Đánh bại IS có thể làm bùng phát cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran

Mặc dù cuộc khủng hoảng liên quan tới các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là rất nguy hiểm, song nhiều khả năng năng lực răn đe hạt nhân sẽ khiến tất cả các bên càng phải thận trọng.
Lò phản ứng hạt nhân nước nặng Arak tại thành phố Arak, miền trung Iran. (Nguồn: AP/TTXVN)

Theo Straitimes, Mỹ đang nhanh chóng đi theo con đường đối đầu với một nhà nước hiếu chiến, một kẻ thù tiềm tàng đã thể hiện rõ lý trí và không khoan nhượng khi theo đuổi lợi ích, trong đó có sự phát triển mạnh mẽ của chương trình hạt nhân và các năng lực quân sự liên quan.

Tuy nhiên không như nhiều người nghĩ, kẻ thù được đề cập tới ở đây có thể không phải là Triều Tiên mà là Iran.

Mặc dù cuộc khủng hoảng liên quan tới các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là rất nguy hiểm, song nhiều khả năng năng lực răn đe hạt nhân sẽ khiến tất cả các bên càng phải thận trọng.

Trong khi đó, ở Trung Đông, chính quyền Tổng thống Donald Trump đang hướng tới khả năng xung đột với Iran, một viễn cảnh mà Nhà Trắng chưa cho thấy năng lực có thể ứng phó.

Viễn cảnh xung đột hiện bị thúc đẩy bởi ba yếu tố chính. Thứ nhất là việc cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria đang tiến dần đến hồi kết.

[Iran đe dọa đáp trả "đau đớn" trước cáo buộc của Tổng thống Trump]

Sự thất thế của đội quân khủng bố này sẽ loại bỏ mối quan hệ hợp tác ngầm giữa Mỹ và Iran, trong khi gia tăng sự cạnh tranh khu vực giữa hai nước này.

Washington và Tehran đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu chính trị căng thẳng nhằm gây ảnh hưởng đối với chính phủ Iraq.

Nguy cơ đối đầu bạo lực giữa binh sỹ Mỹ ở lại Iraq và phiến quân Iran Hồi giáo dòng Shi'ite sẽ hiện diện trên khắp lãnh thổ Iraq.

Yếu tố thứ hai là quyết tâm của chính quyền Tổng thống Trump nhằm đẩy lùi tầm ảnh hưởng nguy hại của Iran trên khắp khu vực Trung Đông.

Khi nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama sắp kết thúc, một bộ phận ở Mỹ và nhiều nước ở Trung Đông cảm nhận Iran đang dần lớn mạnh, cho rằng Tehran lợi dụng sự kiệt sức của Tổng thống Obama khi phải can dự quá lâu vào các cuộc chiến khu vực, cũng như mong muốn của ông đạt được thỏa thuận hạt nhân với Tehran, nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng từ Nam Á sang khắp Trung Đông.

Trên thực tế, so với một chiến trường phụ như Yemen, lợi ích của Iranlà to lớn hơn và ảnh hưởng của nước lan rộng hơn nhiều tại Syria, Liban và Iraq, khu vực cấu thành điều có thể gọi là lợi ích chiến lược trọng yếu của nước này.

Viễn cảnh Iran mở rộng ảnh hưởng trên khắp khu vực đã gióng lên hồi chuông báo động đối với các đối tác của Mỹ.

Thái độ ngày càng đối đầu với Iran đã được cụ thể hóa trong các lệnh trừng phạt kinh tế mới, tăng cường sự ủng hộ đối với Saudi Arabia và các đối thủ theo dòng Sunni khác của Iran, cũng như sự sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công quân sự nhỏ lẻ nhằm vào các nhóm do Iran hậu thuẫn tại Syria.

Yếu tố cuối cùng là thái độ thù địch mạnh mẽ của Tổng thống Trump đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tác động của việc hủy bỏ thỏa thuận này sẽ là tăng cường sức ảnh hưởng và quyền hạn của phe cứng rắn tại iran, gây thêm chăng thẳng trong quan hệ Mỹ-Iran, và có thể làm bùng phát một cuộc khủng hoảng mới một khi Tehran đáp trả bằng việc nối lại chương trình hạt nhân của mình.

Tuy nhiên cần nói rõ ràng rằng động thái dẫn tới căng thẳng nêu trên không hoàn toàn do sai lầm của chính phủ. Về cơ bản, nó bắt nguồn từ cách hành xử gây bất ổn của Iran, và từ khả năng nước này sẽ quay lại con đường đối đầu một khi mối đe dọa từ IS biến mất.

Cho tới nay, các nỗ lực của Tổng thống Trump trong việc đẩy lùi tầm ảnh hưởng của Iran được đánh giá là thiếu thận trọng và gây bất ổn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục