Đằng sau thực trạng nhà chung cư không sổ đỏ tràn lan ở Hà Nội

Quỹ đất ở ngày càng hạn hẹp, trong khi các chung cư thương mại, thu nhập thấp cứ đua nhau mọc lên đã khiến tình trạng chậm cấp sổ đỏ ở thành phố có dân số lớn thứ 2 cả nước vẫn còn phổ biến.
Việc các chung cư đua nhau mọc lên khiến tình trạng chậm cấp sổ đỏ ở Hà Nội vẫn còn phổ biến. (Ảnh: TTXVN)

Để gỡ vướng cho công tác cấp sổ đỏ nhà ở, nhất là tại các khu chung cư, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định sẽ không nương nhẹ với bất cứ vi phạm, tiêu cực nào phát sinh trong quá trình xét cấp sổ đỏ.

Tuy nhiên, do quỹ đất ở ngày càng hạn hẹp, trong khi các chung cư thương mại, thu nhập thấp cứ đua nhau mọc lên đã khiến tình trạng chậm cấp sổ đỏ ở thành phố có dân số lớn thứ 2 cả nước vẫn còn phổ biến.

Chung cư “vắng bóng” sổ đỏ

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến nay trên địa bàn thành phố đã có 112.150 căn hộ xây dựng xong, bàn giao cho người mua nhà. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn thủ tục và triển khai cấp 36.110 sổ đỏ cho người mua nhà; còn lại hơn 76.000 căn chủ đầu tư chưa làm các thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà theo quy định.

Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang có 104.430 căn đang trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, xét về tổng thể trong 6 tháng đầu năm 2014 thì các quận, huyện mới chỉ cấp được 9.701 sổ đỏ, đạt 24% kế hoạch.

Đơn cử như tại huyện Hoài Đức, dự án khu đô thị mới Bắc QL 32 được xây dựng từ năm 2008 và kết thúc năm 2012 với 784 căn biệt thự, liền kề. Cho đến nay, chủ đầu tư đã bàn giao 551/784 căn hộ cho người mua nhà nhưng hiện vẫn chưa có căn hộ nào được cấp sổ đỏ.

Dù tại các dự án nhà ở xã hội, mà người thu nhập thấp rất quan tâm và chính quyền đang có chủ trương, chỉ cần người mua nhận được biên bản bàn giao nhà từ chủ đầu tư là có thể được làm thủ tục cấp sổ đỏ.

Thế nhưng, thực tế tại các dự án nhà thu nhập thấp, mọi việc không đơn giản như vậy. Ví dụ ở CT1 Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông) là dự án nhà thu nhập thấp thí điểm, triển khai đầu tiên của thành phố, được bàn giao sớm nhất trên cả nước. Thế nhưng, cho đến nay 328 căn hộ được đưa vào sử dụng từ tháng 4/2011, các hộ dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội lý giải một trong những nguyên nhân quan trọng "góp phần" vào sự chậm trễ này là do nhiều chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý về đất đai đã xây dựng công trình nhà ở và bàn giao nhà cho người mua.

Thậm chí, theo tiết lộ của ông Nghĩa, nhiều chủ đầu tư còn gây khó khăn cho người mua nhà trong việc hoàn thiện hồ sơ như không thanh lý hợp đồng, không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho người mua nhà.

Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư còn không cung cấp hồ sơ pháp lý của dự án và tiến độ thực hiện dự án còn chậm, tiến độ bàn giao nhà không đúng thời gian dự kiến, ảnh hưởng đến công tác cấp sổ đỏ. Chính điều này đã khiến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà luôn ở thế chông chênh, thậm chí không thể biết chủ đầu tư có điều chỉnh dự án hay không; có vi phạm quy định về đất đai, quy hoạch, xây dựng có sai phép?.

Nhiều khu chung cư còn "vắng" sổ đỏ. (Ảnh: TTXVN)

Mệt với "ma trận" thủ tục hành chính

Để gỡ vướng cho công tác cấp sổ đỏ tại các chung cư, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, sở sẽ yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương tổng hợp toàn bộ hồ sơ của người mua nhà đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và nộp ngay về Văn phòng Đăng ký Đất đai.

Thực tế, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ đang là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý đất đai và nhà ở của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên với cách làm, cách quản như hiện nay, nhiệm vụ này sẽ khó hoàn thành và quan trọng hơn là người dân còn “mệt”’ trước "ma trận" của thủ tục hành chính để có được sổ đỏ.

Ở góc độ chuyên gia, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nguyên nhân của chậm cấp sổ đỏ tại các chung cư là do quy trình cấp sổ đỏ mà chủ đầu tư dự án chịu trách nhiệm là một cơ chế không phù hợp.

"Do đó, để đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ cho người mua nhà, giải pháp bản lề hiện nay là phải thay đổi thủ tục hành chính," giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ.

Cũng theo giáo sư Đặng Hùng Võ, hiện nay người mua nhà đang phải gánh mọi hậu quả từ sai phạm của các chủ đầu tư trong quá trình thực hiện dự án. Bởi vậy, cơ quan Nhà nước cần cấp sổ đỏ trực tiếp cho người mua nhà dự án. Cùng với đó, việc quản lý quá trình thực hiện dự án phải được thực thi hoàn toàn độc lập với việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà.

“Tôi cho rằng, việc quản lý quá trình thực hiện dự án phải được thực thi hoàn toàn độc lập với việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà. Đây là sự thay đổi tư duy quản lý rất quan trọng, sự thay đổi vì lợi ích của người tiêu dùng và mang lại hiệu quả giảm tỷ lệ nhà ở phi chính thức,” giáo sư Đặng Hùng Võ khuyến nghị.

Trước đó, nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác cấp sổ đỏ cho người mua nhà, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã họp, thống nhất phương án bóc tách trách nhiệm của chủ đầu tư với người mua nhà trong quá trình xét cấp sổ đỏ.

Theo đó, đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội bóc tách những nguyên nhân sai phạm của chủ đầu tư để tiếp tục xử lý.

Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đôn đốc Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã-nơi có dự án phát triển nhà ở, chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội làm việc với các chủ đầu tư để lập kế hoạch cụ thể về công tác cấp sổ đỏ, báo cáo các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ nhằm đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Để thúc đẩy tiến độ cấp sổ đỏ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường lập danh sách các chủ đầu tư không hợp tác, gây phiền nhiễu trong công tác cấp sổ đỏ cho người mua nhà, báo cáo Đoàn kiểm tra liên ngành Thành phố thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật của chủ đầu tư.

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất phong tỏa tài khoản tại ngân hàng đối với chủ đầu tư; Thu hồi đất hoặc thu hồi đối với quỹ nhà chưa bán; không giao đất để thực hiện dự án khác trên địa bàn Thành phố; Thông báo trên phạm vi cả nước về vi phạm của chủ đầu tư../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục