Đánh chặn ma túy từ nước ngoài vào nội địa: Mối liên kết 'ma quỷ'

Sau khi Trung Quốc tập trung trấn áp mạnh tội phạm ma túy, các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đã chuyển địa bàn hoạt động sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Đánh chặn ma túy từ nước ngoài vào nội địa: Mối liên kết 'ma quỷ' ảnh 1Các lực lượng phối hợp thực hiện chuyên án A720P - triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Thành phố Hồ Chí Minh sang Hàn Quốc. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập cùng những chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, gần đây các đối tượng người nước ngoài với danh nghĩa vào Việt Nam du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… đã móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, "công ty bình phong” để ngụy trang tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy.

Sự liên kết này đã hình thành các đường dây ma túy xuyên quốc gia với những “ông trùm” là người ngoại quốc cầm đầu.

Từ bình phong của "ông trùm"

Khi bị Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và lực lượng chức năng của Việt Nam dẫn đi, Kim Soonsik, đối tượng từng là sỹ quan có 25 năm công tác trong lực lượng cảnh sát Hàn Quốc rồi bị sa thải do vi phạm kỷ luật mới bàng hoàng biết hành vi phạm tội của mình bị lộ.

“Ông trùm” 61 tuổi này là kẻ cầm đầu một đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia quy mô lớn từ Việt Nam sang Hàn Quốc bằng đường biển.

Hành trình sang Việt Nam mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy đi Hàn Quốc theo tuyến đường biển rồi tra tay vào còng số 8 của Kim Soonsik bị phát hiện từ những nghi vấn của Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng).

Theo hồ sơ vụ án, tháng 2/2020, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm nắm được manh mối về đường dây này. Thủ đoạn của chúng là lợi dụng hoạt động xuất khẩu hàng hóa để vận chuyển trái phép chất ma túy từ Việt Nam sang Hàn Quốc.

Trong quá trình xác minh, Cục xác định cầm đầu đường dây là Kim Soonsik, trú tại chung cư Cantavil, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Kim Soonsik sang Việt Nam du lịch rồi quan hệ yêu đương với Huỳnh Thị Hoa Trân, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Máy và Thiết bị công nghiệp APE (trụ sở 529A Kha Vạn Cân, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) và dùng nơi đây làm “bình phong” cho việc vận chuyển ma túy.

[Đánh chặn ma túy từ nước ngoài vào nội địa - Những “kẽ hở” nguy hiểm]

Ma túy được các đối tượng mua từ khu vực biên giới, sau đó vận chuyển về cất giấu tại chung cư Cantavil.

Đến thời điểm thích hợp, các đối tượng vận chuyển đến kho đá hoa cương trên đường Kha Vạn Cân để ngụy trang.

Các kiện đá có chứa ma túy này sẽ được các đối tượng trà trộn cùng các kiện đá bình thường nhằm qua mắt lực lượng chức năng và các phương tiện soi chiếu hàng hóa, xuất khẩu đi Hàn Quốc.

Xác định các đối tượng chuẩn bị vận chuyển ma túy từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Hàn Quốc tiêu thụ với thủ đoạn trên, ngày 16/7/2020, chuyên án A720P được xác lập với sự tham gia của Cục Phòng, chống ma túy và tội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan Thành phố Hồ Chí Minh và sự hỗ trợ của công an địa phương.

Tối 18/7/2020, phát hiện các đối tượng tập kết kiện đá hoa cương chuẩn bị đưa lên container để ra cảng đưa đi Hàn Quốc, Ban chuyên án đã triển khai đội hình vào vị trí sẵn sàng.

Đêm cùng ngày, khi lô hàng vừa làm thủ tục khai báo hải quan tại Cảng Cát Lái, container hàng chuẩn bị đưa xuống tàu xuất đi cảng Incheon (Hàn Quốc) thì tín hiệu “cất mẻ lưới lớn” phát ra.

Thế nhưng, để tìm được ma túy ở container hàng này không hề đơn giản. Sau khi dùng tay lần lượt bốc dỡ 28 tấn đá hoa cương, lực lượng đánh án mới phát hiện 40 gói Methamphetamine, khoảng 40kg, được giấu trong 4 kiện đá hoa cương bằng thủ đoạn vô cùng tinh vi.

“Ông trùm” Kim Soonsik cùng các đối tượng đã xếp chồng các thanh đá xẻ lên nhau rồi dùng khối đá kích thước ngắn hơn kết nối bằng keo silicon để tạo khoảng trống ở giữa và cất giấu ma túy bên trong.

Đánh chặn ma túy từ nước ngoài vào nội địa: Mối liên kết 'ma quỷ' ảnh 2Kim Soonsik (sinh năm 1960, quốc tịch Hàn Quốc) cầm đầu đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Thành phố Hồ Chí Minh sang Hàn Quốc. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Khi những gói ma túy đầu tiên được phát hiện, 5 tổ trinh sát đã đồng loạt thực hiện lệnh bắt giữ khẩn cấp 6 đối tượng ở đường dây này, trong đó có Kim Soonsik, Huỳnh Thị Hoa Trân, đồng thời kiểm soát các địa điểm nghi vấn cất giấu ma túy.

Điều tra mở rộng triệt để, Ban chuyên án tiếp tục đồng loạt triệt phá nhiều tụ điểm cất giấu ma túy ở các tỉnh, thành trong đường dây này.

Sau 3 giai đoạn phá án, Cảnh sát đã bắt giữ 24 đối tượng tại các địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Cà Mau, Kiên Giang… Tổng số vật chứng thu giữ là 164 kg ma túy các loại, 19 bánh heroin, nhiều tài sản liên quan đến vụ án.

Đến lớp “vỏ bọc” người Việt Nam

Kim Soonsik chỉ là một trong những “ông trùm” tội phạm ma túy quốc tế đang mưu tính biến Việt Nam thành nơi tiêu thụ và địa bàn trung chuyển “cái chết trắng."

Thời gian qua, cả nước liên tiếp phát hiện nhiều đường dây ma túy quy mô lớn do người ngoại quốc cầm đầu.

Đáng chú ý, ngoài cấu kết với các đối tượng trong nước thành lập các công ty “bình phong” có bề ngoài là sản xuất, kinh doanh nhưng thực chất là thuê kho bãi để phục vụ việc mua bán, vận chuyển ma túy, các đối tượng cầm đầu và một số đồng phạm tạo “vỏ bọc” thành người Việt Nam nhằm dễ bề hoạt động phạm tội.

Chiêu thức của chúng là sử dụng căn cước công dân và chứng minh nhân dân giả. Điển hình như Huang Yen Sheng (Hoàng Diên Thăng), “ông trùm” 31 tuổi, người Đài Loan (Trung Quốc) tự biến mình thành “trai Hà Nội."

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Huang Yen Sheng trú trong một chung cư ở xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh và sử dụng căn cước công dân giả mang tên Vũ Diệu Huyền (sinh năm 1998, quê quán, Ba Đình, Hà Nội; hộ khẩu thường trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Hai đồng phạm người Đài Loan của Sheng sử dụng căn cước công dân giả mang tên: Nguyễn Ngọc Xuân (sinh năm 1992, quê quán, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, hộ khẩu thường trú tại quận 8); Phạm Đình Bảo Trung (sinh năm 1988; quê quán và thường trú tại huyện Đồng Xuân, Phú Yên).

Đường dây ma túy “khủng” do Huang Yen Sheng cầm đầu bị lực lượng chức năng Việt Nam đấu tranh, triệt phá hồi tháng 4/2021.

Đánh chặn ma túy từ nước ngoài vào nội địa: Mối liên kết 'ma quỷ' ảnh 3Nhóm đối tượng giấu ma túy trong dạ dày lợn. (Nguồn: C04-Bộ Công an)

Thời điểm phá án, Cảnh sát đã bắt Huang Yen Sheng và bốn đồng phạm, trong đó có một đối tượng quốc tịch Việt Nam; thu giữ 270kg ketamin, làm rõ tổng số ma túy tổng hợp đã vận chuyển và bị thu giữ là 540kg.

Thủ đoạn của chúng là cất giấu ma túy trong các môtơ điện, chia nhỏ ma túy nhét vào nội tạng lợn đã được ép chân không, cấp đông rồi trà trộn giấu cùng thịt lợn không có ma túy, sau đó gắn thiết bị định vị vận chuyển ra nước ngoài tiêu thụ.

Nguy cơ trọng điểm ma túy toàn cầu

Trước “mối liên kết ma quỷ” và những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng tội phạm, Thượng tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục C04 và Phó Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Hà Nội Nguyễn Trường Giang cho hay gần đây, các đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) với danh nghĩa vào Việt Nam du lịch, thăm thân, đầu tư kinh doanh… đã lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập cùng những quy định tạo thuận lợi của Việt Nam trong thủ tục hải quan và những kẽ hở trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, đã móc nối với các đối tượng trong nước thành lập các doanh nghiệp, công ty “bình phong” sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, thuê kho, xưởng để ngụy trang tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy.

Nhận định của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy từ những chuyên án ma túy “khủng” vừa bóc dỡ, triệt phá cho thấy diễn biến vô phức tạp.

Tại khu vực phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trọng điểm phía Nam, tuyến biên giới Việt Nam- Campuchia đang trở thành “địa bàn nóng” về tội phạm ma túy.

Sau khi Trung Quốc tập trung trấn áp mạnh tội phạm ma túy và kiểm soát chặt chẽ, các đối tượng người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), gần đây có cả Hàn Quốc đã chuyển địa bàn hoạt động sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nguy cơ biến Đông Nam Á trở thành trọng điểm ma túy toàn cầu.

Trên tuyến hàng không, trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, việc vận chuyển hành khách tạm dừng hoặc kiểm soát rất chặt chẽ, các đối tượng đã lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh và ký gửi hàng hóa quà biếu phi mậu dịch bằng tuyến đường hàng không để gửi hàng hóa có ngụy trang cất giấu ma túy rất tinh vi từ các nước châu Âu về Việt Nam và đi các nước tiêu thụ.

Tuyến đường biển tiếp tục bị các đối tượng phạm tội lợi dụng để mua bán, vận chuyển trái phép ma túy với khối lượng lớn từ nước ngoài về Việt Nam, quá cảnh Việt Nam và từ Việt Nam đi nước thứ ba, trọng điểm là các cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng... với thủ đoạn rất tinh vi.

Xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng không gian mạng Internet để thực hiện các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy. Đây là vấn đề đáng báo động trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển mạnh mẽ và phổ biến của mạng Internet trong đời sống xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục