Đằng sau việc Trung Quốc mở rộng hợp tác với Iran và Israel

Trung Quốc dường như không muốn bỏ qua cơ hội Mỹ quay lưng lại với Trung Đông. Họ đang nhanh chóng chiếm lĩnh những khoảng trống mà nước Mỹ để lại.
Đằng sau việc Trung Quốc mở rộng hợp tác với Iran và Israel ảnh 1Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (phải) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif. (Nguồn: AP)

Trang mạng Tagesspiegel.de đã đăng bài phân tích với tiêu đề “Con đường Tơ lụa ở Trung Đông: Trung Quốc đang mở rộng hợp tác với Iran và Israel,” nội dung chính như sau:

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng ông sẽ rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan. Động thái này của người đứng đầu Nhà Trắng không chỉ chấm dứt cuộc chiến dài nhất của Mỹ mà còn cho thấy rằng nước này đang quay lưng lại với Trung Đông. Nhưng quốc gia nào sẽ thay thế vai trò của Mỹ trong khu vực?

Trung Quốc dường như không muốn bỏ qua cơ hội đó. Họ đang nhanh chóng chiếm lĩnh những khoảng trống mà nước Mỹ để lại. Chỉ vài tuần trước tuyên bố của Biden, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã có mặt tại Tehran để ký thỏa thuận hợp tác chiến lược (CSP) có thời hạn 25 năm với Iran, trong đó có hợp tác về kinh tế, chính trị và an ninh. Động thái này khiến Mỹ lo lắng.

Mối quan hệ đầu tiên của Trung Quốc với một đối thủ lâu năm của Mỹ
Thực tế, loại quan hệ đối tác chiến lược kiểu này là một công cụ trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, thứ đã giúp nước này kết nối với các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Iraq và Saudi Arabia.

Theo các phương tiện truyền thông, Trung Quốc có kế hoạch đầu tư 400 tỷ USD vào Iran, nhưng có lẽ con số này đã được phóng đại. Hiện chưa bên nào chính thức xác nhận con số này.

Mặc dù vậy, ngay cả khi thỏa thuận này không đưa mối quan hệ Trung Quốc-Iran lên cấp độ hoàn toàn mới thì đây cũng là thỏa thuận đầu tiên mà Trung Quốc ký kết với một đối thủ lâu đời của Mỹ.

[Iran và Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược]

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tăng cường quan hệ với các đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở Trung Đông như Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Ai Cập và thậm chí cả Israel. Hiện tại, động lực của Trung Quốc trong các mối quan hệ này chủ yếu là vấn đề kinh tế.

Ngoài việc tiếp cận các nguồn năng lượng của khu vực, Trung Quốc có thể củng cố vị thế của mình trong các lĩnh vực công nghệ của tương lai thông qua việc hợp tác với ngành công nghệ cao của Israel. Chính điều này đã khiến Mỹ không hài lòng vì trong những năm qua, Mỹ đã tăng cường đầu tư vào Israel.

Ngoài ra, Trung Quốc quan tâm đến Israel nhằm thúc đẩy các tham vọng quốc tế của họ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và các tuyến đường kết nối trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Giống như việc Bắc Kinh đã nắm quyền kiểm soát các cảng biển ở nhiều nước châu Á và châu Âu, tới đây họ cũng sẽ quản lý cảng biển mới ở thành phố Haifa, Israel.

Ngoài ra, để đón đầu nguồn cung dầu mới từ Iran, Trung Quốc đã thiết lập tuyến vận chuyển đường biển trực tiếp tới cảng Bandar Abbas trên eo biển Hormuz.

Bắc Kinh muốn hòa bình, nhưng không muốn gánh trách nhiệm đảm bảo hòa bình

Mỹ không cần lo lắng - ít nhất là tại thời điểm này- về việc Trung Quốc có thể khuấy động các cuộc xung đột ở Trung Đông. Thỏa thuận hợp tác chiến lược mới với Iran cũng đề cập đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh, nhưng đó không phải là một liên minh quân sự.

Bắc Kinh cũng không đứng về bất kỳ phía nào trong các cuộc xung đột quân sự tại khu vực. Hiện nước này đang tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Saudi Arabia- đối thủ không đội trời chung của Iran.

Tất nhiên, Trung Quốc không muốn thấy một cuộc chiến bùng nổ trong khu vực vì nó sẽ làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và phá hủy các khoản đầu tư mà Bắc Kinh đã đổ vào đây.

Điều đó khiến Trung Quốc trở thành một quốc gia có trách nhiệm hơn trong khu vực này. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa sẵn sàng để đảm bảo an ninh ở Trung Đông. Các liên minh quân sự nói chung không phải là công cụ ưa thích của Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với Mỹ.

Trung Quốc đã hết sức thận trọng để không bị lôi kéo vào các cuộc xung đột kéo dài trong khu vực. Gần đây, Bắc Kinh cho thấy rằng họ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp giữa người Israel và người Palestine, nhưng không nên quá tin tưởng điều này.

Bắc Kinh hiểu rất rõ rằng họ chỉ có thể mở rộng ảnh hưởng kinh tế của mình ở Afghanistan và Iraq vì Mỹ đang triển khai các hoạt động quân sự và kinh tế ở đó. Lợi ích của Trung Quốc chỉ có thể đạt được nếu hệ thống an ninh mà Mỹ thiết lập tại Trung Đông vẫn còn nguyên vẹn và hoạt động hiệu quả.

Điều đó phần nào giải thích cho việc các đối tác Trung Đông chính của Trung Quốc lại là đồng minh của Mỹ.

Việc Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Iran là một ngoại lệ và chủ yếu với mục tiêu kinh tế. Nước này muốn khôi phục quan hệ thương mại song phương với Iran, điều vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt chống quốc gia Hồi giáo này.

Bắc Kinh sẽ giúp Iran tăng ưu thế đàm phán với Mỹ?

Trên thực tế, ý tưởng của Bắc Kinh về “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Tehran chỉ xuất hiện sau khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được áp dụng trở lại.

Thời điểm thỏa thuận này được ký kết là một quyết định nằm trong tính toán của Trung Quốc nhằm củng cố vị thế của Iran khi chính quyền Biden đang cố gắng đàm phán lại với Tehran và tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nhiều người hy vọng rằng điều này sẽ góp phần đẩy nhanh việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, Iran sẽ phải trả giá đắt cho mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc. Bắc Kinh đã tận dụng những khó khăn kinh tế của đối tác để đảm bảo có được nguồn cung dầu mỏ với giá thành thấp trong thời gian dài.

Tại Iran đã xuất hiện nhiều ý kiến phản đối các cuộc đàm phán do lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm kiếm một thỏa thuận mang tính “bóc lột” Iran, tương tự như với Sri Lanka (tại nước này, Trung Quốc cuối cùng đã nắm quyền kiểm soát cảng chiến lược Hambantota).

Lực lượng ủy nhiệm của Iran ở Liban là Hezbollah giờ đây cũng phải thận trọng hơn, nhất là việc phải xem xét lại lời đe dọa tấn công cảng Haifa ở Israel, do cảng này đã nằm dưới sự quản lý của Trung Quốc.

Với Mỹ, ưu thế quân sự của họ ở Trung Đông có thể sẽ không bị thách thức trong một thời gian nữa. Nhưng chỉ sức mạnh quân sự thì không đủ để ngăn chặn sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực.

Để làm được điều đó, nước Mỹ phải có những chính sách quyết đoán về chính trị, cam kết mạnh mẽ về kinh tế và gia tăng ảnh hưởng về văn hóa trong khu vực. Nếu không, sẽ như lời Tổng thống Biden từng cảnh báo hồi tháng 2: “Trung Quốc sẽ hạ bệ chúng ta”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục