Trong ngày 24/7, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã khảo sát thực tế tại ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn nhất thành phố, gồm: Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn nhằm đánh giá việc phòng chống dịch COVID-19 tại ba chợ này. Từ đó có phương án tổ chức trạm trung chuyển hàng hóa, kết nối lại chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại khu vực phía Nam.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong bối cảnh hiện nay, nhất là thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh, mà cả những địa phương khác đều có nhu cầu về địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu.
Tuy nhiên, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên có phương án mở một số địa điểm ở các chợ đầu mối phục vụ trung chuyển hàng hóa cần kế hoạch đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, qua khảo sát thì ba chợ đầu mối tại Thành phố Hồ Chí Minh đều có địa điểm phù hợp và đáp ứng yêu cầu trong việc mở điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất mở lại một số chợ truyền thống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh với ưu tiên hàng đầu là đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Cùng quan điểm, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chợ Bình Điền không chỉ là nơi cung ứng hàng hóa cho riêng thị trường Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là đầu mối giao thương, trung chuyển nông sản, đặc sản cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Do đó, việc khảo sát và đánh giá để xem xét cho hoạt động lại một phần chợ Bình Điền là yêu cầu cấp bách và đáp ứng nhu cầu thị trường.
[TP.HCM sẽ mở lại chợ, bán thực phẩm tươi sống và hàng thiết yếu]
Mặt khác, bà Phan Thị Thắng cũng đề xuất Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho những lao động trực tiếp tham gia vào việc cung ứng hàng hóa thiết yếu được ưu tiên tiêm vaccine; trong đó, có thể kể đến các tiểu thương kinh doanh tại chợ, tài xế chở hàng...
Liên quan đến kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa khu vực, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho hay, hàng hóa tại nhiều tỉnh, thành đang bị tồn đọng và ách tắc cục bộ, nguyên nhân đến từ một phần ba chợ chợ đầu mối của Thành phố Hồ Chí Minh tạm đóng cửa.
Trong khi đó, dù kênh phân phối hiện đại đang không ngừng nỗ lực kết nội địa phương, nhưng cũng chỉ đạt khoảng 70% sản lượng so với hàng hóa lưu thông qua chợ đầu mối như trước đây.
Theo báo cáo của Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Hóc Môn, tính đến hiện tại, phương án mở điểm trung chuyển tại chợ này đã được chính quyền địa phương và Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất.
Bên cạnh đó, một số thương nhân, tiểu thương cũng đã đăng ký và đang được hướng dẫn để thực hiện phương án này.
Cụ thể, chợ Hóc Môn bố trí khu vực tập kết hàng hóa có diện tính khoảng 5.000m2; khu vực cho tài xế, thương nhân và người lao động tại chợ thực hiện "3 tại chỗ."
Nếu điểm trung chuyển này đi vào hoạt động, có thể đảm bảo tiếp nhận và phân phối 120-150 tấn hàng hóa mỗi ngày, góp phần giảm áp lực cho kênh phân phối hiện đại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Còn báo cáo của Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Thủ Đức cho thấy, điểm tập kết, trung chuyển tại chợ này đã đi vào hoạt động từ ngày 12/7 đến nay tại bãi xe container trong khuôn viên chợ.
Tại điểm này, Ban quản lý chợ bố trí lực lượng giám sát, kiểm soát biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tất cả đối tượng ra-vào. Hiện nay, điểm tập kết, trung chuyển tại chợ Thủ Đức đạt khoảng 50 tấn hàng hóa mỗi ngày.
Vào thời điểm bình thường, ba chợ Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận và phân phối khoảng 8.500-9.000 tấn hàng hóa/ngày và trong đó có một phần sản lượng được trung chuyển, đưa đi các tỉnh, thành khác tiêu thụ.
Hàng hóa nhập về các chợ này, chủ yếu là lương thực, thực phẩm như thịt gia súc, thịt gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, trái cây, đồ khô, đặc sản vùng miền…
Ghi nhận thực tế trên thị trường bán lẻ Thành phố Hồ Chí Minh, sức mua trong ngày 23 và 24/7 có xu hướng tăng trở lại khi Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường một số biện phát thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg.
Điều này dẫn đến một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán lẻ... trên địa bàn thành phố lại xảy ra tình trạng đứt hàng cục bộ trong thời gian ngắn vì không đủ nguồn nhân lực bổ sung hàng hóa kịp thời lên quầy, kệ.
Cùng với việc phối hợp liên ngành để sớm có cơ chế mở lại ba chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn, ngành công thương Thành phố Hồ Chí Minh cũng đang tăng cường tận dụng mọi chuỗi bán lẻ sẵn có trên địa bàn thành phố Thủ Đức, quận, huyện để đưa hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến tay mọi người dân.
Thống kê từ ngày 11/7 đến nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện được gần 800 điểm bán, cung cấp 415 tấn thực phẩm các loại, 120.700 quả trứng gia cầm... cho người dân thành phố.
Còn ở kênh bán hàng lưu động, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai được gần 80 điểm bán, cung cấp 19 tấn thực phẩm các loại do nhà bán lẻ, doanh nghiệp tham gia cung ứng. Riêng mạng lưới chợ truyền thống, hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn khoảng 30 chợ đang hoạt động.
Trước thực tế này, chính quyền thành phố Thủ Đức, quận, huyện và đơn vị kinh doanh cũng phối hợp chặt chẽ với ngành công thương, thúc đẩy những hệ thống bán lẻ, điểm bán tạp hóa... có sẵn và đạt yêu cầu về biện pháp phòng chống dịch COVID-19 chuyển đổi ngành hàng kinh doanh, tăng cường cung ứng lương thực, thực phẩm.
Song song đó, hoạt động mở lại một số chợ truyền thống cũng sẽ căn cứ vào tình hình cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn, hướng đến phương thức tổ chức mua sắm cho người dân phù hợp với phòng chống dịch COVID-19 như phát phiếu đi chợ, nhận đặt hàng qua điện thoại, đi chợ giúp người dân bị phong tỏa.../.