Theo báo The Straits Times, tuần trước, Singapore đã đánh bật Mỹ khỏi vị trí số một thế giới về Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF). Đây là sự công nhận đáng giá từ một tổ chức có uy tín trên thế giới.
Kể từ năm 1979, hàng năm WEF (có trụ sở ở Geneva) đều đưa ra báo cáo xếp hạng về năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế theo một phương pháp đánh giá khắt khe và liên tục được cập nhật.
Trong phiên bản đánh giá mới nhất được đưa ra vào năm ngoái có tính đến thực tế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang làm thay đổi hoàn toàn cái được gọi là tính cạnh tranh và “khả năng chuẩn bị sẵn sàng cho tương lai."
Bản báo cáo này đánh giá không chỉ về việc đất nước hay vùng lãnh thổ đó có một nền kinh tế mở, mà còn về sự đổi mới sáng tạo, trao đổi ý tưởng, cộng tác xuyên biên giới, các kỹ năng cho tương lai, các chính sách về môi trường và bảo vệ xã hội cho những người bị bỏ lại phía sau.
Năm nay, WEF xếp hạng 141 nền kinh tế trên 12 lĩnh vực, gồm thể chế, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, sự ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, sự năng động trong kinh doanh và khả năng đổi mới. Mỗi lĩnh vực trong 12 lĩnh vực này lại có những thước đo đánh giá khác nhau.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực “tính năng động trong kinh doanh," báo cáo của WEF xem xét việc tạo điều kiện thuận lợi về hành chính như thời gian và chi phí để mở một doanh nghiệp mới, cũng như tính đến văn hóa kinh doanh. Nói tóm lại, phương thức đánh giá bao gồm 103 thước đo khác nhau. Mỗi nền kinh tế được tính theo thang điểm 100, dựa vào cả những dữ liệu cứng lẫn từ các cuộc khảo sát.
Điểm trung bình cho 141 nước và vùng lãnh thổ là 61/100. Singapore đạt 84,8 điểm. Nước này đứng đầu trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, y tế và thị trường lao động, đứng thứ hai về thể chế, hiệu quả của thị trường lao động và sức mạnh của hệ thống tài chính và đứng trong top 15 trong hầu hết các lĩnh vực khác.
Vẫn còn những lĩnh vực cần cải thiện
Tuy nhiên, còn nhiều lĩnh vực cần cải thiện và cần phải tìm ra đó là những lĩnh vực nào. Singapore cần tập trung vào những lĩnh vực còn tương đối thấp điểm. Một ví dụ là lĩnh vực thị trường lao động. Bất chấp việc về tổng thể đứng thứ năm, nhưng khi xét đến vấn đề nới lỏng việc thuê lao động nước ngoài, Singapore xếp thứ 93. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên do các chính sách thắt chặt của Chính phủ Singapore đối với việc thuê lao động nước ngoài trong thập kỷ qua.
[Singapore nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm tránh nguy cơ suy thoái]
Sự xếp hạng này cũng được dựa trên các cuộc khảo sát các giám đốc điều hành công ty. Câu hỏi được đặt ra cho các giám đốc điều hành là “Những quy định liên quan đến việc thuê lao động nước ngoài có hạn chế như thế nào?” Câu trả lời của họ phản ánh mức xếp hạng. Vấn đề ở đây là dù thành tích của các chính sách hạn chế đối với việc thuê lao động nước ngoài có thể là gì, thì ít nhất nó cũng tác động đến nhận thức đánh giá về năng lực cạnh tranh.
Một ví dụ đáng quan tâm khác là trong lĩnh vực kỹ năng mà Singapore xếp thứ 19. Ở đây có sự khác biệt đáng chú ý trong việc xếp hạng đối với kỹ năng của lực lượng lao động hiện tại mà Singapore đang đứng ở vị trí thứ ba và kỹ năng cho lực lượng lao động tương lai mà Singapre hiện ở vị trí thứ 28. Có hai lý do kéo xếp hạng của Singapore tụt xuống trong lĩnh vực này. Lý do thứ nhất là tỷ lệ học sinh - giáo viên trong cấp giáo dục tiểu học (Singapore xếp vị trí thứ 48). Nước này trung bình có hơn 15 học sinh trên một giáo viên, trong khi các nước xếp vị trí hàng đầu có chưa đến 10 học sinh trên một giáo viên. Lý do thứ hai là khả năng khuyến khích tư duy trong hệ thống giáo dục (Singapore xếp thứ 21).
Ngoài ra, việc xếp hạng cũng được dựa vào một cuộc khảo sát ý kiến chuyên gia về các vấn đề bao gồm tính đa nguyên, sự độc lập của các phương tiện truyền thông, vấn đề tự kiểm duyệt và tính công khai minh bạch. Trong khi các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, trong đó có tác giả bài viết này, có thể tranh cãi về mức xếp hạng này đối với Singapore, dù muốn hay không điều đó cũng phản ánh những đánh giá về bức tranh truyền thông ở Singapore.
Một điểm số gây tranh cãi khác liên quan đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô mà Singapore bất ngờ xếp vị trí thứ 38. Singapore bị phạt bởi tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này, ở mức khoảng 110% GDP vào cuối năm 2018. Tuy nhiên, WEF không tính đến thực tế là trong trường hợp Singapore, nợ công được hậu thuẫn bởi tài sản. Trái phiếu chính phủ Singapore phát hành không dùng để chi tiêu, như ở hầu hết các nước mắc nợ khác, mà để đầu tư. Điều mà WEF cần phải nhìn vào không phải là tổng nợ mà là nợ thực, nghĩa là tổng nợ trừ đi tài sản. Con số này của Singapore gần bằng 0. Singapore đáng nhận được mức xếp hạng cao hơn cho sự ổn định kinh tế vĩ mô của nước này.
Khi xét đến “tính năng động trong kinh doanh," lĩnh vực trong đó Singapore xếp thứ 14, hai thước đo đáng được xem xét. Một là thái độ đối với rủi ro trong đó Singapore xếp thứ 26. Mức xếp hạng này được quyết định bởi câu trả lời chủ quan cho một câu hỏi khảo sát: “Ở đất nước bạn, người dân chấp nhận ở mức độ nào đối với rủi ro kinh doanh?,” Singapore giành được điểm số trung bình 59/100. Đây là một sự cải thiện so với những năm trước, mở doanh nghiệp là một lĩnh vực mà Singapore phần nào bắt kịp các nền kinh tế nhỏ, mở cửa như Israel (đứng đầu trong lĩnh vực này), Hong Kong (đứng thứ ba) và Ireland (xếp thứ sáu).
Những điểm số thấp trong lĩnh vực công ty
Singapore tụt lại rất xa phía sau về khuôn khổ quy định tình trạng không trả được nợ của nước này. Khuôn khổ này có thể giúp khôi phục các công ty có thể tồn tại và loại bỏ các công ty không thể. Trong lĩnh vực này, Singapore xếp thứ hạng thấp, mức 88. Trong nhiều năm qua, có quá nhiều công ty mắc nợ đáng lẽ có thể phục hồi và phát triển thì đã bị phá sản, chủ yếu là do các nhà tín dụng đã có quá nhiều tác động đến các công ty nợ nần.
Năm 2017, Singapore đã đưa ra những cải cách đối với luật về tình trạng không trả được nợ và vấn đề tái cơ cấu của nước này bằng việc đưa ra một số điều khoản dựa trên Chương 11 của Luật phá sản Mỹ. Điều này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bị mắc nợ tiếp tục hoạt động trong khi tái cơ cấu các khoản nợ của họ để việc trả nợ có thể được trải dài trong một giai đoạn dài hơn. Điều này làm thay đổi cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho các công ty nợ và đem lại cho các công ty này cơ hội tốt hơn để tồn tại trong những thời điểm khó khăn.
Còn quá sớm để đưa ra phán xét về sự thành công của công cuộc cải cách lớn này, nhưng có cơ hội tốt để Singapore sẽ được xếp hạng cao hơn đối với các quy định về tình trạng không trả được nợ của nước này trong tương lai.
Sự quản trị tốt hơn về vấn đề cổ đông cũng sẽ có ích và đây một lần nữa là lĩnh vực mà Singapore bị xếp thứ hạng thấp hơn mức đáng lẽ nó cần nhận được, thứ 37. Điều này có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên. Trong những năm gần đây, có nhiều trường hợp mà quyền lợi của cổ đông bị vi phạm. Những người buôn bán hàng hóa của hãng Noble nhiều lần bị bút toán những khoản nợ khổng lồ, trong khi thực tế không phải như vậy. Trong quá trình này đã có nhiều sự ra đi của các cổ đông và người nắm giữ trái phiếu. Công ty Keppel đã bị phát hiện phạm tội hối lộ để nhận được các hợp đồng ở Brazil. Một hãng có uy tín khác, Singapore Post, không vạch trần những xung đột lợi ích trong ban điều hành công ty. Ở một số công ty nhỏ hơn khác nổi lên vấn đề chi tiêu không theo quy tắc tài chính.
Các nhà hoạt động về quản trị công ty đã chỉ ra nhiều vấn đề trong các ban điều hành công ty, trong đó có sự thiếu bình đẳng giới, nhiệm kỳ kéo dài quá mức của một số giám đốc cũng như sự thịnh hành của “tư duy nhóm." Từ đó, các thành viên ban điều hành công ty có xu hướng tập trung vào quan điểm cá nhân, không khuyến khích quan điểm trái chiều hay những ý tưởng khác - một hội chứng cũng đã được các chuyên gia cảnh báo.
Thâm hụt năng lượng tái chế
Cuối cùng, trong khi Singapore đạt mức điểm cao về định hướng tương lai của chính phủ, đứng thứ 8/141, có một lĩnh vực theo phương thức đánh giá rộng rãi mà nước này đạt điểm thấp là chính sách đối với năng lượng tái tạo. Singapore xếp thứ 62 về quy định về năng lượng tái tạo. Tiêu chuẩn đánh giá về lĩnh vực này đề cập đến những sự khích lệ và quy định nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Singapore vẫn còn phụ thuộc rất lớn vào nhiên liệu hóa thạch để đáp ứng nhu cầu năng lượng và mặc dù trong năm nay, Singapore đã đưa ra một cơ chế tính giá khí thải carbon (thuế khí thải carbon), nước này có lẽ cần một thời gian nữa mới đạt được cách thức tốt nhất trong việc đem lại những sự khuyến khích, các khoản trợ cấp và tài trợ công cho việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Singapore cũng xếp ở thứ hạng thấp (119) về số lượng các hiệp ước quốc tế về môi trường mà nước này ký kết. Trong 29 hiệp ước liên quan đến môi trường có hiệu lực, Singapore đã ký 18 hiệp ước. Với biến đổi khí hậu và tính bền vững đang trở thành những vấn đề ngày càng cấp bách, chính sách môi trường của các nước được coi là yếu tố quyết định quan trọng của năng lực cạnh tranh.
Nói tóm lại, trong khi Singapore có thể tự hào được xếp hạng là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới, nước này vẫn cần phải có nhiều sự cải thiện hơn nữa trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Singapore cần phải xem xét thực hiện một chính sách tự do hơn đối với người lao động nước ngoài, có nhiều giáo viên hơn trong các trường học, cải thiện công tác quản trị về vấn đề cổ đông, mở rộng các quyền tự do truyền thông và thực hiện các chính sách tích cực hơn để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo.
Điểm cuối cùng, như nhiều mức xếp hạng cho thấy khi đề cập đến năng lực cạnh tranh, vấn đề nhận thức cũng rất quan trọng. Sự xếp hạng này không chỉ về những gì chúng ta làm, mà còn về những gì chúng ta nghĩ về những việc chúng ta làm./.