Ông Hồ Trung Việt, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cà Mau cho biết nhằm đạt tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2020, quy hoạch phát triển thành phố Cà Mau giai đoạn 2015-2020 đã được lập theo hướng ưu tiên dành nguồn vốn 500 triệu USD đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa và xã hội.
Theo quy hoạch, một số công trình được thực hiện gồm nạo vét, xây bờ kè tuyến sông Cà Mau tổng chiều dài 10km, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước, hạ tầng viễn thông, đường giao thông nội ô.
Thành phố Cà Mau sẽ có 5 khu đô thị mới, hình thành trung tâm hoạt động văn hóa thể dục thể thao; xử lý ô nhiễm môi trường và trồng cây xanh.
Năm 2015 tỉnh sẽ phân cấp quản lý cụ thể, những công trình phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố sẽ do thành phố tự chủ trong đầu tư. Cơ chế này sẽ tạo điều kiện cho thành phố Cà Mau phát huy sự năng động, sáng tạo trong đầu tư phát triển.
Nhằm bảo đảm có đủ nguồn vốn, chính quyền thành phố Cà Mau sẽ tập trung huy động từ 4 nguồn gồm vốn trung ương và tỉnh hỗ trợ; vốn từ các nhà đầu tư; vốn từ sự đóng góp của các tầng lớp nhân dân thành phố; vốn trích một phần từ ngân sách thành phố. Trong đó, vốn từ các nhà đầu tư mang ý nghĩa quyết định.
Theo ông Bùi Công Bửu, Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Cà Mau, năm 2015, Tỉnh ủy sẽ có Nghị quyết chuyên đề về đầu tư phát triển thành phố Cà Mau giai đoạn 2015- 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đây là cơ hội để thành phố Cà Mau nắm bắt để đầu tư phát triển.
Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Cà Mau là việc xây dựng thành phố Cà Mau không chỉ là trách nhiệm riêng của địa phương mà đây là việc làm chung của đảng bộ tỉnh, cùng chung sức xây dựng thành phố Cà Mau xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh.
Thành phố Cà Mau là trung tâm tỉnh lỵ tỉnh Cà Mau với số dân gần 300.000 người, được trung ương công nhận đô thị loại 2 vào năm 2010./.