Hiện nay, so với các quốc gia trong khu vực, tỷ lệ chi tiêu tiền túi của người dân cho các hoạt động khám chữa bệnh trong y tế của người dân Việt Nam vẫn còn khá cao, chiếm khoảng 45%, là gánh nặng chi phí với người bệnh. Vì vậy, việc đánh giá công nghệ y tế đã và đang được coi là công cụ quan trọng trong việc xây dựng các gói quyền lợi Bảo hiểm Y tế.
Thông tin trên được đại diện Bộ Y tế đưa ra tại Hội nghị đánh giá công nghệ y tế với nội dung nâng cao hiệu quả sử dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong xây dựng gói quyền lợi Bảo hiểm Y tế, do Bộ Y tế phối hợp Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức.
3 đối tượng phải đánh giá
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay hiện nay ở nhiều quốc gia trên thế giới, đánh giá công nghệ y tế đã và đang được coi là công cụ quan trọng đối với quá trình thiết lập ưu tiên và hoạch định chính sách y tế, đặc biệt trong việc xây dựng các gói quyền lợi bảo hiểm y tế.
Ở Việt Nam, trong bối cảnh nguồn lực dành cho y tế còn hạn chế, trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng cao, đòi hỏi Quỹ Bảo hiểm Y tế cần phải bao phủ nhiều dịch vụ y tế một cách hiệu quả hơn, đánh giá công nghệ y tế đã trở thành công cụ cần thiết được phát triển và ứng dụng trong quá trình hoạch định chính sách y tế, chính sách bảo hiểm y tế.
Bộ Y tế gia hạn gần loại 12.000 thuốc và nguyên liệu làm thuốc
Tính đến thời điểm hiện nay, đã có gần 12.000 loại thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn theo Nghị quyết số 80 của Quốc hội.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng của hệ thống y tế là “Xây dựng các tiêu chuẩn và triển khai công tác đánh giá công nghệ y tế để xác định các can thiệp y tế có hiệu lực, hiệu quả, chi phí thấp, bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế.”
Trong những năm vừa qua, Bộ Y tế đã và đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng các chính sách trong đó ứng dụng các bằng chứng về đánh giá công nghệ y tế như đàm phán giá với các đơn vị cung ứng, lựa chọn các can thiệp y tế để xây dựng Danh mục thuốc Bảo hiểm Y tế…
Tiến sỹ Nguyễn Khánh Phương - Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho biết theo kinh nghiệm quốc tế, phạm vi đánh giá công nghệ y tế gồm 3 đối tượng phổ biến nhất là thuốc, trang thiết bị y tế, can thiệp y tế khác (quy trình chuyên môn kỹ thuật, chương trình y tế). Các bằng chứng đánh giá công nghệ y tế được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như lập kế hoạch, phân bổ ngân sách, xây dựng hướng dẫn thực hành lâm sàng, mua sắm thuốc, đàm phán giá thuốc…
Theo bà Phương, hoạt động đánh giá công nghệ y tế cần được thể chế hóa là yếu tố quan trọng nhất. Trong đó yêu cầu sử dụng đánh giá công nghệ y tế trong ra quyết định chính sách về quyền lợi, chi trả bảo hiểm y tế. Theo đó cần có hội đồng cấp quốc gia, cấp bộ về đánh giá công nghệ y tế.
Kiểm soát chi tiêu của Quỹ Bảo hiểm Y tế
Bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), đánh giá công nghệ y tế là đánh giá chi phí hiệu quả, đánh giá ngưỡng chi trả để biết được mức độ chấp nhận của Quỹ Bảo hiểm Y tế đối với giá đó và cũng biết được mức độ chấp nhận, khả năng chi trả của người dân căn cứ vào mức thu nhập trung bình.
Kiểm soát chi tiêu của Quỹ Bảo hiểm Y tế cần theo hướng, tăng thu giảm chi, thông qua việc áp dụng các biện pháp kiểm soát như: tập trung vào đổi mới phương thức chi trả (định suất, chi trả theo trường hợp bệnh).
Bộ Y tế đang triển khai các giải pháp để bảo đảm cân đối Quỹ Bảo hiểm Y tế cũng như quyền lợi của người tham gia Bảo hiểm Y tế như: đàm phán giá với các thuốc bản quyền, các chương trình hỗ trợ thuốc cho người bệnh ung thư và đề xuất triển khai thêm các gói Bảo hiểm Y tế bổ sung.
Bà Vũ Nữ Anh - Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết hiện hơn 92% dân số Việt Nam có thẻ Bảo hiểm Y tế. Sử dụng đánh giá công nghệ y tế hiệu quả sẽ giúp kiểm soát cân đối thu, chi của Quỹ Bảo hiểm Y tế đồng thời có giải pháp giảm chi từ tiền túi người dân. Hiện chi tiền túi của người dân cho y tế vẫn chiếm khoảng 43-45%, là gánh nặng chi phí với người bệnh.
Để công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, tỷ lệ này nên không quá 25%.
Theo Vụ Bảo hiểm Y tế, trước năm 2016, thu Quỹ Bảo hiểm Y tế luôn cao hơn số chi Quỹ Bảo hiểm Y tế và có kết dư. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2019, Quỹ Bảo hiểm Y tế phải đối mặt với tình trạng mất cân đối thu chi rất lớn. Năm 2019, Quỹ Bảo hiểm Y tế đã bội chi 2.323 tỷ đồng. Để khắc phục, ứng dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế là một giải pháp hữu hiệu góp phần kiểm soát vấn đề cân đối thu-chi Quỹ Bảo hiểm Y tế.
Theo Vụ Bảo hiểm Y tế, đánh giá công nghệ y tế là đánh giá hiệu quả danh mục dịch vụ y tế, trong đó có chi trả cho tiền thuốc, vì đây là khoản chi lớn cho khám chữa bệnh. Hiện, trong tổng chi từ Quỹ Bảo hiểm Y tế khoảng 35% chi cho thuốc. Trước đó, chi phí cho tiền thuốc có tỷ lệ chiếm hơn 60%.
Ngoài ra, trong cơ cấu chi của Quỹ Bảo hiểm Y tế, tỷ lệ chi cho tiền thuốc đã giảm qua các năm nhưng vẫn chiếm cao nhất hơn 33%, tiếp theo phẫu thuật thủ thuật, giường bệnh. Vì thế, vấn đề kiểm soát chi tiêu, đặc biệt là thuốc, rất quan trọng.
Từ kinh nghiệm đánh giá công nghệ y tế tập trung cho đánh giá hiệu quả chi phí của thuốc có chi phí cao tại một số nước, đại diện Bộ Y tế cho biết từ các đánh giá về hiệu quả của thuốc, dịch vụ y tế, cơ quan thẩm quyền có quyết định để đàm phán giá, đưa thuốc mới vào danh mục Bảo hiểm Y tế tăng cơ hội tiếp cận thuốc mới cho người dân. Chi phí đánh giá công nghệ y tế từ các nguồn từ Bộ Y tế, các quỹ hỗ trợ.
Tại hội nghị, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách và các đại biểu trong và ngoài nước đã thảo luận về những kết quả trong đánh giá công nghệ y tế; chia sẻ kinh nghiệm, chính sách quốc tế về ứng dụng bằng chứng đánh giá công nghệ y tế trong việc xây dựng gói quyền lợi. Đặc biệt, các chuyên gia giới thiệu quy trình, phương pháp, kỹ thuật và dữ liệu để thực hiện nghiên cứu đánh giá công nghệ y tế./.