Ngày 12/3, thông tin từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết trong giai đoạn 2016-2020 đã có 600 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương được cấp cho 38 tỉnh, thành phố để nâng cấp, sửa chữa cơ sở cai nghiện ma túy.
Trong năm 2019, đã có 6 tỉnh được bố trí 60,07 tỷ (Phú Thọ: 5 tỷ; Tiền Giang: 6,5 tỷ; Cần Thơ: 5,97; Bạc Liêu: 12,15 tỷ; Cà Mau: 5,45 tỷ và Đà Nẵng: 25 tỷ). Năm 2020 có 17 tỉnh được bố trí 300 tỷ (Ninh Thuận: 13,5 tỷ; Bến Tre: 17 tỷ; Điện Biên: 18 tỷ; Tuyên Quang: 18 tỷ; Long An: 18 tỷ; Tây Ninh: 18 tỷ; Vĩnh Long: 18 tỷ; Kiên Giang: 18 tỷ; Quảng Nam: 18 tỷ; Đắk Lắk: 18 tỷ; Lạng Sơn: 18 tỷ; Bình Phước: 18 tỷ; Yên Bái: 18 tỷ; Hòa Bình: 18 tỷ; Cao Bằng: 18 tỷ; Hải Dương: 18 tỷ và An Giang: 17,5 tỷ).
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết trong giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ trọng tâm của công tác cai nghiện, quản lý sau cai nghiện là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện; thí điểm can thiệp dự phòng cho người có nguy cơ cao sử dụng ma túy, người sử dụng ma túy để quản lý, can thiệp kịp thời, hiệu quả đối với người có nguy cơ cao sử dụng ma túy, người sử dụng ma túy, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh.
Một mục tiêu quan trọng được đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 là 100% các cơ sở cai nghiện ma tuý, cơ sở cung cấp dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng được đầu tư nguồn lực, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác cai nghiện ma túy...
Theo kết hoạch, trong giai đoạn 2016-2020 Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội từ ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương là 313,31 tỷ đồng.
Đến nay, 295,5 tỷ đồng đã được cấp cho các địa phương để nâng cấp, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho cơ sở cai nghiện ma túy và truyền thông, đào tạo nâng cao năng lực, thí điểm mô hình cai nghiện.
[Đề xuất ban hành định mức để xã hội hóa dịch vụ cai nghiện ma túy]
Báo cáo của các địa phương cũng cho thấy, kinh phí thường xuyên địa phương cấp để sửa chữa, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở cai nghiện ma túy là 428 tỷ đồng.
Một số tỉnh, thành phố được lãnh đạo quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và chế độ, chính sách cho cán bộ, học viên; công tác điều trị, cai nghiện đạt hiệu quả cao, không để xảy ra tình trạng học viên gây rối, mất trật tự như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thanh Hóa...
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cũng cho biết thêm: Giai đoạn 2016-2020, cả nước đã tổ chức cai nghiện cho 172.963 lượt người tại các cơ sở cai nghiện.
Cả nước hiện tại có 97 cơ sở cai nghiện công lập có tổng diện tích đất đai là 32 triệu m2, diện tích xây dựng cơ bản là gần 3 triệu m2 (chiếm 9,2% tổng diện tích), song tổng diện tích nhà ở của học viên chỉ có 425.096 m2.
Theo thiết kế, diện tích nhà trung bình là 7,3m2 cho mỗi học viên, báo cáo của địa phương cho thấy, diện tích nhà ở bình quân phổ biến là từ 3-5m2 cho mỗi học viên.
Một số tỉnh, thành phố có cơ sở cai nghiện với diện tích chỉ được 3 m2 cho mỗi học viên như Tuyên Quang, Đồng Nai, Tiền Giang, Cà Mau... Trên thực tế, vào lúc cao điểm diện tích nhà ở bình quân chỉ đạt 1m2 cho mỗi học viên.
Đặc biệt, các cơ sở cai nghiện tại một số địa phương đã hoạt động lâu năm, nay xuống cấp, thiếu trang thiết bị phục vụ công tác cai nghiện ma túy; thậm chí một số tỉnh, thành phố còn ghép các đối tượng tâm thần vào cơ sở cai nghiện (Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế)./.