Đánh giá của Mỹ về việc Nga-Trung có xu hướng mở rộng hợp tác

Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cho rằng, quan hệ hiện nay giữa Trung Quốc và Nga gần gũi hơn so với cách đây vài thập kỷ, trong khi đó, một số đồng minh của Mỹ ngày càng xa cách Washington.
Đánh giá của Mỹ về việc Nga-Trung có xu hướng mở rộng hợp tác ảnh 1Chủ tịch Trung Quốc Tập Cân Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: EPA)

Báo Liên hợp Buổi sáng (Singapore) có chi nhánh ở Hong Kong mới đây dẫn lời các quan chức cấp cao thuộc các cơ quan tình báo Mỹ cho rằng Trung-Nga đang mở rộng hợp tác, mối quan hệ này mật thiết hơn so với cách đây vài thập kỷ và hai nước này đang cố gắng sử dụng Internet để đánh cắp thông tin, phá hoại quan hệ giữa Mỹ với các đối tác, đồng thời tác động đến chính sách của Mỹ, qua đó hình thành nên nhiều mối đe dọa.

Hai mối đe dọa lớn nhất hiện nay đến từ Trung Quốc và Nga chính là hoạt động gián điệp và tấn công mạng. Cả Trung Quốc và Nga đều đang tìm cách can dự vào cuộc tổng tuyển cử ở Mỹ năm 2020.

Khi đề cập đến các mối đe dọa toàn cầu, tại phiên điều trần thường niên trước Ủy ban Tình báo Thượng viện gần đây - do những người đứng đầu Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh Quốc gia chủ trì - giới quan chức Mỹ nhận định các mối đe dọa mà Trung Quốc và Nga tạo nên bao gồm gián điệp và tấn công mạng, đặt ra một loạt thách thức lớn đối với các lĩnh vực kinh tế, chính trị, tình báo, quân sự và ngoại giao của Mỹ và các đồng minh.


[Trung Quốc khẳng định hợp tác Trung-Nga không nhằm vào nước thứ ba]

Tại phiên điều trần, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Daniel Coates nói: “Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên đang sử dụng các biện pháp tấn công mạng để đánh cắp thông tin, tác động đến tư duy của người dân Mỹ và phá hoại các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước Mỹ.”

Theo ông, quan hệ hiện nay giữa Trung Quốc và Nga gần gũi hơn so với cách đây vài thập kỷ, trong khi đó, một số đồng minh của Mỹ ngày càng xa cách Washington, do những thay đổi trong chính sách an ninh và thương mại của Mỹ, để tìm kiếm sự độc lập hơn.

Ông nhấn mạnh: "Trung Quốc và Nga đang mở rộng hợp tác và thiết lập các quy tắc cũng như tiêu chuẩn quốc tế có lợi cho họ thông qua các tổ chức quốc tế nhằm cạnh tranh với các nước phương Tây như Mỹ... Họ đang cố gắng sử dụng ảnh hưởng của Internet để làm suy yếu thể chế dân chủ Mỹ, phá hoại quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh và đối tác, nhằm tác động lên chính sách của Mỹ.”

 

Ông Coates cũng cho biết chính quyền Mỹ đã bảo vệ thành công cuộc bầu cử quốc hội năm 2018 khỏi sự can thiệp từ bên ngoài, nhưng dự kiến trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2020, sẽ có một đợt tấn công và can thiệp mới, và đó là những hành động tấn công phức tạp hơn.

Ông Coates cảnh báo rằng sức ảnh hưởng của Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể và các năng lực tình báo của họ cũng thực sự gây kinh ngạc.

Giám đốc FBI Christopher Wray cũng cho rằng công tác chống các nguy cơ tình báo từ Trung Quốc cũng ngày càng sâu rộng, các vụ gián điệp kinh tế mà FBI bắt tay điều tra hầu hết đều liên quan đến Trung Quốc. Ông thừa nhận tình hình hiện nay rất đáng lo ngại và sẽ “đa dạng và nhiều thách thức hơn.”

Ông nói: “Chúng ta đã thấy đối thủ rất quan tâm đến việc xâm nhập hệ thống máy tính. Cuộc xâm lược này đến từ cả chính quyền và tội phạm mạng, và cả hai đối tượng ngày càng hiện diện trong một mối đe dọa hỗn hợp.”

 

Trong báo cáo “Đánh giá các mối đe dọa toàn cầu” thường niên trình bày trước Thượng viện, ngoài Trung Quốc và Nga, các quan chức tình báo cấp cao Mỹ cũng đã phân tích các mối đe dọa đối với nước Mỹ đến từ Triều Tiên, Iran và Syria, song quan điểm của họ đều trái ngược với quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi cho rằng Triều Tiên khó có thể từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Trong báo cáo, ông Coates nêu rõ: “Mặc dù Triều Tiên đang tìm cách đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa, nhưng chúng tôi tin rằng Triều Tiên sẽ không hoàn toàn từ bỏ năng lực sở hữu và sản xuất vũ khí hạt nhân. Các nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn tin rằng nếu muốn tiếp tục duy trì quyền lực, việc sở hữu vũ khí hạt nhân là cực kỳ quan trọng.”

Không lâu sau khi Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tổ chức hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều ở Singapore vào tháng 6/2018, Trump tuyên bố “mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên đã không còn tồn tại,” nhưng các quan chức cấp cao như Coates tin rằng “mối đe dọa đến từ Triều Tiên vẫn tồn tại giống như một năm trước,” khiến người ta hoài nghi liệu cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim lần hai dự kiến tổ chức tại Việt Nam trong tháng này có đạt được kết quả cụ thể hay không.

Ngoài ra, báo cáo “Đánh giá các mối đe dọa toàn cầu” cũng đưa ra phân tích ngược lại với Trump về các vấn đề liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và Iran.

Tổng thống Trump trước đó đã lên kế hoạch rút quân Mỹ khỏi Syria với lý do “IS đã bị đánh bại,” tuy nhiên ông Coates cho rằng việc IS điều hàng nghìn chiến binh đến Iraq và Syria cho thấy khả năng tổ chức cực đoan này tiếp tục tấn công Mỹ là rất cao.

Ông Coates còn cho biết giới chức tình báo Mỹ không tin Iran đang tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, điều này cũng khác biệt đáng kể so với quan điểm của Trump về việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi tháng 5/2018./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục