Đánh giá cao nỗ lực ổn định kinh tế của Chính phủ

Các tổ chức quốc tế ghi nhận quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp tục theo đuổi các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô.
Tại Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) với chủ đề “Cập nhật tình hình kinh tế vĩ mô” tổ chức tại Quảng Trị ngày 4/6, các tổ chức quốc tế đã ghi nhận quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc tiếp tục theo đuổi các chính sách định hướng ổn định kinh tế vĩ mô.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho rằng trong năm tháng đầu năm, Chính phủ đã cơ bản kiềm chế được lạm phát, bước đầu ổn định kinh tế vĩ mô nhờ các chính sách tiền tệ và tín dụng được điều hành linh hoạt, hiệu quả, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng mạnh, nhập siêu được kiềm chế, góp phần cải thiện cán cân thương mại và cán cân tổng thể của nền kinh tế.

Tuy nhiên, đánh giá chung, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong những tháng đầu năm gặp nhiều khó khăn và xuất hiện một số dấu hiệu suy giảm kinh tế khi trong quý 1 tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt 4%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước (quý 1 năm 2010 tăng 5,84%, quý 1 năm 2011 tăng 5,57%).

Mặc dù vậy, ông Cao Viết Sinh vẫn cho rằng đây là mức tăng trưởng hợp lý trong điều kiện Chính phủ phải ưu tiên tập trung mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam đánh giá cao nỗ lực chính sách của Chính phủ trong việc giảm lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái và xây dựng lại dự trữ ngoại hối, cũng như ghi nhận quyết tâm của Chính phủ tiếp tục theo đuổi các chính sách định hướng ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, các giám đốc điều hành cũng lưu ý rằng nguy cơ dễ bị tổn thương vẫn hiện hữu và nhấn mạnh sự cần thiết của việc không nên áp dụng các chính sách nới lỏng quá sớm, cũng như cần đẩy nhanh hơn những cải cách cơ cấu.

Trong khi đó, theo báo cáo của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam tổ chức trước thềm hội nghị CG, cộng đồng doanh nghiệp cũng đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc triển khai các bước đi đúng đắn để ổn định kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, để có thể cải thiện sức cạnh tranh dài hạn của thị trường Việt Nam, Chính phủ cần ban hành nhiều kế hoạch và giải pháp cụ thể và phải được triển khai trên thực tế.

Dự báo tình hình kinh tế vĩ mô năm 2012, Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho rằng trong sáu tháng cuối năm 2012, khó khăn của doanh nghiệp về vốn, thì trường… sẽ dần được tháo gỡ; việc làm và thu nhập người dân sẽ cải thiện, sức mua của người dân sẽ tăng lên; tốc độ tăng giá cả cuối năm có thể sẽ cao hơn so với đầu năm và cả năm.

Tuy vậy, với khó khăn của cả nền kinh tế thế giới và trong nước, dự báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% cho cả năm 2012 là khó đạt được. Tăng trưởng quý 2 năm 2012 dự báo chỉ ở mức 4,5-4,6%. “Với việc thực hiện mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, phấn đấu giữ mức tăng trưởng GDP cả năm 2012 khoảng 6%, Thứ trưởng Cao Viết Sinh nhấn mạnh.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong những tháng cuối năm.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết sẽ thực hiện chính sách tài khóa một cách hợp lý, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, tín dụng. Giữ mức bội chi ngân sách không vượt quá chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.

Chia sẻ các giải pháp điều hành kinh tế trong thời gian tới, đại diện IMF - ông Sanjay Kalra cũng nhấn mạnh các chính sách kinh tế vĩ mô cần duy trì quan điểm thận trọng để củng cố những thành quả ổn định kinh tế vĩ mô đạt được gần đây. Chính phủ Việt Nam cần thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Đại diện IMF khuyến cáo Chính phủ Việt Nam cần ưu tiên kiềm chế lạm phát và tăng thêm nữa dự trữ ngoại hối. Điều này có thể phải chấp nhận tăng trưởng kinh tế chậm hơn trong ngắn hạn. Chính sách tài khóa cũng cần tiếp tục hỗ trợ sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài nhấn mạnh đến giải pháp cải thiện môi trường đầu tư khi cho rằng trong thời gian tới Việt Nam cần tăng cường quản trị và tính minh bạch trong phòng chống tham nhũng. Các nhà đầu tư cần được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ và dễ dàng để có thể sử dụng hiệu quả thời gian và các nguồn lực./.

Quốc Huy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục