Đánh giá của Tổ chức Phóng viên Không biên giới là không có độ tin cậy

Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết đây không phải lần đầu tiên Tổ chức Phóng viên Không biên giới đưa ra những báo cáo dựa trên những thông tin sai sự thật, không có cơ sở và có dụng ý xấu.
Phóng viên TTXVN tác nghiệp trong khu cách ly của Viện Huyết học Truyền máu Trung ương. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 23/4, tại Họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về việc cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin ngày 18/4, Tổ chức Phóng viên Không biên giới ra báo cáo về tự do báo chí năm 2019, trong đó xếp Việt Nam đứng thứ 176/180 nước về tự do báo chí, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng cho biết đây không phải lần đầu tiên Tổ chức Phóng viên Không biên giới đưa ra những báo cáo dựa trên những thông tin sai sự thật, không có cơ sở và có dụng ý xấu.

Việc Tổ chức Phóng viên Không biên giới tự cho phép xếp hạng tự do báo chí của một quốc gia theo những tiêu chí riêng của họ mà không thực sự hiểu rõ về hoàn cảnh, điều kiện của mỗi quốc gia khiến những đánh giá, nhận định của Tổ chức này không có độ tin cậy, thuyết phục.

Tại Việt Nam, quyền tự do ngôn luận nói chung và quyền tự do báo chí nói riêng được quy định cụ thể trong Hiến pháp năm 2013 và nhiều văn bản luật liên quan. Báo chí Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích xã hội, các quyền tự do của nhân dân, đóng góp cho công tác kiểm tra, thực thi chính sách và pháp luật của nhà nước.

[Nâng cao tính sắc bén trong công tác đấu tranh chống thông tin xấu độc]

Trong thời gian qua, báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện, đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực cũng như truyền đạt thông tin công khai, minh bạch kịp thời về những vấn đề nóng của đất nước mà tiêu biểu hiện nay chính là đảm bảo thông tin chính xác về dịch COVID-19 đến được người dân và tạo đồng thuận trong xã hội về phòng chống dịch.

Người dân cũng được tạo điều kiện thuận lợi tận dụng hiệu quả các kênh báo chí truyền thông để thực hiện các quyền của mình, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách pháp luật của nhà nước.

Trong những năm vừa qua, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam được thể hiện rất rõ thông qua sự phát triển mạnh mẽ của báo chí về số lượng, sự đa dạng về loại hình.

Hiện nay trên cả nước có gần 1.000 cơ quan báo in và báo điện tử, trên 90 kênh phát thanh, gần 200 kênh truyền hình cùng với sự tham gia của các hội viên hội nhà báo đang tác nghiệp trên tất cả các loại hình báo chí và tích cực sử dụng công nghệ làm báo tiên tiến giúp đưa thông tin đầy đủ và kịp thời tới người dân Việt Nam.

Các phóng viên, nhà báo tại Việt Nam luôn được tạo điều kiện tham gia tích cực vào việc phản ánh sâu rộng, toàn diện mọi khía cạnh đời sống của cả nước.

Các nhà báo tại Việt Nam cũng được luật pháp bảo vệ và đồng thời hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, đóng góp có trách nhiệm vào lợi ích chung của người dân và xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục