Trong khuôn khổ hoạt động của Dự án CIEM-GIZ năm 2018, sáng 30/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đầu tư càng tạo ra giá trị gia tăng cao sẽ tạo ra được một xã hội thịnh vượng. Nguồn lực dành cho đầu tư là vấn đề rất quan trọng, nếu không chú ý đầu tư không những không đem lại hiệu quả còn làm héo mòn nguồn lực.
Theo ông Cung, trong xu thế kinh tế mới, thu hút đầu tư theo chiều rộng không còn phù hợp và không mang lại hiệu quả như mong muốn, chính vì vậy cần có chính sách mới về vấn đề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tiến sỹ Đinh Trọng Thắng, Trưởng Ban Chính sách đầu tư, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, từ trước đến nay, Việt Nam mới chỉ chú trọng, dựa vào chi phí thấp về lao động thấp, đất đai, tài nguyên để thu hút FDI. Nhưng, trong bối cảnh mới không còn quá nhiều dư địa để tận dụng những lợi thế mang tính tĩnh này để thu hút đầu tư, do những nguồn tài nguyên là hữu hạn.
“Việt Nam cần tập trung vào những lợi thế mang tính động để thu hút FDI theo hướng hiệu quả theo hướng áp dụng khoa học công nghệ để hướng ra thị trường quốc tế,” ông Thắng nói.
Ông Thắng đề nghị, cần cân bằng những nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp nội và đầu tư FDI để tăng tính liên kết giữa hai luồng đầu tư. Trong thời gian tới, cần tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh.
Cũng theo ông Thắng, cần thu hút FDI theo hướng chủ động, dựa trên điểm mạnh, điểm yếu của mỗi địa phương bằng cách nâng cao tính hấp dẫn của địa phương trong mắt các nhà đầu tư. Đồng thời, tạo ra sự phù hợp và nhất quán giữa mục tiêu thu hút đầu tư, danh mục ưu tiên đầu tư, biện pháp xúc tiến, ưu đãi thu hút đầu tư.
Đặc biệt, nên ưu đãi cho các doanh nghiệp theo hiệu hiệu quả kinh doanh nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư lâu dài và hiệu quả trên địa bàn.
[Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 16,5 tỷ USD]
Từ trường hợp nghiên cứu hiệu quả đầu tư vốn FDI vào tỉnh Bắc Giang, ông Thắng chỉ ra những bất cập trong việc thu hút vốn ngoại tại các địa phương. Theo đó, việc thiết kế chính sách chưa nhất quán giữa các mục tiêu, chính sách đưa ra cho toàn bộ các tỉnh thành mà chưa dựa trên lợi thế cạnh tranh, đặc thù của mỗi địa phương. Hơn nữa, chính sách ưu đãi còn phức tạp, chồng chéo, nằm rải rác ở nhiều văn bản luật pháp khác nhau (Luật Đầu tư, Luật Thuế,...)
Trong thực hiện chính sách thu hút FDI cũng còn có những hạn chế như không theo dõi quá trình thực hiện chính sách và có đánh giá chi phí lợi ích của chính sách, các tác động của chính sách.
Ông Lê Thủy Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu sửa đổi chính sách đầu tư; Luật Đặc khu.
Theo ông Trung, thực tế, chính sách đầu tư hiện nay chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Đơn cử như ngành công nghiệp ô tô chủ yếu thực hiện lắp ráp, trong khi chuyển giao công nghệ rất ít.
Ngành công nghiệp điện tử cũng chủ yếu là lắp ráp, nội địa hóa chỉ từ 10-20%. Các ngành khác như dệt may, da giày là ngành Việt Nam có thế mạnh, nhưng chủ yếu nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất là nhập khẩu nên giá trị gia tăng rất thấp.
“Cần có những ngành kinh tế mũi nhọn, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, khuyến khích chuyển giao công nghệ,... và nên đưa vào luật để khuyến khích đầu tư,” ông Trung cho hay.
Bên cạnh đó, ông Trung bày tỏ, tại các địa phương, vùng sâu vùng xa, việc thu hút FDI là rất khó khăn, cho dù có ưu đãi thuế rất tốt cũng không thu hút được doanh nghiệp FDI.
Những địa phương này vẫn phải dựa vào các ngành như chế biến lâm sản, khai khoáng để phát triển, nhưng quan điểm là phải tiến tới chế biến sâu để đem đến giá trị gia tăng cao hơn./.