Trang mạng The Diplomat ngày 7/5 đăng bài viết với tiêu đề “Đằng sau việc Trung Quốc điều chỉnh lại sáng kiến 'Vành đai và Con đường'," nội dung bài viết như sau:
Diễn đàn hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường (BRF) lần thứ hai diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 25-27/4 đã cho thấy Trung Quốc đang điều chỉnh lại cách tiếp cận "Vành đai và Con đường" (BRI) - một sáng kiến được Chủ tịch Tập Cận Bình công bố lần đầu tiên vào năm 2013 và được quảng cáo khá rầm rộ - trong bối cảnh vẫn còn nhiều quan ngại và thách thức đối với sáng kiến này.
Mặc dù sự điều chỉnh này không phải là không quan trọng, song tác động của nó đối với sự phát triển của BRI và nhận thức của khu vực ra sao thì vẫn cần phải chờ xem.
[Vành đai và Con đường sau 5 năm: Kết quả và tác động]
Trên thực tế, khi những lo ngại trong khu vực về BRI vẫn còn hiện hữu, vài năm gần đây Trung Quốc đã nỗ lực điều chỉnh lại cách tiếp cận BRI.
BRF lần thứ 2 đã tạo cơ hội để Bắc Kinh chứng tỏ những nỗ lực đó.
Trong bài phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không những nói về triển vọng của BRI mà còn chỉ ra sự cần thiết phải giải tỏa những lo ngại đối với sáng kiến này, chẳng hạn như sự độc quyền, các tiêu chuẩn và tính bền vững.
Những kết quả mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố đã phản ánh điều này. Đó là Trung Quốc đã khéo léo giảm bớt sự tập trung vào các dự án riêng lẻ và những sáng kiến do nước này dẫn dắt, thay vào đó nêu bật một loạt thỏa thuận lớn hơn, các cơ cấu tổ chức đa phương, sự giao lưu nhân dân và các sáng kiến văn hóa.
Việc Trung Quốc điều chỉnh cách tiếp cận BRI cho thấy những quan ngại của các nước tham gia BRI - bao gồm cả những nước tham dự BRF lần thứ 2 như Malaysia và những nước không tham dự như Mỹ - đã tác động đến những toan tính của Bắc Kinh.
Nó cũng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng điều chỉnh lại cách tiếp cận để xoa dịu ít nhất là một số lo ngại về sáng kiến này, chẳng hạn như sự đảm bảo về tài chính, môi trường.
Nó còn cho thấy cần phải làm cho BRI trở nên toàn diện hơn thông qua việc hợp tác với các nước và các tổ chức khác, trong đó có các ngân hàng phát triển.
Sẽ là không đúng nếu phủ nhận hoàn toàn những điều chỉnh của Trung Quốc đối với BRI, song vẫn còn quá sớm để nói rằng Bắc Kinh đã cho ra đời một phiên bản mới của BRI bởi 3 lý do sau:
Thứ nhất, khó có thể đánh giá quy mô chính xác của sự điều chỉnh này.
Ví dụ, trong một thông báo ngày 27/4 sau BRF lần thứ 2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đề cập đến “283 kết quả cụ thể trong 6 danh mục,” trong đó tự thừa nhận rằng một vài trong số những kết quả này trên thực tế chỉ là sự tái khẳng định hoặc xác nhận lại những thỏa thuận đã đạt được trước đó thông qua nhiều phương thức như thỏa thuận ghi nhớ giữa các bên, thư hợp tác, tài liệu hợp tác, các sáng kiến và tuyên bố về ý định hợp tác...
Thực tế, đây giống như một "mớ lộn xộn" chứ không phải là một kế hoạch mang tính chiến lược.
Thứ hai, dù Trung Quốc đã điều chỉnh BRI, song không rõ sự điều chỉnh đó đi theo chiều hướng nào và thực tế ra sao.
Chẳng hạn, tại BRF lần thứ hai, Trung Quốc đã thể hiện nỗ lực giải tỏa những quan ngại đối với vấn đề nợ xấu thông qua một quy chế về nợ mới của Bộ Tài chính Trung Quốc, hoặc tuyên bố về ý định hợp tác nâng cao chất lượng thuốc trừ sâu của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc với 9 quốc gia Đông Nam Á và Nam Á.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đánh giá hiệu quả từ những nỗ lực của Trung Quốc.
Ngoài ra, mặc dù chính phủ Trung Quốc rất nỗ lực, song mọi việc còn phụ thuộc vào các chính quyền địa phương của Trung Quốc cũng như chính phủ các nước trong khu vực.
Thứ ba, vẫn phải chờ xem liệu việc điều chỉnh lại cách tiếp cận BRI có thực sự giải tỏa được những quan ngại của các nước tham gia, các đối tác và những nhân tố bên ngoài khác về hiện trạng cũng như sự phát triển trong tương lai của BRI và cách hành xử của Trung Quốc hay không?
Trong bài phát biểu tại BRF, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohammad đã ca ngợi BRI, song đồng thời lưu ý rằng sáng kiến này tiếp tục tác động đến tự do và sự mở cửa trong khu vực.
Nhận xét của Thủ tướng Malaysia là một lời nhắc nhở quan trọng rằng mặc dù Trung Quốc đã điều chỉnh lại cách tiếp cận BRI, song đây chỉ là một phần trong những quan ngại về Trung Quốc.
Tất cả những lý do trên không phải để phủ nhận tầm quan trọng của việc Trung Quốc điều chỉnh lại cách tiếp cận BRI.
Cần phải khẳng định rằng sự điều chỉnh này là đáng chú ý và mang lại cả cơ hội lẫn thách thức cho những nước đã tham gia và chưa tham gia BRI.
Tuy nhiên, trong bối cảnh có rất nhiều bài viết được đăng tải liên quan đến sự phát triển của BRI sau BRF lần thứ 2, dư luận nên thận trọng và tỉnh táo.
BRI mới chỉ trong giai đoạn đầu điều chỉnh và cần có nhiều thời gian hơn để đánh giá đầy đủ về mức độ và tác động thực sự của nó./.