại quy mô GDP lần này, Tổng cục Thống kê sẽ kết hợp với dữ liệu từ Tổng cục Thuế về thông tin doanh nghiệp nên mọi biến số sẽ “rất đầy đủ.” Theo đó, sẽ bổ sung thêm thông tin của hơn 70.000 doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp đánh giá đúng về nền kinh tế, sức khỏe của doanh nghiệp, từ đó giúp các cơ quan hoạch định chính sách đưa ra các chính sách phù hợp.

Bên cạnh đó, thời gian qua có nhiều người hiểu nhầm về các số liệu, cách tính GDP, GDP bình quân trên đầu người của Việt Nam, chính vì vậy lần này Tổng cục Thống kê sẽ mời các nhà khoa học để thông tin rõ về quy trình, để họ giám sát, hiểu đúng hơn.

- Ông có thể cho biết những kinh nghiệm quốc tế về đánh giá lại quy mô GDP?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như: Mỹ, Trung Quốc, Canada, Đức, Nga, Italy, Indonesia... đã tiến hành điều chỉnh, công bố lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô khác có liên quan.

Cuối tháng 7/2013, Mỹ công bố kết quả đánh giá lại quy mô GDP năm 2012 tăng thêm 560 tỷ USD, tăng 3,6% so với số liệu đã công bố. Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành đánh giá lại quy mô GDP (năm 2004, năm 2008, năm 2013 và năm 2015), trong đó năm 2013 đã bổ sung khoảng 305 tỷ USD vào quy mô GDP, tương đương tăng thêm 3,4%; năm 2015 tiếp tục bổ sung 141 tỷ USD vào quy mô GDP, tương đương tăng thêm 1,3%. Năm 2013, GDP của Nga được đánh giá lại tăng 24,3%; Đức tăng 3%; Italy tăng 7%. Năm 2014, GDP của Bulgari đánh giá lại tăng 31,2%; Rumani và Croatia tăng 28,4%...

- Ông có thể cho biết các yêu cầu, nguyên tắc quan trọng trong đánh giá lại GDP?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Yêu cầu tổng thể là bảo đảm sự trung thực, chính xác, khách quan về số liệu; tránh trùng lắp hoặc bỏ sót thông tin. Từ đó, loại bỏ được vấn đề chênh lệch số liệu, cách hiểu thiếu chính xác hoặc không đúng đối với cá nhân, tổ chức sử dụng kết quả thống kê.

Chúng tôi bảo đảm một số nguyên tắc gồm bảo đảm tính toàn diện; trong đó đánh giá lại GDP đầy đủ phạm vi tất cả các ngành trong nền kinh tế; bảo đảm tính thống nhất quy trình và phương pháp tính theo quy trình chặt chẽ, khoa học, thống nhất và khách quan cũng như đúng thông lệ quốc tế; bảo đảm tính lịch sử và tính so sánh, phản ánh đúng và rõ thực trạng, đặc điểm kinh tế-xã hội, thống nhất về lý luận và thực tiễn, sự nhất quán theo chuỗi thời gian, không gian.

- Thưa ông, trong quá trình đánh giá lại quy mô GDP Tổng cục Thống kê có gặp khó khăn, thách thức gì không?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tôi cho rằng cần nhìn nhận thẳng thắn, bên cạnh sự ủng hộ, hợp tác của nhiều đơn vị, doanh nghiệp thì chúng tôi cũng gặp và phải khắc phục một số khó khăn do không ít cơ quan, nhất là doanh nghiệp đã không hợp tác, thậm chí gây khó cho cán bộ, điều tra viên. Hậu quả là mất thêm thời gian và chúng tôi phải dùng các biện pháp khác. Nhưng các tồn tại đó vẫn có thể gây sai lệch, ảnh hưởng đến quá trình thu thập thông tin đầu vào cũng như xử lý dữ liệu của ngành.

Đây là thực tế cần nhận diện nhưng ngành thống kê không thể tự giải quyết hoàn toàn. Nhân đây, tôi đề nghị các đơn vị cần tự giác thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin, ủng hộ ngành thống kê làm tốt nhiệm vụ của mình. Chúng tôi sẽ tăng cường tuyên truyền để cộng đồng hiểu đúng, đầy đủ ý nghĩa các con số và ứng xử đúng đắn khi sử dụng số liệu thống kê... Kết quả chính thức sẽ được công bố vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 sắp tới.

- Xin ông cho biết kết quả đánh giá lại quy mô GDP sẽ tác động đến các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế như thế nào?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Đó là, tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế-xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.

Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao. Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.

Đánh giá lại quy mô GDP làm thay đổi cơ cấu GDP: tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tuy nhiên mức thay đổi không lớn. Quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên.

- Xin cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục